Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:37 GMT+7

Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế vì sức khỏe cộng đồng

Biên phòng - Trong những năm qua, cùng với các chính sách an sinh xã hội thì chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng. Đặc biệt, nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB), nhờ đó, giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người bệnh, nhất là người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách...

Người dân đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế thông qua ứng dụng VssID được cài đặt trên điện thoại di động.

“Phao cứu sinh” của người bệnh

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, bình quân mỗi năm, quỹ BHYT chi trả từ 100-105 nghìn tỷ đồng cho việc KCB thuộc danh mục BHYT. Ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính khác như bệnh rối loạn đông máu di truyền, ung thư, tim mạch, suy thận... Đối với người tham gia BHYT, đây được xem là “phao cứu sinh” không thể thiếu mỗi lúc ốm đau, bệnh tật.

Là một trong những bệnh nhân không may bị bệnh hiểm nghèo, ông Vũ Văn H, ở tỉnh Điện Biên thấu hiểu được áp lực tài chính gia đình mình phải trang trải để “chiến đấu” với bệnh tật. Ông H chia sẻ, gia đình ông thuộc hộ nghèo, may nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước nên ông có được tấm thẻ BHYT và nó như tấm “bùa hộ mệnh” để ông duy trì sự sống. “Với số tiền chữa bệnh lên tới cả trăm triệu đồng mỗi năm là một khoản chi phí khổng lồ đối với gia đình tôi nhưng nhờ có thẻ BHYT nên tôi được Nhà nước chi trả chi phí điều trị, đó thực sự như một phép màu” – Ông H cho biết.

Cũng như trường hợp của ông H, bà Nguyễn Thị D, ở tỉnh Thanh Hóa, luôn cảm thấy may mắn khi được hưởng chính sách BHYT. Gia đình bà thuộc đối tượng chính sách, bản thân bà là thương binh. Vì ảnh hưởng của thương tật nên mấy năm nay, bà D thường bị tai biến mạch máu não, trong đó, đã có lúc bà bị đột quỵ tưởng chừng như không thể qua khỏi. Hiện nay, bà D tuổi đã cao, sức khỏe yếu, phải đối mặt với bệnh tật, bà không khỏi phiền lòng.

Bà D tâm sự từ đáy lòng: “Nhờ có BHYT mà gia đình tôi đỡ áp lực về tài chính, các con tôi cũng đỡ vất vả hơn trong việc lo chi phí cho tôi điều trị bệnh. Đó là điều rất may mắn, bởi hiện nay, vẫn còn nhiều người vừa phải chống chọi với bệnh tật, vừa phải chạy vạy tiền nong để trả tiền viện phí. Ngoài ra, có nhiều người khi phát hiện mình bị bệnh nặng mới quan tâm đến việc mua BHYT. Do đó, chủ động tham gia BHYT sớm ngày nào thì tốt ngày ấy, vừa giảm gánh nặng cho người thân và xã hội”.

Cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

Với những ý nghĩa thiết thực của chính sách BHYT, những năm qua, số người tham gia BHYT ở nước ta đã có sự tăng trưởng mạnh và vượt các mục tiêu đề ra. Năm 2016, số người tham gia BHYT tăng 11% so năm 2015; năm 2015 và 2017, mỗi năm tăng 6-7%, giai đoạn 2018-2020 duy trì mức tăng trên dưới 3% mỗi năm.

Tính đến ngày 31-12-2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, tăng 23,37 triệu người so với năm 2014 (tương ứng tăng 36%), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT với 90,85% dân số. Với tỷ lệ này, BHXH Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về “đích” trước thời hạn so với mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.

Với việc gia tăng số lượng người tham gia BHYT, cơ hội tiếp cận các dịch vụ KCB thông qua chính sách BHYT ngày càng được mở rộng. Hằng năm, BHXH Việt Nam thực hiện thanh toán chi phí KCB theo chính sách BHYT cho trên 100 triệu lượt người KCB nội trú và ngoại trú. Năm 2020, thanh toán cho trên 167,6 triệu lượt người KCB BHYT với gần 103 nghìn tỷ đồng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2021, có gần 76 triệu lượt người KCB BHYT với số chi BHYT ước tính hơn 49 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân, quỹ BHYT đã và đang tiếp tục giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, giảm bớt gánh nặng chi trả chi phí KCB khi người tham gia BHYT không may bị ốm đau, bệnh tật.

Với chức năng là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để việc thực thi pháp luật BHYT đạt hiệu quả nhất; bảo đảm kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHYT thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát huy có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...

Ngày 1-6-2021, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở KCB BHYT đưa vào sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID – BHXH số” thay thế thẻ BHYT bằng giấy khi đi KCB trên toàn quốc. Đây được đánh giá là bước đi đột phá, phù hợp với xu thế chuyển đổi số và phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Qua đó, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.

Tâm An

Bình luận

ZALO