Biên phòng - Đó là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cung cấp cho báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2018, diễn ra chiều 2-6, tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2018 diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, các bộ, ngành cần thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đối với mặt hàng nông sản; theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản, cân đối cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối... nhằm ổn định thị trường.
Thủ tướng cũng yêu không tăng giá điện trong năm 2018 và chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp. Điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung. Đối với vật liệu xây dựng, cần theo dõi diễn biến vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, đặc biệt chú trọng tới quản lý giá thép, đảm bảo nguồn cung khi nhu cầu vật liệu cho xây dựng tăng cao.
Trong lĩnh vực vận tải, tiếp tục rà soát các dự án, hoàn tất đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ dường bộ (BOT) tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn. Đồng thời, cần nghiên cứu tên gọi phù hợp cho các trạm thu phí giao thông BOT nhưng không được gọi là “trạm thu giá”.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, sản xuất nông nghiệp có kết quả tăng so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,7%. Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 11,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 7,5%). Đặc biệt, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của tháng 5 tăng lên 53,9 điểm, cao nhất trong ASEAN. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 93,1 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ). Cả nước xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm gần 3,6% kim ngạch xuất khẩu…

Tại buổi họp báo, lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời báo chí về một số vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay như: Một số vụ đất công bán giá rẻ bị phanh phui; biện pháp quản lý việc cho vay tiêu dùng, quản lý thông tin tài chính, lãi suất vay và nợ xấu; vấn đề xử lý các dự án yếu kém của ngành công thương; câu chuyện dự án Sào Khê ở Ninh Bình tăng 36 lần tổng vốn đầu tư…
Đáng chú ý, liên quan đến việc Bộ Công Thương có ý định xin rút nhà máy thép Việt Trung ra khỏi danh sách 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỉ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2017, dự án này lãi 411 tỷ, 5 tháng đầu năm 2018 lãi khoảng gần 500 tỷ. Hiện nay, một dự án đã bắt đầu có lãi nên chính các doanh nghiệp cũng mong muốn được ra khỏi các danh sách thua lỗ.
“Chúng tôi nghĩ rằng, đây là một mong muốn hết sức chính đáng của các doanh nghiệp. Về mặt chủ trương, chúng tôi ủng hộ và sẽ có đề xuất với đồng chí Trưởng ban (Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ) về xử lý các dự án tồn đọng của ngành công thương” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải.
Liên quan đến phản ánh gần đây về việc các công ty tài chính cho vay tiêu dùng với lãi suất cao, đòi nợ khiến khách hàng bức xúc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay, các văn bản pháp lý hướng dẫn tổ chức tín dụng, công ty tài chính ban hành rất đầy đủ. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp làm việc với các công ty tài chính và yêu cầu dừng ngay tình trạng này, đồng thời rà soát, chấn chỉnh phong cách làm việc của nhân viên, tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động tín dụng.
Lê Hoàng