Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 12:23 GMT+7

Thúc đẩy chuỗi cung ứng nông sản trong nước

Biên phòng - Nước ta có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu (XK) nông sản. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế có thể thấy, chúng ta đang tập trung XK sản phẩm tươi mà lại chưa chú trọng tới xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ nội địa cũng như đưa các sản phẩm vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ.

Nông dân Việt Nam đã làm rất tốt khâu sản xuất nông sản, nhưng công đoạn đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng còn gặp khó khăn. Ảnh: Quang Trung

Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới về XK nông, lâm, thủy sản với vị trí thứ 17, trong đó, một số mặt hàng luôn đứng ở top đầu. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về XK gạo, cà phê; chiếm vị trí số 1 về XK hạt tiêu, hạt điều; đứng thứ 4 thế giới về XK cao su; thứ 5 thế giới về XK chè... Tuy nhiên, có một thực tế là nông sản thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” và không ít lần các cơ quan chức năng phải vào cuộc “giải cứu” nông sản. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do thiếu sự liên kết giữa sản xuất và thị trường.

Thị trường nội địa chưa được khai thác đúng mức

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, thương mại trong nước là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt cho sản xuất trong nước phát triển theo tín hiệu thị trường và quan trọng là góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân. Đây chính là thị trường tiêu thụ nông sản quy mô không nhỏ. Hơn thế, với hệ thống phân phối truyền thống lẫn hiện đại trải dài khắp cả nước, tiềm năng phân phối và tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa vô cùng lớn. Tuy nhiên, do liên kết lỏng lẻo, thiếu kết nối thông tin, cung và cầu chưa gặp nhau nên tiêu thụ nông sản trong nước vẫn chưa được phát huy, khai thác đúng mức.

Trong bối cảnh thị trường XK mở ra nhiều cơ hội nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, biến động, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp nên có cái nhìn thấu đáo về việc phát triển thị trường nội địa. Ông Toản cho biết, phát triển thị trường nội địa là mục tiêu quan tâm hàng đầu và được thể hiện trong Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu hướng đến là người nông dân sẽ làm chủ trong việc đưa hàng lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy thương mại trong nước phải gắn liền với vai trò của hợp tác xã (HTX).

Năm 2018, Nghị định số 98/2018/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra đời. Sau 4 năm thực hiện, cả nước hình thành hơn 2.000 chuỗi liên kết với sự tham gia của gần 300 tổ chức khoa học, hơn 1.200 HTX, 777 tổ hợp tác, 543 doanh nghiệp và gần 200.000 hộ nông dân. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp. Đó là thiếu thông tin thị trường, khó tìm kiếm, tư vấn hỗ trợ phát triển liên kết; thiếu cơ chế chính sách đồng bộ để thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết...

Liên kết để khai thác tiềm năng

Đánh giá về hiện trạng tiêu thụ nông sản Việt Nam trong nước, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, hiện nay, các HTX đã làm tốt khâu sản xuất, nhưng công đoạn đưa sản phẩm ra thị trường, đến tay người tiêu dùng còn nhiều khó khăn. “Chúng tôi vẫn mở rộng, đón nhận sản phẩm của các HTX, đặc biệt là các sản phẩm mang tính vùng miền, đặc sản. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn sự phàn nàn về việc khó tiếp cận, khó đưa nông sản vào siêu thị” - bà Hậu chia sẻ.

Các doanh nghiệp, HTX, người nông dân cần liên kết chặt chẽ hơn nữa để đưa sản phẩm vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ, qua đó, tận dụng hết tiềm năng của thị trường nội địa. Ảnh: Bích Nguyên

Một kênh tiêu thụ nông sản khác là các chợ đầu mối, nhưng việc vận hành chợ đầu mối ở mỗi tỉnh, thành phố là khác nhau nên cũng gây ra những khó khăn cho người sản xuất khi tiếp cận thị trường. Do đó, vấn đề đặt ra là cần làm thế nào để chợ đầu mối hoạt động đúng nghĩa, tạo điều kiện cho bà con nông dân đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, không bị gò ép, giảm thiểu hư hỏng sản phẩm, không bị đội giá thành sản phẩm bởi các chi phí khác.

Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, để phát triển thị trường nội địa, cần quan tâm chính sách phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh tế cá thể và tổ hợp tác, HTX liên kết tham gia thị trường. Ngoài ra, cần khuyến khích các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa, coi thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hóa thương mại. Để làm được điều này, cần đổi mới, đa dạng hóa phương thức kinh doanh nông sản trong nước, thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản trong nước, xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại nông sản đồng bộ, hiện đại.

Các chuyên gia đánh giá, nông sản Việt đa dạng về chủng loại và có chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập, thế nhưng, nhiều người Việt vẫn có thói quên chuộng hàng ngoại. Do đó, cần thúc đẩy quảng bá hình ảnh nông sản Việt Nam, góp phần tác động xu hướng tiêu dùng nông sản nội địa thay thế các nông sản ngoại nhập. Đồng thời, phối hợp phổ biến các tiêu chuẩn đưa hàng vào hệ thống, kênh phân phối; thông tin nhu cầu của từng chuỗi siêu thị về chủng loại, bao gói, quy cách... để khâu chỉ đạo tổ chức sản xuất đảm bảo theo yêu cầu thị trường.

Ðể khuyến khích doanh nghiệp, HTX tham gia vào chuỗi giá trị nông sản tại thị trường nội địa, cũng cần có ưu đãi tốt hơn nữa về chính sách đất đai cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng chính sách mềm dẻo, linh hoạt hơn nữa, cho vay vào từng khâu của chuỗi sản xuất. Đặc biệt là phân chia lợi nhuận trong một chuỗi, người nông dân sản xuất trong chuỗi cần được chia sẻ một giá trị xứng đáng. Khâu chế biến và tiêu thụ cũng vậy, cần có kế hoạch tiêu thụ, đưa ra thị trường để không bị chèn ép.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và chế biến, bảo quản nông sản bởi khoa học công nghệ chính là công cụ để quản lý chất lượng nông sản trên diện rộng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học với hiệp hội nghề.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO