Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 07:56 GMT+7

Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Đông

Biên phòng - Giới chuyên gia cùng chỉ ra rằng, năng lượng tái tạo ngoài khơi đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Lĩnh vực có tầm ảnh hưởng trong quan hệ chính trị và kinh tế quốc tế này cũng được coi trọng trong Đối thoại Biển lần thứ 10 diễn ra mới đây tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa do Học viện Ngoại giao (DAV) và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức.

Toàn cảnh Đối thoại Biển lần thứ 10 diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN

Cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi xanh

“Năng lượng tái tạo ngoài khơi: Cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi xanh” là chủ đề xuyên suốt của Đối thoại Biển lần thứ 10 với sự tham gia thảo luận của 200 đại biểu là các diễn giả, chuyên gia uy tín đến từ 10 quốc gia, vùng lãnh thổ, đại diện của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, sự phát triển của năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng đang có những tín hiệu rất lạc quan. Ông Nguyễn Minh Vũ cho rằng, trong dài hạn, năng lượng điện gió ngoài khơi có giá thành rẻ hơn so với các công nghệ dựa trên nhiên liệu hóa thạch vốn đang là lựa chọn được ưu chuộng trên khắp thế giới hiện nay. Đặc biệt, theo xu hướng phát triển tất yếu, các dạng năng lượng tái tạo ngoài khơi đang dần trở thành nhân tố không thể thiếu của nền kinh tế biển xanh, hiện đại.

Toàn thế giới hiện nay đang cùng nhau nỗ lực thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, hiện thực hóa tham vọng thay thế nhiên liệu hóa thạch. Tham gia nỗ lực chung của nhân loại, ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh rằng, Việt Nam cam kết thúc đẩy năng lượng sạch, thể hiện qua các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Cũng theo ông Nguyễn Minh Vũ, thực tế cho thấy, Việt Nam là thị trường hấp dẫn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi. Từ đó đặt ra nhiều kỳ vọng, Việt Nam có thể thu hút sự tham gia và hỗ trợ của các đối tác nước ngoài thông qua đầu tư, công nghệ, tài chính và nâng cao năng lực để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự Đối thoại Biển lần thứ 10 đã dành nhiều ưu tiên tập trung trao đổi, thảo luận về lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi. Trong đó, đáng chú ý là 4 phiên thảo luận với các chủ đề trọng tâm, gồm: Năng lượng tái tạo ngoài khơi và địa chính trị; Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và năng lượng tái tạo ngoài khơi; Thực tiễn khu vực và quốc tế về năng lượng tái tạo ngoài khơi; Khuyến nghị chính sách về phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Đông.

Các diễn giả trình bày tại Đối thoại Biển lần thứ 10 cùng chung khẳng định, năng lượng tái tạo ngoài khơi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới và khu vực. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi càng có tầm ảnh hưởng trong quan hệ chính trị và kinh tế quốc tế.

Dẫu vậy, giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, dù là mục tiêu phát triển quan trọng với các động lực thúc đẩy mạnh mẽ của toàn nhân loại, lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức của thời đại, điển hình như: Đại dịch Covid-19, xung đột diễn biến phức tạp trên khắp thế giới; tranh chấp thương mại giữa các nước lớn… Những vấn đề này trên thực tế đã làm ảnh hưởng xấu đến phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi nói riêng và sự chuyển dịch năng lượng theo chiều hướng xanh hơn, sạch hơn nói chung.

Phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Đông

Theo Bộ Ngoại giao, một trong những mục tiêu quan trọng hiện nay là kết nối các nhà khoa học bàn thảo về khoa học biển, kết hợp thảo luận chính sách và khuôn khổ pháp lý hướng tới quản trị biển bền vững. Đối thoại Biển lần thứ 10 với trọng tâm xoay quanh lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi đã tạo ra cơ hội cần thiết với những phản hồi hết sức tích cực.

Các đại biểu thảo luận tại Đối thoại Biển lần thứ 10. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Đối thoại Biển lần thứ 10 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động khai thác năng lượng tái tạo ngoài khơi, cụ thể là năng lượng gió. Các diễn giả đã dành nhiều thời lượng thảo luận và chung nhận định rằng, UNCLOS năm 1982 là khuôn khổ pháp lý bao trùm với đóng góp lớn nhất, quan trọng nhất là đưa ra những chế tài khác nhau đối với từng vùng biển. UNCLOS năm 1982 thực tế đã tạo ra khuôn khổ cho các quy định cụ thể trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Nhìn nhận về tiềm năng của năng lượng gió, bà Giulia Cretti, Viện Clingendael (Hà Lan) - nghiên cứu viên tại Đơn vị Các vấn đề toàn cầu và Liên minh châu Âu (EU) của Clingendael - Viện Quan hệ quốc tế Hà Lan cho rằng, Biển Đông có tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi dồi dào, song thực tế lại đang chưa được khai thác. Tiềm năng to lớn ở khu vực Biển Đông có thể phục vụ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong tham vọng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 23% vào năm 2030.

Giới chuyên gia cho rằng, để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Đông, hợp tác xuyên quốc gia được xem là “chìa khóa vàng”. Để làm được việc này, các quốc gia cần có chính sách khuyến khích sử dụng các công nghệ mới, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao và có các gói hỗ trợ tài chính phù hợp để năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng có thể tiếp tục phát triển, đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải về 0 của khu vực cũng như của toàn nhân loại.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, các quốc gia ven Biển Đông cần xử lý tốt tranh chấp để không bỏ lỡ cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO