Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:24 GMT+7

Thương hiệu quốc gia được “đo” bằng APEC 2017

Biên phòng - APEC 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức, kéo dài gần một năm, diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, với nhiều chủ đề khác nhau. Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng đã đón 21 nhà lãnh đạo các nước thành viên APEC và nhiều tổ chức quốc tế, tổng giám đốc, giám đốc điều hành... của hàng nghìn doanh nghiệp trên khắp thế giới đến để tìm kiếm cơ hội đầu tư làm ăn lâu dài. Qua APEC, thương hiệu quốc gia được khẳng định và lan tỏa khắp năm châu.

1fpq_11b
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (bên phải) và Thượng nghị sĩ An-nơ Ru-xtơ, đồng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia trao đổi thông tin. Ảnh: Hải Luận

Thành công ngoài hội nghị

Sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đăng cai cuộc họp SOM1 đầu tiên. Tiếp đó là Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng, kéo dài gần một tháng, thu hút hàng nghìn quan khách quốc tế và trong nước tham dự. Chủ nhà đón tiếp khách bằng những khách sạn 5 sao sang trọng nằm bên bờ biển tuyệt đẹp. Tại đây có gần trăm cuộc họp lớn nhỏ, nhiều vấn đề rất mới đối với nền kinh tế Việt Nam: Kinh tế kỹ thuật số, chống dịch chuyển thuế, bảo hiểm công (mua bảo hiểm cho cầu, đường, trường học); chuẩn bị lực lượng lao động cho nền công nghiệp 4.0...

Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM, chia sẻ: “Cái chính của APEC 2017 là bàn chuyện làm ăn kinh tế. Ngay từ lần tổ chức đầu tiên tại Nha Trang đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội làm ăn. UBND tỉnh Khánh Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng chủ động tiếp xúc song phương với các đoàn: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Qua thông tin, họ nắm được sẽ phục vụ lâu dài trong cộng đồng doanh nghiệp của mỗi nền kinh tế”.

Chỉ tính riêng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, đã mang lại nhiều nguồn lực thiết thực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng được ký kết, trị giá gần 20 tỉ đô-la Mỹ, gấp gần 10 lần tổng giá trị các thỏa thuận được ký kết vào năm 2006 (VN đăng cai tổ chức APEC 2006).

Trong những chuỗi sự kiện APEC 2017, Ban Thư ký APEC Việt Nam đã lồng ghép nhiều chương trình, sự kiện đan xen nhau, nhằm mục đích “đẩy” thương hiệu quốc gia, con người, sản phẩm... của Việt Nam đến với cộng đồng thế giới. Điển hình, tại Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 ở Cần Thơ, ngoài chương trình nghị sự, gặp gỡ, ký kết song phương, Ban tổ chức đã thiết kế chương trình cho các đoàn đại biểu đi tham quan các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh.

Sau chuyến tham quan, nữ Thượng nghị sĩ An-nơ Ru-xtơ, đồng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia, phát biểu: “Tôi đánh giá rất cao ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt sản xuất trái cây. Chuyến thăm để lại ấn tượng mạnh trong tôi về quy trình trồng trọt. Mỗi năm sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang Australia đạt trị giá 700 triệu đô-la Mỹ. Con số này còn khiêm tốn, tới đây tôi sẽ giới thiệu nhiều doanh nghiệp của Australia sang Việt Nam mua sản phẩm nông nghiệp”.

Còn ông Han Ti-chi, trưởng đoàn, Bộ Lương nông Trung Quốc đến Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cứ cầm bông lúa xem rất kỹ, hỏi đi hỏi lại các nhà khoa học của viện về quy trình trồng giống lúa cao sản, về chống sâu bệnh. “Dân số Trung Quốc có hơn 1,3 tỉ người, an ninh lương thực là vấn đề chiến lược của Chính phủ Trung Quốc. Tôi đến đây mới biết nền nông nghiệp của Việt Nam phát triển rất tốt, đây là “kho lúa” lớn để Trung Quốc nhập khẩu” - Ông Han Ti-chi nói.

kfmp_11c
Các Bộ trưởng Tài chính thăm phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hải Luận

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC 2017 đã thông qua các nội dung hợp tác APEC trên cơ sở các sáng kiến mà Việt Nam đã đề xuất và được APEC thông qua, trong đó chú trọng các lĩnh vực: Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển nông thôn - đô thị;  phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, xanh, bền vững và sáng tạo; tạo thuận lợi cho thương mại điện tử qua biên giới, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng; phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển du lịch bền vững.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá: “Tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện rõ qua đề xuất chủ đề, các ưu tiên, ý tưởng, sáng kiến, cách thức chủ trì điều hành các hội nghị, các cuộc đối thoại, gặp gỡ và quá trình thương lượng văn kiện một cách linh hoạt, sáng tạo, vượt qua khác biệt, tạo dựng đồng thuận để không chỉ giữ vững đà hợp tác và liên kết APEC, mà còn góp phần xây dựng tầm nhìn chiến lược của Diễn đàn trong những thập niên tới. Đặc biệt, chúng ta đã tích cực góp phần hình thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ, qua đó góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực. Theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC đối thoại với các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm phối hợp xây dựng cấu trúc kinh tế khu vực bền vững, minh bạch và có khả năng thích ứng cao”.

6a1t_11a
Thạc sĩ Vũ Quỳnh, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (bên phải) giới thiệu lúa gạo Việt Nam với đại biểu dự APEC 2017. Ảnh: Hải Luận

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Việt Nam cần phát huy uy tín, lợi thế cạnh tranh và những bài học kinh nghiệm từ Năm APEC 2017, tiếp tục đề xuất ý tưởng, sáng kiến phù hợp xu thế và quan tâm chung của từng cơ chế để đảm nhận tốt các trọng trách quốc tế trong thời gian tới, nhất là việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử vào vị trí Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Hải Luận

Bình luận

ZALO