Biên phòng - Thủ tướng chỉ rõ Quảng Ninh hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, như là một Việt Nam thu nhỏ; luôn được Trung ương xác định có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng...
Sau khi chủ trì Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng, chiều 12/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và giải quyết kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Trong nhóm dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế-xã hội
Theo Báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Ninh, trong điều kiện khó khăn chung, song nhờ bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh; quyết liệt, linh hoạt, đổi mới trong tổ chức thực hiện và với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt các mục tiêu ở mức cao.
Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định với mức tăng GRDP 2 con số trong 7 năm liên tiếp 2016-2022, trong đó trong các năm có dịch Covid-19 vẫn đạt trên 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh."
Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, cao nhất khu vực phía Bắc; năng suất lao động tăng trên 13%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh đạt trên 156.200 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2020-2022 đạt 2,15 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 7,68 tỷ USD, tăng bình quân trên 9%/năm.
Tỉnh không ngừng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu cả nước 5 năm liên tiếp từ 2017 - 2021. Công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được quan tâm.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân được đặc biệt quan tâm. Đến hết năm 2022, tỉnh đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; khởi công và triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của cấp Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên...
Tỉnh Quảng Ninh đề ra mục tiêu, nhiệm vụ từ nay đến năm 2025, tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD...
Tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cơ quan phối hợp với tỉnh xây dựng các đề án, cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc; Đề án điều chỉnh ranh giới Vùng đệm di sản vịnh Hạ Long; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy hoạch khai thác than; phân cấp cho tỉnh được giải quyết thủ tục pháp lý trong hoạt động khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ than làm vật liệu san lấp mặt bằng...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu làm rõ những kết quả mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua; phân tích bài học kinh nghiệm; chỉ ra các tiềm năng, thế mạnh và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để Quảng Ninh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững; đồng thời giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Các đại biểu đề nghị tỉnh Quảng Ninh mạnh dạn hơn nữa, áp dụng các cơ chế chính sách, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tiếp tục tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Các bộ, ngành cũng cơ bản ủng hộ giải quyết các đề xuất của Quảng Ninh.
Cần tạo thương hiệu về một Quảng Ninh giàu có và sạch, đẹp
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt được.
Thủ tướng cho rằng trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Quảng Ninh rất quyết liệt, bài bản, hiệu quả. Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế-xã hội, đạt được những kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế tỉnh Quảng Ninh cần khắc phục như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hợp tác công tư đang chững lại; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp và kinh tế biển chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; nguồn nhân lực chất lượng cao còn yếu và thiếu; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đai, vệ sinh, môi trường... có mặt còn hạn chế.
“Vệ sinh, môi trường là vấn đề lớn của tỉnh Quảng Ninh. Do đó, tỉnh cần khắc phục, nhất là phải tạo phong trào lớn về vệ sinh, môi trường, xây dựng tỉnh xanh, sạch, đẹp; tạo thương hiệu về một Quảng Ninh giàu có, sạch, đẹp," Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ Quảng Ninh hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội; là địa phương duy nhất trong cả nước có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc; Quảng Ninh như là một Việt Nam thu nhỏ; luôn được Trung ương xác định có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Tỉnh có lợi thế kinh tế biển; giàu có về tài nguyên; giàu tiềm năng du lịch, với danh thắng nổi tiếng là vịnh Hạ Long, khu di tích Yên Tử; nơi giao thoa nền văn hóa đa dạng, phong phú, lâu đời với nét đặc sắc, độc đáo của nền văn minh sông Hồng.
Đặc biệt, người dân Quảng Ninh có truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường, là một trong những cái nôi của phong trào công nhân, nơi rèn luyện và giác ngộ ý thức giai cấp cho các chiến sỹ cách mạng kiên trung.
Cùng với phân tích tiềm năng, thế mạnh, nêu các quan điểm, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện để phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Quảng Ninh kiên trì thực hiện sáng tạo mô hình “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực," khai thác tối đa các hành lang giao thông, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương trong tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh phải quản lý, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; xã hội văn minh, văn hóa phát triển; tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế đi đôi với nâng chất lượng tăng trưởng, theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.
Quảng Ninh tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, trong đó có các tuyến giao thông kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang, tuyến đường ven biển, kết nối với khu du lịch Yên Tử; xây dựng cảng biển như cảng Móng Cái; kết nối giao thông lên các cửa khẩu; mở các đường bay từ sân bay Vân Đồn đến các khu vực như Cần Thơ...
“Quảng Ninh tiếp tục huy động nguồn lực vào đầu tư phát triển, nhất là phát huy các phương thức hợp tác đầu tư PPP, BOT, đề xuất phương thức BT trong đầu tư phát triển," Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Quảng Ninh phải thúc đẩy cải cách hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan...; quản lý và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, trong đó không đề cao vấn đề thu tiền mà là nâng cao giá trị văn hóa của di tích.
Quảng Ninh phải chú trọng hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực, với việc mở rộng, nâng cấp các cơ sở đào tạo, nhất là các trường Đại học trên địa bàn để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực, trong đó lưu ý đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo nghệ thuật, ngoại ngữ, nhất là đào tạo tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc.
Song song với phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh phải coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính các cấp hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu trong thực hiện nhiệm vụ.
“Tỉnh Quảng Ninh phải giữ vững đoàn kết cả lúc khó khăn cũng như lúc thuận lợi..., vì mất đoàn kết là mất tất cả," Thủ tướng chỉ rõ.
Đối với các đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây đều là những đề xuất chính đáng; cơ bản đồng ý xem xét; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xem xét, giải quyết.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc giải quyết các vướng mắc không chỉ đối với từng dự án, vấn đề, vụ việc cụ thể của Quảng Ninh mà phải tạo ra cơ chế chính sách cho các vấn đề tương tự ở các địa phương trong cả nước, nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, tránh cơ chế xin-cho.
Tạo điều kiện để công nhân “an cư lạc nghiệp”
Chiều tối cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, khảo sát thực tế tại Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên, thăm một số dự án có mức đầu tư lớn trong khu công nghiệp.
Khu công nghiệp Đông Mai nằm bên quốc lộ 18 thuộc thị xã Quảng Yên, có diện tích 160 ha được phát triển bởi Tổng Công ty Viglacera-Công ty cổ phần. Với hệ thống giao thông thuận lợi, gần các cảng biển lớn, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Khu công nghiệp Đông Mai đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, nhất là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp sạch, công nghệ cao.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đánh giá đây là khu công nghiệp mẫu mực của tỉnh, với tỷ lệ lấp đầy cao nhất, môi trường được bảo đảm tốt nhất.
Tại đây, Thủ tướng đã thăm, khảo sát dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bumjin Electronics Vina thuộc Tập đoàn Bumjin (Hàn Quốc) - nhà cung cấp cấp 1 của Tập đoàn điện tử Samsung; Dự án S Việt Nam sản xuất màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao của Công ty trách nhiệm hữu hạn Competition Team Technology (CTTV) - công ty con thuộc Tập đoàn Foxconn.
Thủ tướng Chính phủ cũng thăm, khảo sát dự án Khu nhà ở công nhân phục vụ Khu công nghiệp Đông Mai do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng diện tích 9,12ha, quy mô 5 tòa nhà 6 tầng gồm 1.000 căn hộ, đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 5.500 người, dự kiến hoàn thành năm 2024. Mỗi căn hộ có diện tích từ 26-67m2, được bố trí từ 1 đến 3 phòng ngủ. Giá bán trung bình từ 7 triệu đồng/m2, giá trị một căn hộ từ 185-476 triệu đồng. Đây là mức giá phù hợp với thu nhập của công nhân lao động.
Đánh giá cao mô hình này, Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan làm tốt công tác quy hoạch; xây dựng căn hộ có diện tích phù hợp, giá cả phải chăng, bảo đảm thông thoáng với hạ tầng đồng bộ về điện, nước, y tế, giáo dục, các tiện ích xã hội, cây xanh; đa dạng hóa các hình thức mua, thuê mua, thuê; rút kinh nghiệm từ thực tế để đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... nhằm triển khai ngày càng nhiều các dự án nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp.
Thủ tướng thăm hỏi đời sống, công việc của các công nhân trong các nhà máy; mong các công nhân luôn tuân thủ pháp luật, quy định, cố gắng làm tốt công việc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, không ngừng nâng cao tay nghề, trình độ và cố gắng tiết kiệm để có thể mua nhà, "an cư lạc nghiệp".
Theo TTXVN