Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 26/09/2023 10:54 GMT+7

Thúc đẩy thương mại Việt - Lào phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch

Biên phòng - Sau 2 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2022 đã được tổ chức hồi cuối tháng 8/2022, tại Viêng Chăn, Lào. Hội chợ này có ý nghĩa rất lớn trong việc khôi phục và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam và Lào. Sự kiện này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về chính sách thương mại và đầu tư của Lào, thúc đẩy thương mại song phương Việt - Lào phát triển tương xứng với tiềm năng.

Cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kiểm tra phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu sang Lào. Ảnh: Nguyễn Trung

Cửa khẩu đường bộ sôi động trở lại

Việt Nam và Lào gần gũi về địa lý, có ưu thế về thuận tiện giao thông. Hai nước có chung đường biên giới dài hơn 2.300km, đi qua 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và thành lập 9 khu kinh tế cửa khẩu… Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại song phương Việt Nam - Lào.

Trong số 9 cửa khẩu quốc tế trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được đánh giá là sôi động và sầm uất nhất. Đến Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) những ngày này, có thể cảm nhận được không khí tấp nập, nhộn nhịp, khác hẳn với sự thưa vắng trong thời gian hai nước Việt Nam, Lào căng mình chống dịch Covid-19.

Thiếu tá Nguyễn Hồng Trung, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị cho biết: “Từ ngày 15/3, nước ta đã mở lại cửa khẩu quốc tế sau thời gian dài tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp hai bên đã trở lại trạng thái bình thường. Đặc biệt, từ đầu tháng 5 đến nay, khi mà chính quyền Lào mở lại các cửa khẩu quốc tế, người dân và doanh nghiệp đều rất phấn khởi vì được qua lại làm ăn. Số người, phương tiện xuất nhập cảnh và hàng hóa thông quan qua cửa khẩu tấp nập hơn nhiều. Hiện, chỉ tính riêng xe hàng hóa, mỗi ngày có từ 400-500 container qua lại cửa khẩu”.

Được biết, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo chủ yếu là các mặt hàng vật liệu xây dựng, hàng may mặc, hàng tạp hóa, khí Argon. Mặt hàng nhập khẩu là sắn khô, bò thịt, cao su, đá thạch cao, linh kiện ô tô, đường, gạo, gỗ xẻ. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tài xế chở hàng hóa qua Lào và ngược lại đều phải thực hiện việc đổi tài xế thì từ ngày 9/5, việc này chấm dứt. Nhờ đó, doanh nghiệp giảm thời gian thông quan qua lại cửa khẩu, giảm các chi phí đổi tài xế, đổi đầu xe.

Lao Bảo là cửa khẩu quốc tế lớn nhất khu vực miền Trung và là một trong những cửa khẩu đạt kim ngạch thương mại khá lớn, đóng góp tích cực vào tổng giá trị kim ngạch thương mại song phương Việt - Lào. Theo số liệu của Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, trong năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt hơn 416 triệu USD. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều giảm xuống còn gần 330 triệu USD.

Năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, nhờ sự nỗ lực của cả hai phía, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt hơn 474 triệu USD, tăng gần 60 triệu USD so với năm 2020. Từ đầu năm đến giữa tháng 9/2022, kim ngạch thương mại qua cửa khẩu này đã đạt hơn 373 triệu USD. Với kết quả này, dự báo kim ngạch hàng hóa xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo có thể vượt mức năm 2021.

Duy trì đà tăng trưởng để đạt mốc 2 tỉ USD

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ. Từ năm 2018 đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam - Lào đạt 4,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 2,4 tỷ USD.

Mỗi ngày, có khoảng 400-500 container hàng hóa xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Ảnh: Nguyễn Trung

Những tác động tiêu cực chưa từng có bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai khiến thương mại giữa Việt Nam và Lào gặp một số trở ngại, khó khăn. Tuy nhiên, với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày một khởi sắc và đã tăng trưởng mạnh mẽ. Vụ Thị trường châu Á-châu Phi thông tin, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,37 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 33,3% so với năm 2020, gấp 3 lần mục tiêu hai nước đề ra (10%). Tiếp nối đà tăng trưởng, 7 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào đạt gần 949 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ Công thương, tín hiệu đáng mừng trong quan hệ thương mại Việt - Lào là cán cân xuất khẩu và nhập khẩu hiện tương đối cân bằng, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi theo hướng bền vững, danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, mức trao đổi thương mại song phương hiện tại vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, đoàn kết toàn diện của hai nước cũng như tiềm năng của hai bên.

Theo đánh giá của các chuyên gia, triển vọng và dư địa cho hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Lào vẫn còn nhiều. Trong một vài năm tới, trao đổi thương mại song phương có thể đạt mốc 2 tỷ USD nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay. Để thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào, lãnh đạo Bộ Công thương hai nước đã nhất trí sớm hoàn tất đàm phán, ký Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào, sớm hoàn thành việc sửa đổi Hiệp định Thương mại song phương, trên tinh thần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam và Lào.

Bộ Công thương cũng chỉ ra các lĩnh vực có tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư phát triển là các sản phẩm chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng và hải sản. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, than, khoáng sản, phân bón… và năng lượng (điện). Bộ Công thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần tận dụng các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để tìm đối tác, bạn hàng.

Để thâm nhập vào thị trường Lào, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối để cạnh tranh với các mặt hàng của các nước khác, đặc biệt là hàng hóa của Thái Lan và Trung Quốc.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO