Biên phòng - Nằm trong khuôn khổ chuyến viếng thăm vùng Viễn Đông 4 ngày, Thủ tướng Nga Đơ-mi-tơ-ri Mét-vê-đép ngày 3-7 đã đến thăm đảo Cu-na-sia, một trong bốn hòn đảo thuộc quần đảo Nam Cu-rin đang tranh chấp với Nhật Bản mà Tô-ki-ô gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Chuyến thăm của ông Mét-vê-đép ngay lập tức đã tạo cơn “sóng gió” cho quan hệ Nga - Nhật, vốn không được “xuôi chèo mát mái” do những tranh chấp lãnh thổ từ nhiều năm qua.
![]() |
Thủ tướng Mét-vê-đép trò chuyện với lãnh đạo ở đảo Cu-na-sia. Ảnh: Reuters |
Tranh chấp lãnh thổ đã khiến Nhật Bản và Nga không thể ký kết một hòa ước thời hậu chiến. Trọng tâm tranh chấp giữa hai nước xoay quanh quần đảo Nam Cu-rin (Vùng lãnh thổ phương Bắc) gồm bốn đảo: Cu-na-sia, Ê-tô-rô-phư, Si-cô-tan và Ha-bô-mai. Liên Xô trước đây đã chiếm giữ các đảo này không lâu sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai vào ngày 15-8-1945.
Các đảo này, được cho là giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều nguồn cá. Theo Tuyên bố chung năm 1956 nhằm khôi phục quan hệ giữa hai nước, Nga đã đề nghị trả Nhật hai vùng lãnh thổ nhỏ hơn là đảo Si-cô-tan và Ha-bô-mai, nhưng chỉ sau khi ký hiệp ước hòa bình với Nhật Bản. Tuy nhiên, Tô-ki-ô đã phản đối đề nghị này và đòi được trả lại toàn bộ 4 hòn đảo tranh chấp. Đây chính là trở ngại lớn nhất hiện nay trong quan hệ Nga - Nhật.
Nhằm “hạ nhiệt” tranh chấp lãnh thổ giữa Nga - Nhật xung quanh quần đảo Nam Cu-rin, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Lốt Ca-bốt của Mê-hi-cô trung tuần tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Y-ô-si-hi-cô Nô-đa và Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin đã nhất trí khôi phục các cuộc đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong không khí hòa bình.
Phía Nhật Bản khẳng định, “Quan điểm bốn hòn đảo trên là lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản không hề thay đổi, nhưng hai nước đã tiến hành đàm phán về quan điểm của nhau trong suốt 56 năm”. Về phần mình, Mát-xcơ-va bày tỏ hy vọng hai bên có thể hợp tác kinh tế tại các hòn đảo tranh chấp dựa trên nguyên tắc không làm phương hại đến quan điểm luật pháp của hai nước.
Tuy nhiên, việc Thủ tướng Mét-vê-đép lên kế hoạch thăm đảo Cu-na-sia đã gây “sóng gió” cho quan hệ Mát-xcơ-va - Tô-ki-ô. Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 3-7 đã triệu Đại sứ Nga Ếp-ghê-ni A-pha-na-xi-ép tới để phản đối mạnh mẽ chuyến thăm hòn đảo tranh chấp Cu-na-sia của Thủ tướng Mét-vê-đép. Tại cuộc họp báo vào chiều cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Côi-chi-rô Gem-ba nhấn mạnh rằng, Tô-ki-ô không thể chấp nhận chuyến thăm của ông Mét-vê-đép và chuyến thăm này đã “dội gáo nước lạnh” vào quan hệ song phương đang tiến triển tích cực trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, ông Gem-ba cũng bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ tin cậy với Nga.