Biên phòng - Giới chuyên gia đánh giá, vì một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đạt được nền tảng cốt lõi, đảm bảo hiệu quả và thực chất, thì chắc chắn sẽ cần có thêm nhiều thời gian và công sức. Trung Quốc và Philippines vừa qua đã có sự thống nhất thúc đẩy tiến trình tham vấn về COC. Đây được xem là một tiến hiệu tích cực đẩy nhanh tiến trình xây dựng COC.

Gia tăng thống nhất
Thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, đầu tuần này, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Lochen tại thành phố Đằng Xung, tỉnh Vân Nam. Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Vương Nghị khẳng định, trong hơn 4 năm qua, hai nước đã có được nhiều kinh nghiệm hữu ích trong việc giải quyến vấn đề Biển Đông một cách thỏa đáng. Đồng thời, Bộ trưởng Vương Nghị nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới, hai nước cần kiên trì xử lý ổn thỏa bất đồng thông qua đối thoại, hợp tác; dừng mọi tranh chấp nhằm không để ảnh hưởng đến đà phát triển trong mối quan hệ song phương.
Đặc biệt, Bộ trưởng Vương Nghị cũng khẳng định rằng, Trung Quốc sẵn sàng cùng Philippines thúc đẩy quá trình tham vấn về COC nhằm sớm đạt được các quy tắc khu vực có hiệu lực, được Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận. Trung Quốc luôn ủng hộ ASEAN giữ vai trò hàng đầu trong hợp tác khu vực. Bộ trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, Trung Quốc phản đối mọi nỗ lực làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN cũng như phá hoại hòa bình và ổn định tại khu vực.
Ủng hộ lập trường của Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Lochen cho biết, nước này sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc để duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông và tích cực đóng góp thúc đẩy tiến trình tham vấn COC. Tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Lochen cũng chia sẻ với Trung Quốc về những khó khăn của chính quyền Bắc Kinh trong việc giải quyết những vấn đề nội bộ của nước này.
Vào tháng trước, tại buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hối thúc tất các bên liên quan, có lợi ích tại Biển Đông phải thể hiện vai trò thúc đẩy ở vùng biển này, tìm kiếm giải pháp hòa bình giải quyết xung đột trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế. Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Philippines và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã đạt sự đồng thuận về vai trò của COC trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.
Trước buổi gặp với Tổng thống Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng đã trao đổi trực tiếp với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana. Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa khẳng định, Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy lòng tin và lợi ích chung.
Vì một COC thực chất, hiệu quả
Từ đầu tháng trước, Trung Quốc và các nước ASEAN đã nối lại cuộc họp cấp chuyên viên về COC. Các bên đang cố gắng bù lấp khoảng thời gian bị gián đoạn kể từ đầu năm do sự chi phối của đại dịch Covid-19. Động thái tích cực này được cho là xuất phát từ lời đề nghị của Trung Quốc về việc nối lại đàm phán COC vào cuối tháng 8 năm nay.
Philippines hiện là quốc gia đang giữ vai trò điều phối Quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc. Theo Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, các bên đang tiến hành lần đọc thứ hai bản dự thảo, trong khi lần đọc thứ nhất đã kết thúc trong năm 2019. Sau lần đọc này, Philippines cam kết sẽ khởi động lần đọc thứ ba trước khi chuyển giao vai trò điều phối cho Myanmar trong năm 2021. Ngoại trưởng Philippines cũng cho biết, việc nối lại đàm phán về COC sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây. Tuy nhiên, giới chuyên gia chính trị quốc tế về Biển Đông cho rằng, tháng 11 tới mới chỉ “nối lại” đàm phán chứ chưa chắc chắn sẽ thực sự là đàm phán. Bởi lẽ, việc đàm phán về COC hiện nay đang gặp nhiều trở ngại do các bên chưa thực sự tìm được “tiếng nói chung”, đảm bảo lập trường thống nhất.
Một số vấn đề liên quan đến COC hiện nay được nhìn nhận nổi bật như: Các vấn đề về luật pháp quốc tế; cách diễn giải COC; xác định tính “ràng buộc pháp lý” một cách thực chất, hiệu quả;...

Giới chuyên gia về luật biển quốc tế cũng chỉ ra rằng, một điểm quan trọng của COC là viện dẫn và tuân thủ Phán quyết của Trọng tài quốc tế về Biển Đông năm 2016. Việc tuân thủ phán quyết sẽ củng cố cam kết của các bên đối với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đây cũng là văn bản luật quốc tế từng nhiều lần được nhấn mạnh trong tiến trình đàm phán COC. Mặt khác, phán quyết này cũng sẽ giúp COC đáng tin cậy hơn không chỉ đối với các bên liên quan, mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Giới chuyên gia quốc tế cũng khẳng định rằng, Phán quyết này đã trở thành một phần trong hệ thống pháp lý của quốc tế. Vì vậy, COC không thể không có phán quyết này nhằm ngăn chặn những vụ xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cũng như các hành động vi phạm bị cấm trong UNCLOS 1982.
Đánh giá về tương lai của COC, giới chuyên gia luật biển khẳng định, đàm phán COC thất bại không đáng sợ nhưng nếu đưa ra một bản COC tồi thì sẽ gây nên nhiều rủi ro. Chính vì vậy, phương châm nhất quán là phải đạt được một bản COC thực chất, hiệu lực và hiệu quả. Để làm được điều này, chắc chắn sẽ cần có thêm nhiều thời gian và công sức. Trong đó, ASEAN được đánh giá cao là một tập thể thống nhất, đoàn kết và quan trọng hơn hết là đóng vai trò trung tâm dẫn dắt các tiến trình đàm phán. ASEAN cần thêm nhiều nỗ lực để dẫn dắt tiến trình giữ vững hòa bình, ổn định, góp phần đưa Biển Đông phát triển bền vững và thịnh vượng.
Thanh Trúc