Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 12:52 GMT+7

Thực hiện song hành nhiệm vụ “kép” ở Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư

Biên phòng - Càng đến gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới càng diễn biến phức tạp. Trước nhận định đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Phước trên các tổ chốt phòng, chống dịch Covid-19 đang khắc phục mọi khó khăn, ngày đêm tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở và khu vực cửa khẩu. Tất cả đều quyết tâm, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, đồng thời thực hiện các giải pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ bà con dịp Tết Nguyên đán trên khu vực biên giới.

Tổ công tác lưu động của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, BĐBP Bình Phước tuần tra, kiểm soát chặt biên giới. Ảnh: Hồ Phúc

Khu vực biên giới 2 xã Lộc Hòa và Lộc Thạnh thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, BĐBP Bình Phước phụ trách có nhiều đường mòn, lối tắt nên các đối tượng đã lợi dụng đêm tối, trời mưa hay sương mù để qua lại biên giới trái phép. Ngoài ra, nắm bắt được nhu cầu qua lại biên giới của nhiều người dân, một số đối tượng đã tổ chức đưa đón người dân xuất nhập cảnh trái phép nhằm kiếm lời.

Nhằm kiểm soát chặt chẽ biên giới, thời gian qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đã triển khai 8 chốt phòng, chống dịch Covid-19 cố định và 3 tổ công tác lưu động, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, gian lận thương mại, buôn lậu. Từ đầu năm 2020 đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đã kịp thời phát hiện, bắt giữ 65 đối tượng nhập cảnh trái phép, đưa đi cách ly theo quy định.

Từ khi dịch bệnh xảy ra, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đã triển khai linh hoạt nhiều giải pháp để vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa tạo được môi trường cạnh tranh, lành mạnh cho doanh nghiệp buôn bán, giao thương. Tùy theo tình hình dịch bệnh, đơn vị thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

Theo đó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu như hải quan, kiểm dịch y tế làm tốt công tác kiểm soát người, phương tiện và hàng hóa qua khu vực cửa khẩu. Các đơn vị tại Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu đã thay đổi dây chuyền kiểm tra, giám sát nhằm kiểm soát dịch bệnh, thông quan hàng hóa hiệu quả. Tại luồng xuất khẩu, xuất cảnh, trình tự kiểm tra đã được thay đổi với việc, hoạt động kiểm dịch được đẩy lên đầu tiên sau đó đến quy trình làm việc của lực lượng Hải quan, tiếp đến là Biên phòng. Còn tại luồng nhập cảnh, nhập khẩu, quy trình thay đổi gồm: Kiểm dịch - Biên phòng - Hải quan.

Mục đích của việc thay đổi quy trình kiểm tra là nhằm đảm bảo công tác kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa lưu thông nhanh tại khu vực cửa khẩu. Đồng thời, Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu đã áp dụng biện pháp thay đổi đầu kéo container. Cụ thể, khi thùng hàng container được phép xuất cảnh qua khu vực cửa khẩu, tài xế sẽ chở hàng qua biên giới, sau đó để lại thùng container và điều khiển đầu kéo trở về lại tiếp tục đưa hàng sang. Với cách làm này, hàng hóa vẫn được lưu thông, trong khi những người điều khiển phương tiện lại quay trở về, tránh tiếp xúc với những người ở bên kia biên giới, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Đại úy Đỗ Xuân Thủy, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư cho biết: “Tại khu vực cửa khẩu, hiện nay, bình quân mỗi ngày có từ 70 đến 80 phương tiện qua lại trao đổi hàng hóa. Mặc dù số lượng người và phương tiện qua lại ít hơn so với thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát, nhưng anh em làm nhiệm vụ tại cửa khẩu lại rất bận rộn, vất vả bởi phải thực hiện quy trình kiểm soát dịch bệnh rất chặt chẽ.

Cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng chức năng phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ lái xe đến phương tiện vận chuyển hàng hóa tại khu vực cửa khẩu. Đồng thời phối hợp chặt chẽ kiểm soát hàng hóa, không để “hàng lậu”, “hàng nhái”, “hàng giả” lọt vào nước ta.

Được biết, tỉnh Bình Phước có 3 huyện biên giới gồm: Bù Gia Mập, Lộc Ninh và Bù Đốp, với chiều dài hơn 260km. Trong đó, địa bàn thuộc 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp từ trước tới nay luôn là điểm nóng về hoạt động buôn lậu cũng như xuất nhập cảnh trái phép. Bởi địa hình các địa bàn này có nhiều lối mòn tự phát, nhân dân hai bên biên giới sinh sống và canh tác giáp biên là điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng lậu từ bên kia biên giới vào Việt Nam.

Các đối tượng buôn lậu đa số là người ở địa phương, rất thông thạo địa bàn, thường móc nối với các chủ hàng bên Campuchia tập kết hàng tại các điểm ngay sát biên giới Việt Nam. Sau đó, thuê “cửu vạn” chia nhỏ hàng hóa, rồi lợi dụng đêm tối đi theo những lối mòn tự phát hay những nơi có ít người qua lại, chờ thời cơ thuận lợi vận chuyển qua biên giới đưa sâu vào nội địa tiêu thụ.

Lực lượng BĐBP phối hợp với Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt các phương tiện chở hàng hóa qua lại khu vực cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Ảnh: Hồ Phúc

Thượng tá Nguyễn Ngọc Út, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Bình Phước chia sẻ: “Xác định nguy cơ từ những đối tượng vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới sẽ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào nước ta, từ đầu năm 2020 đến nay, BĐBP Bình Phước đã duy trì 62 tổ công tác cố định và 11 tổ chốt lưu động trực 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.

Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị BĐBP Bình Phước đã bắt giữ 203 vụ với 233 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Công an, Hải quan bắt giữ 22 vụ/51 đối tượng, tang vật thu giữ gần 250kg pháo nổ, hơn 9.000 gói thuốc lá ngoại”.

Kết quả đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đã tạo môi trường thuận lợi cho các tiểu thương, doanh nghiệp làm ăn chính đáng có điều kiện phát triển, thúc đẩy giao thương hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế địa phương, chống thất thoát tiền nộp thuế cho nhà nước.

Hồ Phúc

Bình luận

ZALO