Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:50 GMT+7

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19

Biên phòng - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện,  nhiều mặt hàng nông sản (NS) đang chuẩn bị bước vào chính vụ với sản lượng và năng suất dự báo đều tăng hơn so với năm trước. Trong khi đó, dịch Covid-19 trong nước và khu vực vẫn có những diễn biến mới khiến cho việc giao thương chưa thể trở lại bình thường. Điều này đòi hỏi các địa phương phải xây dựng các kịch bản tiêu thụ nông, lâm, thủy sản phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19.

Bốc dỡ hàng hóa tại cầu phao km 3+4 Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thu Hằng

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả tốt về sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu đạt khá. Tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới được đánh giá là sẽ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Hiện, dịch Covid-19 lần này đã lan rộng trên 30 tỉnh, thành phố. Các địa phương có dịch đều chung đặc điểm là có nhiều đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hóa quan trọng về Hà Nội, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại của miền Bắc.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm NS đang vào mùa vụ thu hoạch và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính như vải, nhãn, thanh long... có nguy cơ gây áp lực lưu thông hàng hóa để đưa lên các tỉnh biên giới xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản sang Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn, bên cạnh tình trạng khan hiếm container, còn do cước vận chuyển từ châu Á sang Mỹ vẫn không ngừng tăng lên.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường NS, Bộ NN&PTNT, hiện có những vướng mắc cần giải quyết để NS có thể lưu thông thuận lợi trong điều kiện dịch Covid-19. Đó là những nút thắt về vốn tín dụng. Các gói tín dụng hiện nay tuy có lãi suất thấp, nhưng cần đảm bảo mọi doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và suy giảm. Thứ hai là áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn do chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản NS) và vốn tồn đọng hàng hóa. Thứ ba là hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản NS còn hạn chế. Thứ 4 là thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển.

Phân tích những khó khăn về việc tiêu thụ NS ở thị thường thế giới, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, dù có tiềm năng phục vụ xuất khẩu, nhưng NS Việt Nam chưa kiểm soát được hàng rào kỹ thuật, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cho các thị trường như Trung Quốc. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang gặp hạn chế về kỹ thuật ngoại thương, đàm phán. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu NS đang gặp nhiều khó khăn do chi phí logistics quá cao, chiếm 15-20% tổng chi phí kinh doanh.

Xây dựng các kịch bản tiêu thụ nông sản

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh này đã bước vào vụ thu hoạch vải thiều với năng suất dự kiến tăng 15% so với năm 2020. Dù đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19, nhưng tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Các vùng trồng vải không bị ảnh hưởng dịch đã lập chốt, trạm để kiểm soát, phòng chống dịch trong suốt thời gian thu hoạch, tiêu thụ. Đồng thời, tuyên truyền người trồng vải không ra khỏi vùng, tập trung cho công tác chế biến, tiêu thụ.

Để xúc tiến tiêu thụ vải thiều, địa phương này có kế hoạch tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào ngày 8-6 với 21 điểm cầu trong nước, 4 điểm cầu Trung Quốc, 2 điểm cầu tại Nhật Bản, 1 điểm cầu tại Singapore và 1 điểm cầu tại Australia. Tỉnh Bắc Giang cũng xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều với từng tình huống dịch Covid-19. UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc để sớm đưa thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua vải và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan giải quyết cho 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Tỉnh này đã sẵn sàng các phương án đón thương nhân Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và tổ chức cách ly theo quy định.

Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch đón 190 thương nhân Trung Quốc sang giao dịch tiêu thụ vải thiều. Ảnh: Thu Hằng

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng cho biết: “Sơn La đã xây dựng 3 kịch bản với từng tình hình để có kế hoạch chỉ đạo tiêu thụ NS. Quyết tâm của chúng tôi là kết nối với thị trường và doanh nghiệp để tiêu thụ NS cho nông dân, đàm phán để mở rộng thị trường”.

Ông Công đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực chế biến, bảo quản NS, xây dựng hệ thống kho lạnh; cập nhật thông tin thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục đàm phán để đưa trái cây Việt Nam vào các thị trường mới. Ngoài ra, các bộ, ngành cũng cần hỗ trợ kiểm dịch, thông quan tại cửa khẩu để rút ngắn thời gian tới các cửa khẩu.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, để thúc đẩy tiêu thụ NS, các nhà máy chế biến NS cần tăng cường công suất chế biến, tập trung vào sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, đồ hộp chế biến. Đồng thời, cần giảm thiểu mọi thủ tục trong các khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP, tổ chức liên kết sản xuất, lưu thông. UBND các tỉnh biên giới cần chỉ đạo các trạm kiểm dịch, hải quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc.

Bàn về giải pháp tiêu thụ NS, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị, trước hết, các địa phương bám sát chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ, theo dõi sát tình tình dịch bệnh. Để mở rộng thị trường xuất khẩu, ông Nam lưu ý các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sớm cho phép xuất khẩu các mặt hàng trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình xuất khẩu NS, đặc biệt tại các cửa khẩu. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh các hình thức tiêu thụ NS thông qua sàn giao dịch điện tử online.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO