Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

Thương hiệu du lịch

Biên phòng - Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam trong số 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Đánh giá trên hoàn toàn đúng khi năm 2018, Việt Nam đón hơn 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế. 3 năm liên tục ngành du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao ở mức 26%-30%.

5c3024653f5e02a679000004
Phú Quốc, một trong những điểm đến hấp dẫn du khách nước ngoài. Ảnh: Bảo Hà

Nhiều người cho rằng con số tăng trưởng cả về lượng khách và doanh thu mà ngành du lịch nêu ra thực sự là “kỳ tích”. Tuy nhiên, cùng với niềm vui, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận du lịch Việt Nam vẫn thiếu đột phá về chất để bảo đảm phát triển bền vững.

Không thể phủ nhận, những chính sách quảng bá, ưu tiên, thu hút đầu tư... đã tạo nhiều thuận lợi cho du lịch phát triển. Thị trường khách du lịch đến Việt Nam đã phủ rộng trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Du khách có thể đến Việt Nam thuận lợi bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển. Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp được vinh danh, nhận giải thưởng quốc tế... Nhưng nhìn vào những tiêu chí: Hạ tầng phục vụ du lịch, chất lượng sản phẩm, thời gian lưu trú, mức chi tiêu, dịch vụ..., ngành du lịch vẫn chưa có sự đột phá như kỳ vọng.

Không khó nhận ra lượng và chất của ngành du lịch chưa song hành, khi tổng nguồn thu từ du lịch khoảng 620.000 tỷ đồng  chưa tương xứng với số lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Theo tính toán của các chuyên gia, du khách đến Việt Nam nghỉ lại trung bình là 9,5 ngày, nhưng chi tiêu ít hơn so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 96 USD/ngày.

Trong năm qua, Việt Nam đón 500 lượt tàu du lịch cập cảng nhưng chỉ có 19 % lượt tàu lưu trú lại. Bình quân mỗi tàu lưu trú chưa tới hai ngày, thậm chí có những tàu chỉ dừng lại vài giờ, nên chi tiêu của khách du lịch tàu biển không đáng kể. Ngay khách du lịch nội địa, các cơ sở lưu trú cũng chỉ “giữ chân” được chưa tới một nửa con số trên 80 triệu lượt khách năm 2018...

Nguyên nhân ai cũng nhận ra khi các sản phẩm phục vụ khách du lịch của chúng ta còn nghèo nàn, thiếu tính đa dạng. Hầu hết các địa phương chưa khai thác hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới, tài nguyên biển, bản sắc văn hóa dân tộc để tạo ra sản phẩm cho khách du lịch.

Nhìn ra các quốc gia lân cận, chúng ta đang tụt hậu về nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra các dòng sản phẩm du lịch riêng biệt. Du lịch Việt Nam không chỉ  thiếu điểm nhấn giữa các điểm đến, mà còn thiếu sự khác biệt, đặc sắc về văn hóa, di sản, ẩm thực và các dịch vụ bổ trợ, mua sắm hàng hóa... nên khó hấp dẫn những dòng khách đa dạng như hiện nay. Thực trạng khai thác mạnh về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa mà chưa đầu tư nhiều vào giải trí và mua sắm khiến nguồn thu từ khách du lịch chưa được như kỳ vọng.

Trong thời gian tới, du lịch Việt Nam phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt về điểm đến với các thị trường du lịch mới nổi trên thế giới. Nếu chậm  thay đổi tư duy và hành động, chúng ta sẽ mất thị phần khách du lịch ngay tại “sân nhà”. Bởi, hiệu quả tiếp thị và xây dựng thương hiệu du lịch của Việt Nam mới đứng thứ 80 trong số 136 quốc gia trong bảng xếp hạng của UNWTO.

Đầu tư cho công nghệ, truyền thông xã hội, tiếp thị nhắm tới đối tượng cụ thể và tiếp thị đa kênh tích hợp là giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra để du lịch Việt Nam cạnh tranh với các nước khác. Nhưng theo nhiều du khách, quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng và đa dạng các sản phẩm du lịch mang đậm bẳn sắc văn hóa Việt Nam, mới có thể hấp dẫn dòng khách đến và chi tiêu cao, đóng góp lớn hơn cho kinh tế đất nước.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO