Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:09 GMT+7

Kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5:

Thực hiện tốt chính sách đối với lao động nữ

Biên phòng - Từ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của các cấp công đoàn, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ ngày càng được đảm bảo tốt hơn, giúp cho lao động nữ ngày càng phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong công việc và góp phần xây dựng gia đình nữ công nhân, viên chức, lao động bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Nhiều chương trình tọa đàm bổ ích được tổ chức dành cho công nhân, viên chức, người lao động nữ. Ảnh: Ngọc Tú

Bộ Luật Lao động năm 2019 dành riêng chương X về những quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới, trong đó quy định Nhà nước có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động. Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.

Đối với người sử dụng lao động cũng phải thực hiện một số trách nhiệm đối với lao động nữ như đảm bảo thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng phải tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động. Không sử dụng lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa, không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Lao động nữ được đảm bảo việc làm sau khi nghỉ thai sản, trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai...

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng có những quy định riêng về chế độ thai sản cho lao động nữ như thời gian nghỉ 6 tháng sau khi sinh con mà vẫn được hưởng nguyên lương, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 10-50 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Ngoài ra, còn có chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi nghỉ thai sản, chế độ cho lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.

Thời gian qua, các cấp Công đoàn đã thể hiện vai trò đại diện của mình trong việc chủ động tham gia có hiệu quả với cơ quan nhà nước xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chú trọng lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, bảo đảm thực chất hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ trong các lĩnh vực: Lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động...

Bên cạnh việc tích cực tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, các cấp Công đoàn trong cả nước đã chủ động áp dụng đúng các chế độ, chính sách đối với lao động nữ, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống cho lao động nữ.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn thường xuyên tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động nữ trong các thành phần kinh tế. Các cấp Công đoàn đã tham gia kiểm tra hơn hàng chục nghìn cuộc, kiến nghị giải quyết hàng nghìn trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chính sách với lao động nữ; đề xuất với Nhà nước và doanh nghiệp sửa đổi nhiều nội dung.

Cụ thể như: Ưu đãi với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ; chính sách thai sản, nuôi con bằng sữa mẹ, ưu tiên đảm bảo việc làm cho lao động nữ, đảm bảo điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện với lao động nữ; chính sách về bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chính sách hỗ trợ về nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân, viên chức, người lao động; tham gia thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể có nhiều chính sách có lợi hơn đối với lao động nữ so với các quy định của pháp luật.

Ngọc Tú

Bình luận

ZALO