Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:21 GMT+7

Thúc đẩy tiêu thụ trong nước để “giải cứu” nông sản

Biên phòng - Các cặp chợ trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục bị đóng cửa, trước mắt là tới cuối tháng 2-2020, do dịch Covid-19 khiến cho giao thương trên biên giới bị gián đoạn. Xuất khẩu nông sản của nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng do trao đổi cư dân là hình thức trao đổi quan trọng nhất, trong khi Trung Quốc đang là thị trường khổng lồ của nông lâm thủy sản Việt Nam (chiếm 22-24% tổng kim ngạch xuất khẩu). Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc tìm kiếm các thị trường mới, thì việc thúc đẩy tiêu thụ trong nước được coi là giải pháp trước mắt hiệu quả nhất để “giải cứu” các sản phẩm nông sản, nhất là trái cây.

3ukc_13a
Dưa hấu được bày bán ở hệ thống cửa hàng Vinmart với giá 6.000 đồng/kg. Ảnh: Bích Nguyên

Thanh long, dưa hấu rớt giá

Nếu như mọi năm, thời điểm này, việc giao thương nông sản diễn ra sôi động. Khách hàng Trung Quốc thường tìm đến tận vựa sản xuất trái cây để đặt hàng, thu mua, thế nhưng năm nay, hoạt động thu mua, đóng gói trái cây xuất sang Trung Quốc hầu như tê liệt. 

Người trồng dưa hấu tại nhiều địa phương đều như đang ngồi trên đống lửa vì tình trạng ế ẩm. Hầu hết thương lái đều ngưng thu mua nên người dân chỉ bán được một số lượng ít cho các lái buôn trong vùng để bán đi các tỉnh lân cận. Giá dưa hấu vì vậy rớt giá thê thảm, chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg.

Cùng với dưa hấu, xuất khẩu thanh long cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 3 tỉnh trồng thanh long lớn nhất cả nước là Long An, Tiền Giang và Bình Thuận đang phải chạy đua với thời gian, tìm mọi cách để giải phóng số hàng tồn kho, chưa kể một số lượng lớn sắp vào đợt thu hoạch cuối tháng 2.

Tỉnh Tiền Giang có khoảng 8.400ha thanh long chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc. Ngoài thanh long, tỉnh này có một số nông sản khác như dứa, mít, dưa hấu cũng chủ yếu phục vụ thị trường Trung Quốc. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả nông dân và thương lái đều gặp khó khăn vì không tiêu thụ được bởi những biện pháp phòng chống dịch từ cả Trung Quốc và Việt Nam. Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết, có khoảng 22.000 tấn thanh long, gần 50.000 tấn sầu riêng, 30.000 tấn mít đang trong thời kỳ thu hoạch chưa tiêu thụ được. Trong khi đó, lượng kho trữ trên toàn tỉnh chỉ có thể trữ được khoảng 4.000 tấn. Giá sầu riêng trước Tết Nguyên đán là 70.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 35.000 đồng/kg.

Tại Long An, việc tiêu thụ nông sản cũng không sáng sủa hơn. Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, hiện nay, diện tích thanh long cho ra trái khoảng 9.587ha (trên tổng số 11.826ha) với sản lượng 320.000 tấn. Từ tháng 1 đến tháng 2, còn khoảng 30.000 tấn, trong đó, 20.000 tấn đang tồn kho và cuối tháng 2 sẽ thu hoạch thêm 28.000 tấn. “Lâu nay, thu mua thanh long của Long An chủ yếu là khách Trung Quốc, giá cả cũng do họ quyết định, trong khi đó, hợp đồng với nông dân lại không chắc chắn nên thường xảy ra rủi ro, do bán qua thương lái. Hiện tại, thị trường xuất khẩu thanh long chủ yếu của Long An là Trung Quốc với 75%, còn 25% là xuất sang Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. Do vậy, việc tiếp tục đóng cửa các chợ biên giới sẽ khiến cho việc tiêu thụ thanh long càng thêm khó khăn” - Ông Cảnh nói. 

Nếu như trước Tết, giá thu mua thanh long ở Long An khoảng 35.000-45.000 đồng/kg thì nay giảm khoảng 6 lần, vào khoảng 8.000 đồng/kg loại 1, loại 2 rớt giá chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg. Trước tình trạng này, ông Cảnh đã phải đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kho lưu trữ ngủ đông, kéo dài thời gian lưu trữ, bảo quản thanh long, đồng thời mở rộng thị trường để tiêu thụ mặt hàng này.

Tại Bình Thuận, tình trạng ùn ứ mặt hàng thanh long cũng xảy ra từ sau khi Trung Quốc tạm ngừng giao dịch tại các chợ biên giới. Hiện tại, Bình Thuận có 8.000 đến 10.000ha thanh long đến vụ thu hoạch, sản lượng tương đương khoảng 85.000-100.000 tấn quả. Trong khi đó, Bình Thuận vẫn còn khoảng 4.000 tấn thanh long đang nằm trong các kho chứa.

Kêu gọi người tiêu dùng trong nước ủng hộ

Tại các cửa khẩu, đến ngày 9-2, tại tỉnh Lạng Sơn còn tồn 173 xe thanh long, tại tỉnh Lào Cai là 152 xe. Trước tình trạng ùn ứ nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường mong muốn, người dân đồng hành, chia sẻ và cùng ứng phó với những khó khăn của sản xuất nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài. 

Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, việc bảo quản trong kho lạnh cũng không được lâu vì chưa biết dịch Covid-19 diễn ra trong bao lâu, trong khi trái thanh long chỉ bảo quản được trong 45 ngày, thậm chí thanh long ruột đỏ chỉ được 15 ngày, rủi ro là rất lớn. “Chính vì vậy, cần khuyến khích bán hàng online, giao hàng tận nơi. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chế biến, hỗ trợ giá cho doanh nghiệp đã thu mua nông sản đưa vào kho lạnh, miễn giảm tiền điện chạy kho lạnh bảo quản trái cây” - Ông Tùng đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Big C... cần vào cuộc tích cực. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, trong tình thế hiện tại, sản phẩm nông sản chịu sức ép về thời vụ và bảo quản nên cần tăng cường tiêu thụ nội địa, thông qua tổ chức kết nối các vựa trái cây lớn với chuỗi các siêu thị lớn, chợ đầu mối. 

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (chủ hệ thống Big C) cho biết, hiện nay, Big C có 37 siêu thị ở 22 tỉnh, thành phố, hằng ngày tiêu thụ một lượng nông sản tương đối lớn. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động xuất khẩu nông sản, Big C cam kết hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân. Để giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi, Big C vừa tung ra chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long”. Đơn vị này dự kiến tiêu thụ giúp nông dân khoảng 4.000 tấn thanh long và dưa hấu trong chương trình này. Được biết, hệ thống siêu thị Lotte Mart, Saigon Co.op và chuỗi cửa hàng Vinmart cũng hưởng ứng chiến dịch “giải cứu” thanh long và dưa hấu.

Trong khi đó, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, sẽ vận động các doanh nghiệp hội viên giảm 10-20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ cho các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO