Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Thương mại Việt - Lào tăng trưởng hơn 33%

Biên phòng - Vụ Thị trường châu Á, Bộ Công thương cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Công hòa dân chủ nhân dân Lào vẫn tăng trưởng ấn tượng, đạt 1,37 tỉ USD, tăng 33,32% so với năm 2020.

Phương tiện chở hàng hóa chờ xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Trí Văn

Kết quả trên vượt chỉ tiêu hai nước đề ra và trở thành giá trị kim ngạch thương mại song phương lớn nhất trong giai đoạn 10 năm qua. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 594,73 triệu USD, tăng 4,2% và kim ngạch xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 778,3 triệu USD, tăng 69,9%.

Hai nước Việt Nam - Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.300km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và thành lập 9 Khu kinh tế cửa khẩu…

Thời gian qua, việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Vụ Thị trường châu Á cho biết, từ năm 2018 đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam - Lào đạt 4,5 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 2,1 tỉ USD và kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 2,4 tỉ USD.

Kim ngạch thương mại song phương trung bình đạt hơn 1 tỉ USD/năm, tăng trưởng hơn 10%/năm. Tuy tốc độ tăng trưởng cao nhưng giá trị tuyệt đối về thương mại còn khiêm tốn, chưa tương xứng với mong muốn và tiềm năng của mỗi nước.

Tại Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới lần thứ XII, tổ chức tại thủ đô Viêng chăn (Lào) ngày 11-4-2022, Bộ Công Thương hai nước Việt Nam, Lào đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hai nước một số biện pháp phát triển thương mại biên giới gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối Việt Nam và Lào; Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về thương mại cho phù hợp với tình hình mới như Hiệp định Thương mại, Hiệp định Thương mại biên giới.

Đồng thời ký kết Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới; tiếp tục duy trì, thường xuyên cải tiến mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới đường bộ;

Cùng với đó tiếp tục duy trì kênh liên lạc thường xuyên giữa các cặp tỉnh biên giới để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thương mại biên giới…

Đến nay, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan).

Theo nhận định của Bộ Công thương, Việt Nam và Lào còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là điện.

Để tăng cường hợp tác cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã nhất trí triển khai một số biện pháp như: Phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án đường dây truyền tải, liên kết lưới điện giữa hai nước; nghiên cứu tính toán nhu cầu, các giải pháp kỹ thuật và thương mại trong liên kết lưới điện để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; nghiên cứu, báo cáo Chính phủ hai nước xem xét tăng lượng điện cung ứng phù hợp với nhu cầu và năng lực của hai bên.

Ngoài ra, trong lĩnh vực khoáng sản, Việt Nam và Lào cũng còn nhiều tiềm năng hợp tác đầu tư và thương mại nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng nguyên vật liệu trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng trên thế giới.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO