Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:16 GMT+7

Thực hiện lời Bác, vượt gian khổ giải phóng Sầm Nưa

Biên phòng - 70 năm đã trôi qua, nhưng Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên sĩ quan Tác huấn Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1953 vẫn nhớ như in lời Bác Hồ dạy: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”. Thực hiện lời Bác, ông và các đồng đội đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tiến quân đuổi đánh địch, giải phóng Sầm Nưa (Lào), góp phần vào Chiến thắng Thượng Lào, biểu tượng của tinh thần đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào.

Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh kể lại ký ức những ngày gian khổ nhưng đầy tự hào trong Chiến dịch Thượng Lào 1953. Ảnh: Ngô Quang

Năm nay đã 94 tuổi, nhưng Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Ông nói chuyện sôi nổi, hoạt bát và không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ lại những ngày tháng chiến đấu trên chiến trường nước bạn. Từng dữ kiện lịch sử hiện về trong ông khi xem lại sơ đồ các mũi tiến công của quân dân ta và bạn Lào trong Chiến dịch Thượng Lào. “Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại, những ký ức về Chiến dịch Thượng Lào hiện về như chỉ vừa mới diễn ra. Đối với tôi, việc được tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả mãi là niềm vinh dự và tự hào” - Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ.

Sau thất bại ở Tây Bắc năm 1952, Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương nhận thấy nguy cơ có thể mất Thượng Lào, nên đầu năm 1953, quân Pháp tăng cường củng cố thế phòng ngự nơi đây, trong đó, tập trung xây dựng Sầm Nưa, cửa ngõ của Thượng Lào thành một tập đoàn cứ điểm gồm 11 vị trí do 3 tiểu đoàn trấn giữ. Đây là nơi địch tập trung quân đóng giữ đông nhất ở Lào thời điểm đó. Cùng với Sầm Nưa, tại Xiêng Khoảng, địch cũng bổ sung lực lượng, tăng cường tổ chức phòng ngự. Thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu của Đảng Lao động Việt Nam và quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc, Đại đoàn 308 về đóng quân ở Thanh Ba, Phú Thọ. Tết âm lịch Quý Tỵ (năm 1953), sau 2 ngày nghỉ ăn Tết, toàn đơn vị của ông Thịnh bắt đầu tổ chức học tập, huấn luyện, chuẩn bị sẵn sàng cho những nhiệm vụ tiếp theo. Trong lúc đó, các cán bộ về Đại đoàn bộ họp Hội nghị tổng kết kinh nghiệm trong Chiến dịch Tây Bắc nhằm vận dụng ngay vào công tác huấn luyện trước mắt và những trận chiến đấu sắp tới. Ngày 9 tháng Giêng (âm lịch), Bác Hồ đến thăm và chỉ đạo hội nghị.

Đại tá Thịnh nhớ lại: “Bác rất vui vì thấy toàn đơn vị qua chiến đấu về vẫn khỏe mạnh, luyện tập tốt, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. Nói chuyện với đơn vị, Bác chỉ rõ: “Kỳ vừa qua, chúng ta đã thu được thắng lợi lớn. Đơn vị đã làm tròn nhiệm vụ, vì có nhiều ưu điểm. Ưu điểm lớn nhất là quyết tâm, nhưng quyết tâm chưa đầy đủ”. Bác nêu một số khuyết điểm cụ thể và dặn chúng tôi: “Phải đề cao trách nhiệm với bất cứ việc gì của Đảng, Chính phủ giao phó; phải cố gắng đề cao tự phê bình, phê bình để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm”.

Ngày 3/4/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công tham gia Chiến dịch Thượng Lào, Người căn dặn: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao trong Chiến dịch Thượng Lào, Đại đoàn 308 hành quân theo 3 đường tiến thẳng đến Sầm Nưa. Đại tá Thịnh kể: “Trung đoàn 88 chúng tôi tiến theo đường Mộc Châu - Sốp Hào - Công Khum - Noọng Khang. Đây là cuộc hành quân rất gian khổ, bởi đường xa, lại phải mang vác nặng qua nhiều núi cao, vực thẳm. Tuy nhiên, với tinh thần kiên quyết vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, lớp cán bộ, chiến sĩ chúng tôi ngày đó ai cũng quyết tâm nhanh chóng vượt lên phía trước tiêu diệt địch, giúp đỡ cách mạng nước bạn. Sau hơn 10 ngày hành quân, vượt qua gần 300km, trưa ngày 13/4, đơn vị đi đầu của Trung đoàn đã cách Sầm Nưa chừng 30km”.

Phát hiện các đại đoàn chủ lực của ta tiến sang Thượng Lào, trưa ngày 12/4, tướng Xalăng vội ra lệnh rút toàn bộ lực lượng khỏi Sầm Nưa để tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Trước tình huống địch bất ngờ rút chạy khỏi Sầm Nưa, Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhanh chóng thay đổi kế hoạch từ đánh địch trong công sự vững chắc sang đánh địch rút chạy. “Bộ đội được quán triệt mệnh lệnh của cấp trên, 250km cũng đuổi, 300km cũng đuổi, có lương thực cũng đuổi, không có lương thực cũng đuổi. Binh đoàn địch đã mất tinh thần, không thể chạy nhanh, thời cơ tiêu diệt địch đã đến, có thể diệt nhiều địch mà tốn ít xương máu” - ông Thịnh nhớ lại.

“Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức một thời trai trẻ được tham gia Chiến dịch Thượng Lào 1953 vẫn vẹn nguyên trong ký ức của tôi. Tôi luôn tự hào vì đã cùng đồng đội giải phóng Sầm Nưa, góp phần củng cố và phát triển cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” - Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ.

Ông Thịnh kể tiếp: “Trưa ngày 13/4, các đơn vị trên hướng chủ yếu tổ chức lực lượng gọn nhẹ, nhận lệnh cấp tốc hành quân truy kích. Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà cho gọi tôi giao nhiệm vụ: Dẫn đội trinh sát, bảo vệ gồm 5 người đi trước trinh sát, tìm đường vào Sầm Nưa nhanh nhất....”.

Tuy mới trải qua cuộc hành quân vô cùng gian khổ hơn 10 ngày, chưa kịp nghỉ ngơi lấy lại sức, Trung đoàn 88 cùng các đơn vị lập tức tổ chức truy kích địch. Khi đơn vị đến Sầm Nưa, 2 Tiểu đoàn 29 và 322 được lệnh ở lại làm nhiệm vụ tiếp quản thị xã và các căn cứ tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa. Riêng Tiểu đoàn 23 tiếp tục truy đuổi địch dọc đường từ Sầm Nưa đến Cánh Đồng Chum. Trong lúc Tiểu đoàn 23 trên đường truy kích địch, 2 Tiểu đoàn 29 và 322 ở Sầm Nưa đã tiến vào các cứ điểm của địch, thu nhận vũ khí và quân dụng mà địch bỏ lại, cùng cán bộ Lào hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp quản thị xã và xây dựng chính quyền mới, xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Sau này, Sầm Nưa trở thành “Thủ đô kháng chiến” của nhân dân các dân tộc Lào.

Ngày 2 và 3/5/1953, tại Sầm Nưa mới được giải phóng, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Thượng Lào tổ chức Hội nghị tổng kết chiến dịch, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng Chiến dịch khẳng định: “Chúng ta đã thắng to, vì trong chiến dịch này không những ta đã tiêu diệt được một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mà lực lượng ta thì nhiều đơn vị hầu như được nguyên vẹn, ta bị thương vong ít”.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO