Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:35 GMT+7

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Biên phòng - Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai bên mới chỉ đạt 3,2 tỷ USD, chỉ chiếm tỷ trọng 5% trong kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Lợi thế thương mại giữa Việt Nam và Vân Nam vẫn còn rất nhiều tuy nhiên ta chưa khai thác được.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Thu Hằng

Để thúc đẩy việc xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ngày 10/2, Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Trung Quốc và Việt Nam luôn xác định là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động thúc đẩy và triển khai các quy định giữa hai nước. Các Bộ: Công Thương, NN&PTNT, Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan đều phối hợp chặt chẽ với các địa phương biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… để kết nối doanh nghiệp hai nước nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu thương mại giữa hai nước”.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định 248 và 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm.

Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ NN&PTNT cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bộ NN&PTNT đã triển khai rất mạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết, hợp tác kinh tế thương mại giữa tỉnh Lào Cai, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Giai đoạn trước dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu tăng trưởng bình quân đạt 20,3%, trong đó giá trị xuất nhập khẩu hàng nông sản chiếm trên 30% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu với khối lượng nông sản xuất nhập khẩu hai bên đạt gần 2 triệu tấn mỗi năm.

Để góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước, tỉnh Lào Cai đề xuất Bộ NN&PTNT xây dựng chuẩn hóa các quy trình sản xuất, đóng gói nông sản xuất khẩu; sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại nông sản của Việt Nam để giảm bớt thời gian, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu...

Đóng gói mặt hàng chuối tươi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Bích Nguyên

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Công Thương tăng cường triển khai có hiệu quả các Bản ghi nhớ giữa Bộ và Chính quyền tỉnh Vân Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về hợp tác thương mại; hỗ trợ tỉnh Lào Cai triển khai một số nội dung hợp tác thương mại với tỉnh Vân Nam.

Đối với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, tỉnh Lào Cai đề nghị cùng phối hợp triển khai các biện pháp thuận lợi hóa, khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành; đẩy nhanh tiến độ báo cáo cấp Trung ương chỉ định cửa khẩu đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu được thực hiện nhập khẩu nông sản, trái cây vào thị trường Trung Quốc; tiếp tục hoàn thiện ”luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản qua cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai - Hà Khẩu; đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Phân tích những khó khăn, tồn tại trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, ông Huỳnh Tấn Đại cho biết, hiện vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.

“Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian vừa qua Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố mã số vùng trồng, đồng thời phối hợp với các chi cục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu để kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, để công tác quản lý đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự đồng hành của các địa phương, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội ngành hàng trong vấn đề quản lý mã số đã được cấp”, ông Đạt nói.

Đề xuất các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại, thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc nói chung, tỉnh Vân Nam riêng, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) lưu ý các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Trung Quốc cần hoàn thiện hồ sơ từ nay đến 30/6.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO