Biên phòng - Sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7 vừa qua, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây đang rạn nứt sâu sắc. Trong khi đó những dấu hiệu thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Nga-Thổ càng làm dấy lên tranh cãi về khả năng có sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Ankara.

Tố Mỹ chống lưng đảo chính, Ankara “đảo chiều” sang Nga?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đổ lỗi cho Mỹ dính líu đến cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng trước, sau khi Washington từ chối dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang tị nạn ở bang Pennsylvania (Mỹ) và bị cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính, bất chấp yêu cầu lặp đi lặp lại của Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ giữa Ankara với các đồng minh phương Tây càng trở nên căng thẳng và phức tạp hơn khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên tiếp chỉ trích việc Tổng thống Erdogan đẩy mạnh quá trình thanh trừng nội bộ.
Theo nhiều nhà phân tích, cuộc đảo chính vừa qua đã mang đến cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ một cơ hội nhìn lại mối quan hệ đồng minh và kẻ thù ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Việc Mỹ và hầu hết các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tỏ thái độ thận trọng đối với vụ đảo chính hôm 15-7 khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất niềm tin và cảm giác bị các đồng minh trong NATO phản bội. Điều này đã đẩy Ankara đến gần hơn với Nga.
Nga là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ankara, đồng thời lên án tất cả các hình thức can thiệp quân sự ngay trong những giờ đầu tiên diễn ra bạo loạn. Cũng có báo cáo cho rằng Moskva đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về nguy cơ đảo chính trước khi sự việc diễn ra. Phản ứng của Nga khác hoàn toàn so với thái độ của các đồng minh NATO. Mỹ chỉ ra tuyên bố ủng hộ chính quyền được bầu cử một cách dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cuộc đảo chính đã ngã ngũ.
Thực tế, việc hàn gắn quan hệ giữa Moscow và Ankara không có gì quá ngạc nhiên khi cả hai bên đều đang hướng tới việc cải thiện mối quan hệ vốn “căng như dây đàn” sau vụ máy bay ném bom Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ở khu vực biên giới Syria hôm 24-11-2015. Trước khi xảy ra vụ đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ đã có động thái rõ thể hiện ý muốn “làm lành” với Nga khi Tổng thống Erdogan đưa ra lời xin lỗi trong một bức thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin về vụ bắn rơi máy bay Nga. Sau đó hai nhà lãnh đạo đã nhất trí bình thường hóa quan hệ thông qua cuộc điện đàm hôm 29-6.
Người chơi địa chính trị quan trọng ở Biển Đen
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mâu thuẫn với phương Tây và tái lập quan hệ với Nga là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Ankara. Cải thiện quan hệ nồng ấm với Nga đang trở thành ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính. Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu Ankara có đánh cược quan hệ với các đồng minh NATO hay không.
Việc hòa giải quan hệ Nga-Thổ phù hợp với lợi ích sống còn của hai nước trong khu vực. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã thúc đẩy nỗ lực hàn gắn quan hệ Nga-Thổ, tách riêng những lợi ích kinh tế khỏi những bất đồng chính trị. Trước vụ máy bay chiến đấu của Nga bị bắn hạ, Ankara và Moskva từng nỗ lực điều chỉnh những khác biệt trong chính sách ở Đông Âu, khu vực Caucasus và Trung Đông.

Tuy nhiên, “vụ khủng hoảng Su-24” cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã phản tác dụng. Rút ra bài học đó, Ankara đang hướng tới giải pháp thiết lập mối quan hệ đối tác dựa trên những điều khoản bình đẳng. Nếu không, một sự “xoay trục” sẽ đồng nghĩa với việc Ankara đánh mất sự cân bằng giữa phương Tây và phương Đông, điều có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị tổn thương hơn.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là hai quốc gia không nằm trong tiến trình hội nhập của châu Âu, song triển vọng về sự ra đời của “trục” Nga - Thổ có những hạn chế nhất định do sự khác biệt về lợi ích. Ví dụ trong vấn đề Syria: liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể duy trì chính sách hàn gắn quan hệ lâu dài hay không, nhất là khi Nga đã triển khai hệ thống tên lửa S-400 ở Latakia. Hiện tại, Moskva và Ankara vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề người Kurd ở Syria hay các lực lượng đối lập ôn hòa trên thực địa.
Mặt khác, nếu phá vỡ quan hệ với NATO chắn chắc sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ tổn thất lớn về mặt an ninh. Sau nỗ lực trấn áp những kẻ chủ mưu của cuộc đảo chính bất thành, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã suy yếu về nhân lực, trong đó có lực lượng đang thực hiện các hoạt động quân sự chống lại đảng Công nhân người Kurd (PKK) và tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Iraq và Syria. Trước tình trạng thiếu hụt an ninh ở biên giới phía Đông Nam, Thổ Nhĩ Kỳ cần sự hỗ trợ của NATO hơn bao giờ hết.
Phát biểu mới đây của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong đó nhấn mạnh việc bình thường hóa quan hệ với Nga không phải là sự thay thế cho quan hệ với NATO hay EU, được xem là một động thái xoa dịu rõ ràng. Khi các lựa chọn chính sách ngoại giao tác động tới không chỉ cấu trúc an ninh ở khu vực mà còn ảnh hưởng tới cả tương lai của thể chế, hiển nhiên Ankara sẽ cân nhắc kỹ trước khi đưa ra các quyết định, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Trung Nguyên