Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 09:23 GMT+7

Thương mại Việt Nam - Lào: Khai thác các lợi thế để phát triển

Biên phòng - Với 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường mòn và có 8 khu kinh tế cửa khẩu và nhiều chợ biên giới, thương mại Việt Nam - Lào có nhiều thuận lợi để phát triển. Trong 5 năm gần đây, thương mại của hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và theo các chuyên gia kinh tế, dư địa phát triển thương mại Việt - Lào vẫn còn rộng lớn.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thực hiện mô hình kiểm tra, kiểm soát “một cửa một lần dừng” tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh. ảnh: Thanh Thủy.

Đạt mục tiêu 1 tỉ USD

Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, cùng với các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội khiến hoạt động thương mại giữa hai nước Việt Nam - Lào gặp một số trở ngại, khó khăn.

Tuy nhiên, thương mại hai nước đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong các tháng đầu năm 2021. Tính đến hết 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 570,7 triệu USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi có đại dịch Covid-19). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 280,3 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 290,4 triệu USD, tăng 58,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Xét trong 5 năm gần đây, thương mại Việt Nam - Lào liên tục phát triển và đi vào chiều sâu. Năm 2016, thương mại giữa hai nước Việt Nam và Lào đạt 823,4 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Lào 478,1 triệu USD và nhập khẩu từ Lào 345,3 triệu USD. Bước sang năm 2017, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 892,9 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị kim ngạch giữa hai nước tiếp tục tăng trong năm 2018 với giá trị thương mại đạt được hơn 1 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Đến năm 2019, thương mại hai chiều Việt Nam - Lào vượt mốc 1 tỷ USD, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 12,5%. Việt Nam tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào với gần 430 dự án và tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại hai nước có sự tăng trưởng ổn định, đến nay đã đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD/năm. Cán cân xuất khẩu và nhập khẩu tương đối cân bằng, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi theo hướng bền vững, danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn. Hiện nay, Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Lào; Lào là nước nhận nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.

Khai thác các lợi thế xuất khẩu sang Lào

Nhằm hướng tới quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng hiệu quả, khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của nhau, thời gian qua, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp thúc đẩy trao đổi đoàn, trao đổi cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức. Gần đây nhất, hồi tháng 4-2021, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Đại sứ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang nhằm trao đổi, thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng.

Hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm du lịch, hàng hóa của Việt Nam và Lào được tổ chức tại Nghệ An trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Kim Nhượng

Hai bên thống nhất phối hợp theo dõi, trao đổi thông tin và thúc đẩy các cơ quan chức năng hai nước duy trì mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới đường bộ giữa Việt Nam - Lào, không để lưu chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng hoặc gián đoạn bởi dịch bệnh. Hai bên thống nhất thúc đẩy công tác đàm phán Hiệp định sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào năm 2015 sớm được khởi động và hoàn tất, phục vụ ký kết trong năm 2021. Đồng thời, thúc đẩy các cơ quan liên quan của cả hai nước thực thi đầy đủ các cam kết của Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Hai bên đã thảo luận và nhất trí về nhiều nội dung liên quan đến xây dựng khung giá điện nhập khẩu cho năng lượng tái tạo, quy hoạch cơ sở hạ tầng truyền tải điện giữa Việt Nam và Lào...

Theo Bộ Công thương, để vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, phát huy được cơ hội phát triển, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào một số hoạt động sau. Một là nâng cao tính chủ động để khai thác hết các lợi thế xuất khẩu sang Lào, gia tăng quy mô xuất khẩu. Tăng trưởng thương mại Việt - Lào đang có nhiều thuận lợi với hệ thống 33 cặp cửa khẩu và việc cắt giảm thuế về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Ngoài ra, thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm cũng là một trong những thuận lợi đối với hàng hóa của Việt Nam.

Hai là, các doanh nghiệp cần định vị đúng đắn tầm quan trọng của thị trường Lào, xác định những tiềm năng và thuận lợi của doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác khi thâm nhập thị trường này để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Ba là, các doanh nghiệp cần tận dụng làn sóng đầu tư của Việt Nam sang Lào để gia tăng quy mô xuất khẩu. Cùng với làn sóng đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng như sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, phân bón, thức ăn gia súc...

Bốn là tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm để xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại Lào, tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Lào.

Chợ Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa - điểm giao thương của cư dân hai biên giới Việt – Lào. Ảnh: Bích Nguyên

Bộ Công thương cho rằng, trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam có thể phối hợp với doanh nghiệp Lào xây dựng, hình thành các chuỗi sản xuất - cung ứng các sản phẩm mà hai nước có lợi thế như khai thác, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ; sản xuất và xuất khẩu mặt hàng cao su, cà phê, hạt điều, sản phẩm dệt may... mang thương hiệu hàng Việt Nam.

Trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang phức tạp, cơ quan chức năng của 2 nước, để tạo sự thông suốt trong hoạt động xuất nhập khẩu, cơ quan chức năng cần thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại cửa khẩu nhưng vẫn đảm bảo thông quan hàng hóa hiệu quả tránh bị gián đoạn, ùn tắc.

Về dài hạn, Chính phủ 2 nước cần lập một đường dây nóng, tạo đầu mối hành lang pháp lý để có thể giải quyết ngay các vấn đề vướng mắc của của các doanh nghiệp đầu tư của hai nước. Đồng thời xây dựng cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp 2 nước hợp tác, đầu tư kinh doanh.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO