Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 05:02 GMT+7

Thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Biên phòng - Trong những năm gần đây, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc đã minh chứng rõ nét cho nỗ lực đổi mới, cải tổ nhằm thích ứng với thực tế trước những biến động liên tục của thế giới. Mặc dù hoạt động của HĐBA đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ, nhưng việc tăng cường hiệu suất công tác vẫn phải được tiếp tục chú trọng.

Một cuộc họp của HĐBA Liên hợp quốc tổ chức thảo luận mở theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

Tại cuộc họp thảo luận mở trực tuyến của HĐBA Liên hợp quốc vào cuối tuần qua, với tư cách là nước điều phối viên của 10 nước Ủy viên không thường trực HĐBA (E10) trong tháng 5, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, HĐBA cần tăng cường tính bao trùm hơn nữa, bao gồm cả việc tận dụng tối đa sự tham gia và đóng góp của các nước thành viên không thường trực. HĐBA cần tiếp tục bảo đảm thực hiện các nguyên tắc làm việc đã có và không ngừng trao đổi, thảo luận để tiếp tục cải cách phương pháp làm việc, thúc đẩy nỗ lực cải tổ HĐBA.

Quan điểm và cam kết của E10 là HĐBA hiện cần tăng cường tính minh bạch, hiệu suất và hiệu quả trong hoạt động, đặc biệt là cần có sự bao trùm và linh hoạt hơn nhằm thực hiện tốt hơn sứ mệnh mà Hiến chương Liên hợp quốc giao phó. Đại sứ Đặng Đình Quý cũng nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, HĐBA gặp nhiều thách thức hơn khi ngày càng có thêm nhiều bất ổn trên thế giới tác động mạnh đến chủ nghĩa đa phương.
Thay mặt cho các nước E10, Đại sứ Đặng Đình Quý cũng khẳng định rằng, các nước E10 cam kết vì mục tiêu tăng cường hiệu quả hoạt động của HĐBA và mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ các nước thành viên Liên hợp quốc để E10 tiếp tục đáp ứng được kỳ vọng của các nước đối với mình.

Trong thời gian qua, HĐBA đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các văn kiện về phương pháp và nguyên tắc hoạt động nhằm tăng cường minh bạch và hiệu quả, cũng như nỗ lực của HĐBA trong duy trì hoạt động trước khó khăn gây ra bởi đại dịch Covid-19. Cùng với đó, các nước E10 đã đi đầu thúc đẩy việc cải tiến phương pháp làm việc của HĐBA và đạt được nhiều thành quả.

Tại buổi họp, các nước tham dự đều đánh giá cao phương pháp làm việc để duy trì hiệu quả hoạt động của HĐBA. Cùng với đó, các nước cũng đưa ra các ý kiến nhằm cải thiện hoạt động của HĐBA, nổi bật như tăng cường trao đổi và lấy ý kiến các nước thành viên Liên hợp quốc, thúc đẩy hợp tác với các cơ quan của Liên hợp quốc như Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội và Ủy ban Xây dựng hòa bình hoặc tăng cường tham gia của các tổ chức khu vực và tổ chức phi chính phủ...

Đặc biệt, các thành viên HĐBA nhấn mạnh, phải tiếp tục quyết tâm cải thiện thủ tục và phương pháp làm việc để bảo đảm tốt nhất mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Đồng thời đảm bảo cân bằng của việc tăng cường tính minh bạch trong hoạt động, cũng như tăng cường tham vấn, trao đổi nội bộ thành viên HĐBA để thúc đẩy hiệu suất và hiệu quả.

Cuộc họp về vấn đề tăng cường cải tổ thủ tục và phương pháp làm việc là cuộc họp định kỳ hàng năm để các thành viên của HĐBA cùng các nước thành viên Liên hợp quốc trao đổi và cùng tìm kiếm giải pháp tăng cường hơn nữa hiệu quả trong công tác đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước những diễn biến mới của thế giới. Trong kỳ họp năm nay, Việt Nam có trách nhiệm dự thảo và phát biểu đại diện E10 tại cuộc họp. Với sự thống nhất cao, tại cuộc họp vừa qua, E10 đã thể hiện tinh thần chung rất tốt, đóng góp cho nỗ lực cải tiến phương pháp làm việc nhằm nâng cao hiệu suất của HĐBA. Trong tháng 5, Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa đại sứ, Trưởng phái đoàn các nước E10 với Tổng Thư ký Liên hợp quốc và một số hoạt động khác nhằm tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các nước.

Cơ chế Điều phối viên E10 được bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2018 và là cơ chế luân phiên hằng tháng. Điều phối viên E10 có mục đích chính là thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước E10 trong khuôn khổ HĐBA. HĐBA gồm 15 thành viên, trong đó có 5 Ủy viên thường trực gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Ủy viên không thường trực gồm 10 nước (E10) được 193 nước thành viên Liên hợp quốc bầu chọn với nhiệm kỳ 2 năm.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO