Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 04:18 GMT+7

Thừa - thiếu giáo viên

Biên phòng - Tính đến hết năm học 2021, ngành giáo dục còn thừa hơn 10.000 giáo viên bậc phổ thông, nhưng tổng thể, toàn ngành lại thiếu gần 95.000 giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông (THPT), trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều nhất, với gần 50.000 giáo viên.

Nhiều địa phương còn thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Ảnh: minh họa

Nan giải nhất là tình trạng thừa - thiếu cục bộ giáo viên ở một số môn học, cấp học. Qua triển khai chương trình mới năm học 2022-2023, hầu hết các địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán, song thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như tin học, tiếng Anh (tiểu học, trung học cơ sở), môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) ở cấp THPT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để giải bài toán thừa - thiếu giáo viên như bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên..., nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa thể khắc phục. Trong bối cảnh các địa phương vừa phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên lại vừa phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế, vấn đề này còn trở nên nan giải hơn.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là việc không phải của riêng ngành giáo dục vì còn liên quan đến các chính sách của quốc gia, địa phương, nên phải có giải pháp tổng thể, lâu dài và bền vững để giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên. Đồng thời, phải quán triệt phương châm của ngành giáo dục ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên đứng lớp.

Để khắc phục những khó khăn trên, giải pháp được nhiều địa phương đưa ra là luân chuyển, điều động giáo viên môn đặc thù giữa các trường, các cấp học để bảo đảm đủ giáo viên các môn học.

Theo đó, một số giáo viên có thể dạy 2 trường cùng cấp học hoặc 2 cấp học là tiểu học, trung học cơ sở. Đối với cấp THPT, các trường rà soát giáo viên, xây dựng phương án cho học sinh lựa chọn 5 môn ở 3 nhóm môn (khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật), phù hợp với nguồn giáo viên của mỗi trường. Đồng thời, cho phép các cơ sở giáo dục có thể bố trí giáo viên cấp trung học cơ sở bảo đảm trình độ đào tạo để dạy môn âm nhạc, mỹ thuật cấp THPT.

Thời gian qua, ngoài việc phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung biên chế cho viên chức giáo dục, ưu tiên đầu tiên cho khối mầm non, ngành giáo dục đang tập trung rà soát lại quy mô, mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông trong cả nước để tính toán, sắp xếp lại cho phù hợp theo hướng tinh gọn các đầu mối.

Đặc biệt, trước nhu cầu cấp bách thực hiện việc đào tạo giáo viên theo địa chỉ sử dụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị các địa phương rà soát thông tin đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo ngành sư phạm năm 2022 và đề xuất nhu cầu từ năm 2023-2025 để xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho cơ sở đào tạo ngành sư phạm.

Các chuyên gia khẳng định, việc đào tạo giáo viên theo địa chỉ sử dụng được thực hiện một cách triệt để sẽ sớm giải quyết được câu chuyện thừa - thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, các trường sư phạm và địa phương cần tăng cường phối hợp chặt chẽ việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng là yếu tố mấu chốt tạo sự hấp dẫn cho ngành sư phạm để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ về số lượng và sát với nhu cầu.

Rõ ràng, để giải bài toán thiếu giáo viên, trước hết, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt trong việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường lớp; chủ động điều tiết giáo viên ngay trong địa phương phù hợp với vùng miền, bậc học; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao...

Về lâu dài, Nhà nước cần sớm ban hành Luật Nhà giáo và Chiến lược phát triển giáo dục mầm non, phổ thông để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Hy vọng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, bài toàn thừa - thiếu giáo viên sẽ được giải quyết triệt để trong tương lai gần.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO