Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Thử thách lòng tin

Biên phòng - Ngày 16-5, Triều Tiên bất ngờ thông báo hủy cuộc hội đàm cấp cao cùng ngày với Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo sẽ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với Mỹ để phản đối cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn và yêu cầu của Washington đòi hỏi Bình Nhưỡng phải nhượng bộ cũng như từ bỏ vũ khí hạt nhân vô điều kiện. Đây được xem là một thử thách lòng tin của các bên liên quan, đồng thời cũng đe dọa triển vọng tạo bước ngoặt cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

lk78_20b
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (bên trái) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng vào cuối tháng 4-2018. Ảnh: Nhà Trắng

Những rào cản ngáng đường

Lý do được Bình Nhưỡng đưa ra đó là việc Washington và Seoul tiếp tục tiến hành cuộc tập trận thường niên “Thần Sấm” kéo dài 2 tuần, với khoảng 100 máy bay, trong đó có máy bay tàng hình F-22, máy bay F-15K và F-16. Cuộc tập trận thường niên mang tên “Thần Sấm” được bắt đầu từ năm 2009. Trước đây, Bình Nhưỡng cũng luôn phản ứng mạnh mẽ với các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, phản đối việc triển khai các phương tiện quân sự đến khu vực bán đảo Triều Tiên, coi đây là âm mưu xâm lược Triều Tiên.

Bên cạnh đó, phát ngôn mới nhất của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton về việc muốn áp dụng "mô hình Libya" cho Triều Tiên, cũng gây phản ứng tức giận từ phía Bình Nhưỡng. Triều Tiên chỉ trích quan điểm như vậy là một nỗ lực "đầy điềm gở". Bởi cứ nhìn lại những gì đã xảy ra đối với đất nước Libya và cố lãnh đạo Muammar Gaddafi hay đất nước Iraq cùng cố Tổng thống Saddam Hussein thì chắc hẳn ai cũng có thể hiểu lý do vì sao Bình Nhưỡng chưa thể dễ dàng tin tưởng những lời hứa của Washington.

Vì thế, cho dù cả Hàn Quốc và Mỹ đang tỏ ra rất thiện chí, song, Bình Nhưỡng vẫn dứt khoát hủy cuộc hội đàm cấp cao với Hàn Quốc vào ngày 16-5, coi cuộc diễn tập giữa các lực lượng không quân Hàn Quốc và Mỹ là sự tập dượt cho cuộc xâm lược Triều Tiên và là hành động gây hấn giữa lúc quan hệ liên Triều đang ấm lên.

Bất chấp phản ứng từ Bình Nhưỡng, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 16-5 thông báo, các hoạt động trong khuôn khổ cuộc tập trận mang tên “Thần Sấm” vẫn được tiến hành theo đúng kế hoạch. Theo Seoul, cuộc tập trận được thực hiện nhằm tăng cường năng lực của các phi công, chứ không phải thực thi kế hoạch tác chiến hay tập dượt xâm lược Triều Tiên như Bình Nhưỡng tuyên bố.

Tuy nhiên, để giảm bớt sự căng thẳng, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và Chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Tướng Vincent Brooks đã quyết định cuộc tập trận "Thần Sấm" sẽ không có sự tham gia của máy bay B-52 như kế hoạch ban đầu.

92k7_20a
Bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri có thể được đóng cửa trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến 25-5. Ảnh: AP

Cần lắm lòng tin

Trong một tuyên bố bày tỏ lấy làm tiếc về việc Triều Tiên đơn phương quyết định hủy bỏ cuộc hội đàm cấp cao liên Triều, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh, Chính phủ nước này vẫn "giữ vững các cam kết về việc thực hiện Tuyên bố chung Panmunjom, đồng thời hối thúc Triều Tiên tiến hành hội đàm sớm nhất có thể vì hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên". Hiện, Hàn Quốc đang liên lạc với Triều Tiên để tìm hiểu nguyên nhân của quyết định hủy bỏ trên. Việc liên lạc với Chính phủ Triều Tiên được thực hiện qua fax.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vẫn chưa nghe thông tin chính thức từ phía Triều Tiên về việc Bình Nhưỡng đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Donald Trump để phản đối cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn, đồng thời, Washington vẫn xúc tiến công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến vào ngày 12-6 tới, tại Singapore. Tuy nhiên, Nhà Trắng sẽ xem xét một cách độc lập về thông báo mới của Triều Tiên và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Washington.

Thực tế cho thấy, những “viên gạch thiện chí” được xây lên sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4 vừa qua dường như vẫn chưa đủ để tạo dựng lòng tin. Cả Mỹ và Hàn Quốc vẫn nghi ngờ hành động thiện chí của Triều Tiên, khi nước này tuyên bố sẵn sàng ngừng các vụ thử hạt nhân, thậm chí mời cả giới truyền thông đến chứng kiến đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri , có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến 25-5.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng quan ngại về biện pháp kêu gọi từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt để đổi lấy hòa bình của Mỹ. Cách hành xử thiếu nhất quán của các đời chính quyền Washington đối với Libya, Iraq trước đây hay Iran gần đây cũng đủ lý do để Triều Tiên hoài nghi Mỹ. Tất nhiên, Triều Tiên sẽ không quan tâm tới bất kỳ cuộc đối thoại hạt nhân nào nếu bị “dồn vào chân tường” và bị ép buộc phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, còn có lý do khác để lý giải việc Triều Tiên cảnh báo hủy bỏ kế hoạch gặp gỡ thượng đỉnh với Mỹ. Theo các nhà phân tích, đây có thể là động thái nhằm thử phản ứng từ phía Washington, thậm chí với cả với Hàn Quốc, vừa là cách gia tăng áp lực để có những lợi thế hơn trong thương lượng.

Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một tiến trình hết sức phức tạp, đòi hỏi có thiện chí thực sự của tất cả các bên liên quan. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều có được nhóm họp đúng kế hoạch và có đem lại kết quả như mong muốn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào lòng tin từ cả hai phía.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO