Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 11:11 GMT+7

Thúc đẩy sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước

Biên phòng - Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

esbzmwpvk8-25838_f_k7oxl9s51_IMG_0262
Công tác tái đàn đang được các địa phương đẩy mạnh nhằm cung ứng đủ cho thị trường trong nước. Ảnh: Bích Nguyên

Ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn Châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, ngành nông nghiệp là ngành rất đặc thù, tạo ra khối lượng lương thực đáp ứng cho nhu cầu con người. Nếu sức sản xuất không tốt, không huy động được tổng lực trong bối cảnh dịch Covid-19 thì vấn đề cân đối lương thực thực phẩm rất khó khăn.

Năm 2020, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD. Để làm được điều đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra các giải pháp trọng tâm. Thứ nhất đối với lĩnh vực trồng trọt, các cơ quan chuyên môn, địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa. Đối với rau màu, do thời gian sinh trưởng ngắn, Bộ sẽ điều chỉnh diện tích, cơ cấu về chủng loại rau để phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu.

Tập trung rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả chất lượng, phù hợp, có thị trường bằng trồng mới, trồng tái canh, ghép cải tạo giống. Phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại địa phương.

Ngoài ra, cần ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các sở ngành, địa phương cùng với việc khắc phục khó khăn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp để có đủ lương thực đáp ứng nhu cầu trong nước trong mọi trường hợp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung mọi biện pháp khống chế dịch bệnh trong chăn nuôi, không để giá thực phẩm neo quá cao. Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để khi dịch bệnh Covid-19 đi xuống có đà đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Việt cho biết, sẽ chú trọng thị trường trong nước và tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu, trong đó, đặc biệt chú trọng 5 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. 

Song song với đó, Bộ đẩy mạnh các giải pháp khống chế dịch bệnh trong chăn nuôi và giảm tối thiểu thiệt hại; ứng phó tốt với thiên tai, hạn mặn; tái cấu trúc lại nền nông nghiệp, tổ chức lại nền sản xuất bằng nhiều giải pháp khác nhau; tuyên truyền cho người dân về sản phẩm Việt Nam luôn an toàn...

Đối với chăn nuôi lợn, cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi. Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường.

Bên cạnh đó, phải tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất (bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao và số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân.

Năm 2020, dự kiến sản lượng lúa ước đạt 43,4 triệu tấn, giảm khoảng 70 nghìn tấn. Diện tích cây ăn quả khoảng 1,1 triệu ha, tăng trên 50 nghìn ha; sản lượng ước đạt trên 13,3 triệu tấn, tăng khoảng 0,8 triệu tấn so với năm 2019. 

Trong chăn nuôi, dự kiến tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019. “Bức tranh chăn nuôi tương đối sáng, chăn nuôi sẽ cứu cánh cho nông nghiệp, chúng tôi khẳng định không thiếu thịt” - ông Nguyễn Văn Việt nói.

Tố Như

Bình luận

ZALO