Biên phòng - Tính đến sáng 3-1-2022, tại 3 khu vực cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma) vẫn còn tồn 2.558 xe, giảm 294 xe so với 1 ngày trước đó.
Hiện, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang tích cực xúc tiến kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ lượng hàng hóa ùn ứ tại tỉnh Lạng Sơn nói riêng và các mặt hàng nông sản đang vào vụ thu hoạch nói chung.
Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, năng lực thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn vẫn rất hạn chế, trong khi các xe hàng ở nội địa vẫn tiếp tục lên cửa khẩu dù biết còn một lượng lớn hàng hóa đang ùn ứ tại đây.
Từ 8 giờ ngày 2-1 đến 8 giờ ngày 3-1-2022, có 74 phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, trong đó có 56 xe hoa quả. Trong khi đó, trong ngày 2-1-2022 chỉ có 67 xe hàng được thông quan xuất khẩu tại cửa khẩu này. Lượng xe hàng hóa tồn tại đây là 1.440 xe, bao gồm 1.056 xe hoa quả, còn lại là xe chở ván bóc, linh kiện điện tử và các mặt hàng khác.
Tại cửa khẩu chính Chi Ma còn tồn 480 xe hàng. Từ ngày 18-12 đến nay, cửa khẩu phụ Tân Thanh vẫn tạm dừng thông quan. Từ 8 giờ sáng 2-1 đến 8 giờ sáng 3-1-2022 có 138 xe hàng hóa quay đầu về nội địa và 10 xe vận chuyển dưa hấu mới từ nội địa lên. Tính đến sáng 3-1-2022, khu vực cửa khẩu Tân Thanh còn tồn 638 xe hàng hóa, trong đó có 426 xe hoa quả, còn lại là hạt sen khô, hạt vừng, cây thạch đen, ớt, sắn lát, ván bóc…
Tổ công tác 970 cho biết, thông qua kết nối, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà bán lẻ, siêu thị đã chia sẻ và cam kết mua hàng tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Cụ thể, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - DOVECO muốn thu mua toàn bộ xoài, chuối, chanh dây từ biên giới đưa về. Công ty cũng đang rà soát lại dây chuyền chế biến để tính toán mua thanh long đồng thời mong muốn hợp tác với các tỉnh sản xuất xoài, chuối, chanh dây, một số loại rau… xuất khẩu. Tập đoàn bán lẻ BRG mong muốn thu mua thanh long, mít… sản lượng 20-30 tấn/tuần. Công ty cổ phần Nafoods Group có nhu cầu mua 1.000-2.000 tấn thanh long…
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Doveco cho biết thêm đang rất tích cực mua các loại rau quả để chế biến đẩy mạnh xuất khẩu dịp Tết, trong đó các mặt hàng xoài, chuối, chanh dây, rau chân vịt “có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu”.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quý 1-2022 có khoảng 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ, trong đó Bình Thuận có 120.000 tấn, còn lại là các tỉnh Long An, Tiền Giang và các tỉnh phía Nam khác. Ngoài ra, nhiều loại trái cây khác cũng đang vào vụ thu hoạch. Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, dự kiến sáng 6-1, Tổ công tác 970 sẽ tiếp tục kết nối tiêu thụ thanh long.
Bộ Công thương cũng đẩy mạnh kết nối, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Gần đây nhất, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công thương cũng đã phối hợp với Sở Công thương các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng tiến hành hội đàm trực tuyến với Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) để trao đổi các biện pháp khẩn cấp nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực biên giới với Quảng Tây hiện nay.
Theo đó, Bộ Công thương đã đề nghị một số biện pháp cụ thể, bao gồm: Khôi phục lại ngay việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đang tạm dừng, đồng thời tăng thời gian thông quan tại tất cả các cửa khẩu; thống nhất phương án sử dụng và bổ sung lái xe chuyên trách tại mỗi bên; đồng ý cho thí điểm đưa lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 tại các địa phương biên giới Việt Nam sang làm việc tại khu vực cửa khẩu phía Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lái xe và nhân công bốc xếp.
Đồng thời, phối hợp khuyến khích các doanh nghiệp hai bên thực hiện thông quan qua các cửa khẩu đường sắt, đường biển và tiếp tục tạo thuận lợi thông quan cho mặt hàng thanh long xuất khẩu của Việt Nam…
Bộ Công thương cũng đề nghị phía Quảng Tây thường xuyên cập nhật kế hoạch hoạt động của các cửa khẩu trên địa bàn, đồng thời phối hợp rà soát, hoàn thiện quy trình giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo thuận lợi, thông suốt và hiệu suất cao, chống ùn tắc.
Đại diện Quảng Tây đề nghị Việt Nam cùng tăng cường công tác phòng, chống dịch tại cửa khẩu, trao đổi thông tin về việc quản lý tại cửa khẩu và các tuyến đường giao thông, sớm hoàn thành việc mở rộng bãi Xuân Cương tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Phía Quảng Tây cho biết sẽ kéo dài thời gian thông quan trên cơ sở tính toán, bàn bạc và thống nhất của chính quyền địa phương hai bên cửa khẩu. Đối với những đề xuất của phía Việt Nam, Sở Thương mại Quảng Tây ghi nhận và sẽ báo cáo cấp trên.
Bích Nguyên