Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 10:49 GMT+7

Thuận An - thắm xanh dải đất Biên phòng

Biên phòng - Sau khi hoàn thành 19 tiêu chí và trở thành địa phương đầu tiên trên địa bàn biên giới của tỉnh Đắk Nông “chạm đích” xây dựng nông thôn mới, xã Thuận An, huyện Đắk Mil thực sự được trả về đúng nghĩa là “mảnh đất lành” trên mọi lĩnh vực đời sống. Không nhiều người biết thủ phủ cà phê dưới chân núi lửa Nâm Gleh Rluh một thời mang trong mình những “mầm bệnh” nguy hại do các thế lực thù địch, phản động gieo rắc. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị vùng đất “rồng xanh” Thuận An đang vững vàng phát triển toàn diện, trở thành điểm sáng trên biên giới Đắk Nông

Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An cùng nhân dân địa phương dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm. Ảnh: Thái Kim Nga

Từ tính khí thất thường của “rồng lửa”...

Mặc dù là xã biên giới nhưng Thuận An chỉ cách trung tâm huyện Đắk Mil 7 km và cách thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khoảng 50km về hướng Bắc xuôi theo Quốc lộ 14. Nói cách khác, từ cửa khẩu Đắk Pơ nằm trên địa bàn xã Thuận An, chỉ cần 50 phút xe chạy là đến thủ phủ cà phê Ban Mê- “trái tim” của Tây Nguyên. Đây có thể nói là lợi thế rất lớn để xây dựng xã Thuận An trở thành khu kinh tế năng động và phát triển bậc nhất trên tuyến biên giới của tỉnh Đắk Nông.

Bên cạnh đó, Thuận An còn được thiên nhiên ưu ái khi có điều kiện thời tiết khí hậu ôn hòa, hệ thống sông suối phân bổ đều khắp, đất đai màu mỡ trù phú, rất phù hợp để canh tác các loại cây công nghiệp hàng hóa như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả với tổng diện tích tự nhiên lên đến gần là 6.200ha. Quy mô dân số cũng là một trong những lợi thế của dải đất biên cương dưới chân núi lửa Nâm Gleh Rluh khi tổng dân số của xã đã sắp “chạm ngưỡng” 12.000 nhân khẩu, sinh sống trên địa bàn 8 thôn và 2 bon đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) M,Nông.

“Điều kiện cần” để phát triển một cách toàn diện là có thừa, song ít ai biết rằng, xã Thuận An từng là khu vực hoạt động trọng điểm của bọn phản động FULRO sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975). Sau khi gây ra hàng loạt vụ bạo động vũ trang, chống chính quyền, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân dọc quốc lộ 14, các toán phản động FULRO “ẩn mình” một thời gian dài rồi âm thầm hoạt động trở lại như một thứ ung nhọt, gây hại đến thể chất lẫn tinh thần trên cơ thể.

Giai đoạn từ năm 2001- 2005, địa bàn xã Thuận An, mà cụ thể là ở 2 bon Sa Pa và Bu Đắk của đồng bào DTTS M,Nông, các ổ nhóm FULRO, “Tin lành Đề Ga”, được sự tiếp sức của bọn phản động lưu vong thường xuyên có những hoạt động chống phá chính quyền, tuyên truyền kích động gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và lôi kéo người nhẹ dạ cả tin vượt biên trái phép.

Để triệt tiêu “căn bệnh” trầm kha ấy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những biện pháp đấu tranh cứng rắn lẫn kiên trì trên mặt trận tư tưởng, kết hợp đẩy mạnh các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội, cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân được ví như “vị thần” mang công lý đến với buôn làng. Và, khi sự mơ hồ viễn vông được loại bỏ, hai bon Sa Pa, Bu Đắk nói riêng, xã Thuận An nói chung lại được trở về nguyên bản là “mảnh đất lành”, giàu tiềm năng phát triển trên biên giới.

