Biên phòng - Ngày 19-7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” nhằm thông tin rộng rãi về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì buổi họp báo.

Theo thông tin của buổi họp báo, Cơ chế một cửa quốc gia, được triển khai chính thức từ tháng 11-2014, đến ngày 15-7- 2018, có 11 Bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với 1,34 triệu hồ sơ của trên 22 nghìn doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.
Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các Bộ, ngành.
Về Cơ chế một cửa Asean, từ ngày 1-1-2018, Việt Nam đã chính thức kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ điện tử ATIGA C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Tính đến ngày 30-6-2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước này là 30.674 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 15.372 C/O.
Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Philippines thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm C/O form D; đồng thời phối hợp với Thái Lan, Indonesia, Malaysia thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm tờ khai hải quan Asean. Không chỉ dừng lại trong khu vực Asean, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư và chuẩn bị xây dựng hệ thống để kết nối và trao đổi thông tin với Liên minh Kinh tế Á - Âu về tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.
Tuy nhiên, kết quả triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Số lượng thủ tục triển khai còn thấp so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (đạt 53/284 thủ tục). Theo phản ánh của các doanh nghiệp và cơ quan khảo sát độc lập, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến. Còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp.
Năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu. Hệ thống công nghệ thông tin chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu và khối lượng công việc phải xử lý. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính chưa kết nối đầy đủ với các cơ quan chính phủ để đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như tạo tiện ích để rút ngắn thời gian vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển, sân bay quốc tế, kho bãi; thanh toán và kiểm soát chứng từ thanh toán cho các giao dịch thương mại xuyên biên giới... qua đó rút ngắn thời gian thông quan tại cửa khẩu…

Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tìm ra giải pháp triển khai hiệu quả hơn nữa Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại”.
Dự kiến, Hội nghị sẽ được tổ chức ngày 24-7-2018, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Uỷ ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; đại diện lãnh đạo các ban ngành Trung ương, địa phương; đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp; đại sứ hoặc đại diện của một số quốc gia và tổ chức là các đối tác thương mại, đối tác phát triển lớn của Việt Nam.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về các nội dung: Đánh giá tổng thể kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại; Đánh giá tổng thể kết quả thực hiện cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại của các cơ quan Chính phủ; Đánh giá về việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh và tạo thuận lợi thương mại trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế liên quan đến chính sách tạo thuận lợi thương mại qua ý kiến của một số tổ chức quốc tế; Báo cáo về Đề án thí điểm kiểm tra chuyên ngành tại cơ quan hải quan.
Hà Phương