Biên phòng - Sau những thất vọng xen lẫn tiếc nuối với quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hủy cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều dự kiến vào ngày 12-6 tới tại Singapore, "nhịp cầu" hòa đàm giữa Triều Tiên và Mỹ đang được nối lại khi các nỗ lực ngoại giao được các bên liên quan thúc đẩy mạnh mẽ.

Theo Reuters, một nhóm quan chức Mỹ, dẫn đầu là ông Sung Kim, cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc và từng giữ cương vị đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, đã có cuộc gặp các quan chức Triều Tiên tại làng đình chiến Panmunjom, ở biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, để thảo luận về khả năng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến vào ngày 12-6 tới tại Singapore.
Trong ba ngày đàm phán (từ 27 đến 29-5), ông Sung Kim và Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui đã thảo luận về đề xuất chuyển các đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng ra nước ngoài. Phía Mỹ muốn Bình Nhưỡng sớm chuyển tới 20 đầu đạn hạt nhân ra nước ngoài, coi đây là một phần trong các biện pháp để đạt được phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Ngoài ra, hai bên cũng được cho là sẽ thảo luận cách thức Bình Nhưỡng loại bỏ plutoni ở cấp độ vũ khí, urani làm giàu ở cấp độ cao và các vật liệu liên quan đến hạt nhân khác. Tuy nhiên, dường như Triều Tiên tỏ ra không sẵn lòng chuyển tất cả vũ khí hạt nhân và tên lửa ra khỏi nước này.
Song song với chuyến đi của phái đoàn Đại sứ Sung Kim tới Triều Tiên, một phái đoàn khác của Mỹ do ông Joe Hagin, Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng, dẫn đầu đã tới Singapore để chuẩn bị công tác hậu cần và an ninh cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Một loạt diễn biến theo chiều hướng thuận lợi đang khiến dư luận một lần nữa đặt niềm tin vào khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều với kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, dù trước đó tưởng chừng suýt đi đến bờ vực sụp đổ khi ngày 24-5, ông Trump tuyên bố hủy hội nghị này. Tuy nhiên, trong các phát biểu riêng rẽ sau đó, cả Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều bày tỏ sẵn sàng gặp nhau như kế hoạch vào ngày 12-6 tới tại Singapore. Thậm chí trong bài viết đăng trên Twitter ngày 27-5, Tổng thống Donald Trump còn bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng to lớn của Triều Tiên và lạc quan rằng quốc gia Đông Bắc Á này sẽ phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Ông Trump cho rằng, Triều Tiên có tiềm năng tuyệt vời và một ngày nào đó sẽ trở thành một quốc gia có kinh tế và tài chính lớn mạnh.
Trong một tuyên bố lạc quan ngày 28-5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, nếu các cuộc thảo luận hiện nay giữa Washington và Bình Nhưỡng thành công, ông sẽ đến Singapore để tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên với người đồng cấp Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 6 tới.
Trước đây, đề xuất tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên Mỹ-Hàn-Triều đã được Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra tại các cuộc gặp ngày 27-4 và 26-5 vừa qua. Cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều-Mỹ, nếu diễn ra, có thể sẽ nhằm cung cấp sự đảm bảo an ninh đối với Triều Tiên để đổi lại việc nước này phi hạt nhân hóa. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tuyên bố Triều Tiên không có lý do gì để sở hữu vũ khí hạt nhân nếu an toàn và an ninh của nước này được đảm bảo.
Rõ ràng, một cuộc đối thoại trực tiếp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên là điều cần thiết không chỉ để hai bên hóa giải những bất đồng một cách thẳng thắn mà còn là cơ hội duy nhất để hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Thu Uyên