… Đến thủ phủ cà phê trong diện mạo nông thôn mới

Với diện tích tự nhiên gần 6.200ha, chủ yếu là đất đỏ bazan màu mỡ, Thuận An rất phù hợp để phát triển các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, lúa nước và cây ăn quả, trong đó cây cà phê từ lâu được xác định là kinh tế mũi nhọn với tổng diện tích khoảng 4.200ha. Nhờ được tiếp cận sâu với kỹ thuật canh tác tiên tiến, được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có hệ thống thủy lợi tưới tiêu, nên chất lượng và sản lượng cà phê của nông dân xã Thuận An không ngừng được nâng lên. Trong 5 năm trở lại đây, sản lượng cà phê trên địa bàn xã Thuận An luôn “chạm ngưỡng” gần 15 ngàn tấn nhân khô và trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về sản lượng của toàn tỉnh Đắk Nông.

Không chỉ tiên phong trên lĩnh vực kinh tế, Thuận An còn là địa phương đi đầu trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Với tổng nguồn vốn huy động trên 30 tỷ đồng, trong đó ưu tiên cho giáo dục, y tế, giao thông và nước sạch sinh hoạt, vừa phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng biên giới. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng nhanh (trên 36 triệu đồng/năm), tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, hiện chỉ còn trên 1%, 100% trường học đạt chuẩn mức độ 1.

Các tiêu chí về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, lao động có việc làm, điện, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật đều đạt chuẩn quốc gia, giúp cho “rồng xanh” Thuận An càng thêm vững vàng tâm thế nơi đất trời biên giới.

Dấu ấn của những người lính Biên phòng

Sự “chuyển mình” phát triển mạnh mẽ của Thuận An hôm nay là tổng hòa mọi yếu tố: Thiên nhiên ưu đãi, sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của chính quyền cơ sở, sức mạnh đoàn kết và tinh thần vượt khó của đồng bào các dân tộc anh em chung sống trên địa bàn... Trong vòng quay phát triển ấy có những dấu ấn đậm nét của người lính Biên phòng.

Sau quá trình dài đồng cam cộng khổ, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng, kiên trì chuyển hóa, quyết tâm thay đổi “tính khí” của “rồng lửa”, BĐBP Đắk Nông tập trung nguồn lực tham gia xây dựng xã Thuận An trở thành “điểm sáng” trên biên giới. Để giúp địa phương đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới, bên cạnh tăng cường lực lượng xuống địa bàn, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP Đắk Nông chỉ đạo đơn vị phụ trách địa bàn là Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An chủ động tham mưu và tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, trong đó tập trung vào 2 bon Sa Pa và Bu Đắk theo hướng phát triển bền vững và bảo tồn bản sắc.

Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát này, đơn vị đã bắt tay vào “chiến dịch” 3.600 ngày đêm tham gia xây dựng và kiến tạo. Tròn 1 thập kỷ (từ năm 2010 đến nay) đã có hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị được huy động xuống địa bàn vừa tuyên truyền, vận động, vừa giúp dân, hỗ trợ chính quyền cùng nhau hướng đến mục tiêu phát triển.

Trung tá Phạm Quốc Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An chia sẻ: “Lực lượng BĐBP tham gia giúp dân trên mọi lĩnh vực bằng tất cả sức lực và trí tuệ của mình. Bất kể lúc nào khi chính quyền và nhân dân cần là chúng tôi đều có mặt, nói đi đôi với làm. Kể ra đây thì khá dài nhưng nói một cách hình tượng, lính Biên phòng có khá nhiều vai diễn, khi thì anh nông dân cầm cuốc, lúc là cán bộ cầm bút, cống hiến hết mình vào sự phát triển của mảnh đất và con người Thuận An...”.

Trong “sắc áo” nông thôn mới, Thuận An hôm nay dồi dào sức sống của một vùng chuyên canh cà phê lớn nhất trên địa bàn biên giới của tỉnh Đắk Nông. Với sự ưu ái của tự nhiên, lại được định hướng phát triển đúng đắn, hợp lòng dân, Thuận An vững bước đi lên, tràn đầy sức sống một dải đất Biên phòng.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO