Biên phòng - Sau 2 ngày Quốc hội tiến hành chất vấn 4 thành viên Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, ngày 17-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước.
- Giải quyết vướng mắc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số
- Giữ gìn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
- Ưu tiên đầu tư công trình thủy lợi quy mô lớn cho vùng biên giới, hải đảo
- Phát huy sức mạnh tổng hợp chăm lo phát triển vùng dân tộc thiểu số
- Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo

Đã có 55 đại biểu tranh luận, chất vấn Thủ tướng, trong đó có nhiều câu hỏi về các giải pháp thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng; giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ vừa phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Tây Nguyên là địa bàn chiến lược của đất nước đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách để phát triển, nhưng quá trình phát triển còn rất nhiều khó khăn. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, “mái nhà” chung của Đông Dương và có nhiều tiềm năng thế mạnh. Nhưng muốn phát triển được Tây Nguyên cần xây dựng kết nối hạ tầng, bảo vệ rừng. Đặc biệt, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng thương hiệu sản phẩm, giữ gìn văn hóa ở Tây Nguyên là những vấn đề rất quan trọng, tạo điều kiện cho hơn 50 dân tộc ở Tây Nguyên phát triển thuận lợi hơn, xứng đáng với vùng đất đầy tiềm năng này.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chất vấn chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng đã được xã hội đón nhận rất tích cực. Nhưng cử tri còn băn khoăn về hiệu lực và hiệu quả của chủ trương này, vậy Chính phủ có giải pháp gì để thực hiện nghiêm túc chủ trương, đồng thời ổn định đời sống của một bộ phận đồng bào sống phụ thuộc vào rừng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Đóng cửa rừng tự nhiên là cần thiết, còn để thực hiện chủ trương này, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đồng thời, ban hành các chính sách chăm sóc, bảo vệ rừng; vận động để nhân dân không di dân tự do, nhất là di cư vào các tỉnh Tây Nguyên để hạn chế ở mức tối đa phá rừng tự nhiên.
Ngoài ra, đại biểu Cao Thị Xuân cho rằng, chính sách phát triển vùng DTTS là vấn đề lớn có tính toàn cầu của thế kỷ XXI, vậy Chính phủ có giải pháp gì để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS miền núi, giảm di cư tự do, giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc.
Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Đất nước ta có 53 DTTS, có 13 triệu đồng bào DTTS, trong đó, tỷ lệ đói nghèo của DTTS chiếm trên 20% tỷ lệ đói nghèo của cả nước. Vì vậy, phải có một chính sách cần thiết để xử lý vấn đề này, nâng cao mức sống cho đồng bào DTTS. Trong thời điểm hiện nay, thu ngân sách gặp khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn trình Quốc hội thông qua chương trình trái phiếu Chính phủ hỗ trợ xây dựng các trường mầm non, mẫu giáo ở vùng cao để nâng cao dân trí.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch đầu tư trung hạn Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ gìn văn hóa vùng đến đồng bào DTTS. Đây là nhiệm vụ có tính chất toàn cầu ở thế kỷ XXI. Đặc biệt, Chính phủ sẽ thực hiện tốt Chương trình 135 ở các huyện đặc biệt khó khăn; chính sách đặc thù hỗ trợ 12 dân tộc rất ít người. Thực hiện xây dựng các trường học bán trú, cấp không 15 kg gạo/học sinh/tháng, trả tiền cho cấp dưỡng để nấu cho học sinh khi đến trường. Hỗ trợ các trường nội trú 460 nghìn đồng/tháng/học sinh, hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho các cháu đi học. Đây là những chính sách cần thiết nâng cao dân trí, tạo động lực giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào DTTS. Còn đối với các xã biên giới sẽ có chương trình riêng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc triển khai...

Bên cạnh vấn đề về vùng DTTS, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cho biết, đất nước ta có chiều dài bờ biển và diện tích biển lớn, hàng nghìn đảo lớn, nhỏ. Những năm tới, Thủ tướng có những đề án chiến lược cụ thể nào để đạt mục tiêu phát huy thế mạnh về kinh tế biển và gắn với giữ vững chủ quyền biển đảo. Thủ tướng có những chỉ đạo hay những chính sách đặc thù gì để có những đội tàu đánh cá hiện đại ngang bằng với các nước vừa làm kinh tế, vừa cùng với các lực lượng khác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nghĩa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có một Nghị quyết về chiến lược kinh tế biển. Chính phủ sẽ rà soát, xem xét những khâu nào chưa được giải quyết tốt để tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt hơn đề án kinh tế biển, gắn với quốc phòng-an ninh trong tình hình mới. Trong đó, tập trung hỗ trợ ngư dân như gói tín dụng rất hỗ trợ ngư dân đóng tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ, kết hợp giữa giữa phát triển kinh tế biển và giữ vững quốc phòng - an ninh.
Viết Hà