Biên phòng - Miền Trung suốt hơn 1 tháng qua oằn mình trong bão lũ, đời sống của người dân vì thế mà khó khăn, cực khổ trăm bề. Trong lũ dữ, hình ảnh những người lính Biên phòng xả thân bất chấp hiểm nguy để cứu nhân dân trở nên đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Thế nhưng, mấy ai biết rằng, các anh cũng có những hy sinh, mất mát không dễ dàng chia sẻ cùng ai.

Cuối tháng 9-2020, cơn bão số 5 đổ bộ vào miền Trung gây mưa lớn trên diện rộng. Xã A Nông, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề vì xảy ra lũ quét. Đã hơn 1 tháng kể từ khi cơn lũ dữ đi qua, gia đình Trung úy Nguyễn Gia Chương, Đội phó Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng A Nông, BĐBP Quảng Nam (cư trú tại xã A Nông) vẫn chưa có chỗ ở, phải tá túc nhờ nhà người trong làng sau khi căn nhà của gia đình anh bị lũ cuốn trôi, kéo theo tất cả tài sản.
Kể lại thời khắc cơn lũ dữ ập đến, Trung úy Chương kể: “3 giờ, ngày 18-9, thấy mưa kéo dài và lượng mưa ngày càng lớn, vợ tôi dọn dẹp tài sản chuẩn bị đưa lên cao tránh lũ. Bất ngờ, khoảng 6 giờ 30 phút cùng ngày, trận lũ quét ầm ầm đổ xuống, may mắn vợ và con tôi thoát nạn”. Đến trưa, nước lũ rút, vợ chồng Trung úy Chương trở về căn nhà chỉ thấy khung gỗ lợp nằm xiêu vẹo trong lớp bùn đất. Tài sản trong căn nhà vốn là cửa hàng bán tạp hóa của vợ anh cùng đàn lợn 4 con, hơn 100 con gà, vịt và 3 tạ cá thả dưới ao chuẩn bị thu hoạch đều bị trôi theo cơn lũ dữ. Bé Nguyễn Gia An mới bước vào lớp 1 được nửa tháng, mếu máo: “Bố ơi, cặp sách, áo mới của con đâu rồi?”.
Cơn lũ quét bất ngờ ập đến, người dân cũng chỉ kịp chạy thoát thân, còn tất cả tài sản đều bị dòng nước cuốn trôi, vậy nên khó khăn trăm bề. Là người lính, thế nên dù việc gia đình là vậy, nhưng Trung úy Chương vẫn cùng đồng đội xuống địa bàn hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau lũ.
Cũng do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, nhiều khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị bị chia cắt do sạt lở và bị cô lập do chìm trong biển nước. Trước tình hình trên, BĐBP Quảng Trị dồn mọi nguồn lực để giúp dân.
Như bao cán bộ, chiến sĩ khác, Thượng úy Nguyễn Khánh Sỹ, lái xe của Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị tham gia trực và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão. Mọi thứ đều trong tình trạng khẩn trương, cấp bách. Bởi vậy, những lúc nhận hàng, Thượng úy Nguyễn Khánh Sỹ tranh thủ xuống phụ giúp anh em để có thể nhanh chóng đưa hàng cứu trợ tới cho người dân đang “màn trời, chiếu đất”, thiếu ăn, thiếu mặc. Tính chịu thương, chịu khó, không nề hà vất vả của Thượng úy Sỹ bấy lâu nay ai cũng biết. Hơn 20 năm công tác, anh đã chở biết bao nhiêu chuyến hàng hóa trên khắp các nẻo đường biên giới từ Cù Bai cho đến La Lay, hay trên những cung đường ven biển chỉ có nắng, gió và cát.
Cả tháng vừa rồi, BĐBP Quảng Trị huy động phương tiện giúp người dân đi sơ tán, chở bộ đội đi cứu dân và chở hàng hóa cứu trợ đến vùng ngập lụt, sạt lở. Thế nên, Thượng úy Nguyễn Khánh Sỹ liên tục nhận nhiệm vụ, không có dịp ghé qua nhà dù ở ngay trong thị xã Đông Hà.
Sáng 22-10, anh đang làm nhiệm vụ chở hàng cứu trợ thì được tin nhà bị chập điện, cháy nghi ngút. Hàng xóm phá cửa thông gió cứu được con trai anh ra khỏi đám cháy. Đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ đến động viên, giúp gia đình anh dọn dẹp nhà cửa. Thượng úy Sỹ về đến nhà thì việc đã xong xuôi, thế nên, sau khi dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc để vợ con ổn định cuộc sống, anh trở lại đơn vị trực bởi miền Trung vẫn đang đứng trước nguy cơ bão lũ.
Những mất mát về của cải có thể bù đắp được, nhưng mất mát về người thì nỗi đau này sẽ còn dai dẳng mãi không thôi. Đại úy Nguyễn Bá Truyền, Trợ lý chính trị, Phòng Tham mưu, BĐBP Thừa Thiên Huế đang trải qua những ngày tang thương. Là bộ đội nên đi vắng quanh năm suốt tháng, em trai làm công nhân trong Thủy điện Rào Trăng 3 nên hai anh em cũng không có nhiều cơ hội gặp nhau thường xuyên. Đã mấy tháng nay, Đại úy Truyền làm nhiệm vụ trực tăng cường cho các tổ phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Việt - Lào. Thương em, anh cũng chỉ gọi điện hỏi thăm rồi dặn vợ ở nhà quan tâm đến em dâu và các cháu.
Nhà Đại úy Nguyễn Bá Truyền ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền nên khi nghe tin vùng đồng bằng ngập lụt, lòng anh như có lửa đốt, nhưng mọi người trong gia đình vẫn động viên nhắn nhủ: “Ở nhà vẫn ổn”. Thế rồi, anh nhận được tin em trai là một trong những công nhân bị mất tích do mưa lũ gây sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3. Đau xót và lo lắng nhưng tất cả cũng chỉ biết chờ tin từ cơ quan chức năng. Nỗi đau mất người thân như dao cứa vào lòng, rồi thương 2 cháu nhỏ từ nay mất đi chỗ dựa từ cha. Nỗi đau chỉ dịu lại đôi phần khi lực lượng chức năng tìm được thi thể em trai anh và đưa về gia đình lo hậu sự.
Tháng 11, miền Trung vẫn đang trong “mùa mưa bão”. Ngoài khơi xa kia, những cơn bão vẫn đang hình thành và thẳng hướng vào khúc ruột miền Trung vốn đã và đang oằn mình vì thiên tai khắc nghiệt. Những người lính Biên phòng vẫn chưa kịp về thăm nhà lại tiếp tục trực sẵn sàng phòng, chống lụt bão. Ai cũng hiểu rằng, lúc này nỗi niềm riêng cần gác lại, bởi đây là lúc thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của người lính với Tổ quốc, với nhân dân.
Trúc Hà