Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 30/05/2023 02:00 GMT+7

Thúc đẩy năng lượng tái tạo

Biên phòng - Việt Nam là một trong 6 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, những thảm họa thiên tai đã khiến hơn 13 nghìn người tử vong và gây thiệt hại khoảng 6,4 tỷ USD trong 2 thập kỷ qua. Hệ quả này do chính con người tác động vào thiên nhiên, gây hiệu ứng nhà kính và làm trái đất nóng lên, nước biển dâng.  

Giảm phát thải khí nhà kính thông qua thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió và các nguồn khác) được coi là “chìa khóa” để Việt Nam thực hiện các cam kết với thế giới về chống biến đổi khí hậu. Ảnh: minh họa

Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, những năm gần đây, chúng ta chịu ảnh hưởng thường xuyên của những trận lũ lớn, xâm nhập mặn và đất bị ô nhiễm. Diện tích đất bị xâm nhập mặn lên tới 1,8 triệu ha đang biến đất đai trở nên khô cằn, ruộng đồng thiếu phù sa, khiến nhiều địa phương đối mặt với tình trạng mất mùa, nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Không những thế, biến đổi khí hậu còn gây ra những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan như: nóng vào mùa đông; mưa nhiều, bão lớn; lũ ống, lũ quét, ngập úng thường xuyên hơn? gây ra thảm họa thiên tai rất lớn.

Các kết quả nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C sẽ gây thiệt hại kinh tế tại Việt Nam đến 4,5% GDP cùng với các thiệt hại gián tiếp khác và có thể lên tới 30% GDP vào năm 2050. Mực nước biển dâng lên khoảng 60cm, có thể dẫn đến sự sụt giảm diện tích trồng lúa tới hơn 50% tại khu vực đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.

Tại Việt Nam, phát thải khí nhà kính (bao gồm khí CO2 và khí metan) chủ yếu đến từ 4 nguồn: Phát thải năng lượng khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu khí, năng lượng (chiếm 60%); sản xuất nông nghiệp (trên 25%); sản xuất công nghiệp và các chất thải hữu cơ khi chôn lấp (gần 15%).

Từ năm 2020, Chính phủ đã cam kết các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính, tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ; mức đóng góp này có thể được tăng lên thành 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2tđ khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới trong thỏa thuận biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Chính phủ đã nâng mức cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, dù đối mặt với hàng loạt thách thức, song Việt Nam có cơ sở để thực hiện mục tiêu này. Bởi, Việt Nam còn nhiều tiềm năng giảm phát thải nếu thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm lượng khí metan, chống suy thoái rừng và chuyển đổi năng lượng sạch.

Hàng loạt các dự án trồng rừng được triển khai trong những năm gần đây đang phát huy hiệu quả sẽ góp phần giảm 22% lượng khí metan bằng nội lực. Đặc biệt, giảm phát thải khí nhà kính thông qua thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo (gồm điện mặt trời, điện gió và các nguồn khác) được coi là “chìa khóa” để Việt Nam thực hiện các cam kết với thế giới về chống biến đổi khí hậu.

Trong hơn 2 năm qua, chúng ta có gần 120 dự án tái tạo năng lượng mới. Tính đến hết tháng 10-2021, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện đạt trên 21.000 MW. Tổng công suất lắp đặt nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện đã chiếm trên 55% công suất lắp đặt cả nước.

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn năng lượng này đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục... Do vậy, Chính phủ cần sớm có chính sách thúc đẩy ứng dụng giải pháp đầu tư lưu trữ năng lượng và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo Việt Nam trong thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ngoài quyết tâm về chính trị, rất cần sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, xã hội ở các cấp, các địa phương khác nhau, Việt Nam phải xây dựng chính sách và có những hành động thực tế nhằm thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải, thay đổi xu hướng tiêu dùng.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO