Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 07/09/2024 09:58 GMT+7

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thăm Mỹ: Chuyến đi giành lại niềm tin

Biên phòng - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang có chuyến thăm Mỹ 5 ngày, bắt đầu từ ngày 5-3. Trong bối cảnh ông Netanyahu đang chịu sức ép trong nước liên quan đến các cáo buộc tham nhũng làm dấy lên nhiều đồn đoán về tương lai chính trị của nhà lãnh đạo này, chuyến thăm tới Mỹ lần này được giới quan sát nhận định sẽ là cơ hội để Thủ tướng Netanyahu giành lại sự ủng hộ của các cử tri.

meq23kntr7-73209_1127841811633162230_anh_bai_chinh
Tổng thống Donald Trump tiếp Thủ tướng Netanyahu tại Nhà Trắng. Ảnh: lepoint.fr

Tại cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 5-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, mối quan hệ Mỹ-Israel đang "tốt đẹp hơn bao giờ hết" và khẳng định hai nước không chỉ hợp tác chặt chẽ trong quân sự và chống khủng bố mà còn ở tất cả các lĩnh vực mà hai bên cùng tham gia. Tổng thống Donald Trump cũng đề cập đến chuyến thăm Israel vào tháng 5 tới để tham dự lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại thành phố Jerusalem, sự kiện được coi là một thách thức lớn về mặt an ninh và ngoại giao. Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu cho rằng việc Mỹ quyết định dời đại sứ quán đến Jerusalem là một quyết định lịch sử.

Vấn đề Jerusalem là vấn đề rất nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Pa-le-xtin xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.

Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Netanyahu cũng đã thảo luận các biện pháp nhằm ngăn chặn những tiến bộ quân sự của Iran ở Trung Đông cũng như thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Mỹ, Trung Quốc) năm 2015 nhằm ngăn chặn quốc gia này phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Đây là thỏa thuận mà cả Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Israel cho là “chưa đầy đủ” và cần phải đàm phán lại. Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh thách thức lớn nhất của khu vực Trung Đông hiện nay là Iran, đồng thời khẳng định chính quyền Tehran vẫn chưa từ bỏ tham vọng hạt nhân. Sự hiện diện ngày càng gia tăng của các lực lượng Iran tại Syria ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad là mối quan tâm đặc biệt đối với đối với Thủ tướng Netanyahu. Trước đó, ông đã buộc tội Tehran đang tìm cách thành lập một căn cứ cố định tại Syria.

Trong chuyến thăm 5 ngày tới Mỹ, ngoài cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Netanyahu dự kiến có bài phát biểu quan trọng trước nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel mang tên AIPAC lớn nhất tại Mỹ, có cuộc gặp với lãnh đạo Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội  Mỹ. 

Chuyến thăm tới Mỹ của Thủ tướng Israel diễn ra trong bối cảnh ông đang đối mặt với nhiều vấn đề trong nước trong đó có cáo buộc liên quan tới các vụ án tham nhũng.

Tuy nhiên, ông Netanyahu đã phủ nhận mọi cáo buộc trên. Hiện cũng có những dấu hiệu cho thấy rạn nứt trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng, khiến nhiều phương tiện truyền thông Israel đã đề cập khả năng bầu cử trước thời hạn có thể được tiến hành vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới trước khi tới Mỹ, ông Netanyahu nêu rõ: “Không có lý do nào để điều này xảy ra nếu có thiện chí. Đối với tôi, thiện chí là có. Tôi hy vọng các đối tác (liên minh) khác cũng có thiện chí”.

Theo giới quan sát, trước những vấn đề rắc rối trong nước, Thủ tướng Netanyahu đang muốn đẩy dư luận tập trung vào chuyến thăm tới Mỹ lần này cũng như mối quan hệ giá trị của ông với Tổng thống Donald Trump, đồng minh quan trọng nhất của Israel hiện nay.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO