Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 03/12/2023 02:57 GMT+7

Thủ lĩnh thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa

Biên phòng - Phạm Hữu Nhật là người thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cùng bao lớp trai tráng của đảo, ông đã tham gia đội Hoàng Sa, rồi sung vào quân đội triều đình chuyên thực thi chủ quyền quần đảo yêu thương này.

Những ngôi mộ gió trong khuôn viên Âm Linh Tự trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Trịnh Sinh

Trưởng thành từ làng chài, Phạm Hữu Nhật đã làm đến chức Suất đội thủy quân cùng lứa với Cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên, Suất đội thủy sư Phạm Văn Biện, đều là những người con của Lý Sơn trong đội Hoàng Sa trước đây. Đến thời Minh Mạng, ông được biên chế vào thủy quân và giám thành quân, có nhiệm vụ khảo sát và thực hiện chủ quyền ở Hoàng Sa.

Phạm Hữu Nhật đã chỉ huy thuyền chở binh lính ra Hoàng Sa nhiều lần, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là đợt đi cắm mốc chủ quyền, được Hoàng đế Minh Mạng trực tiếp cử ông làm thủ lĩnh. “Tháng Giêng năm Minh Mệnh 17 (1836), nhà vua “sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dùng làm dấu ghi. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ” (Đại Nam thực lục chính biên). Đoàn thuyền của ông gồm 5-6 chiếc, mỗi thuyền có khoảng 10 người.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) có tầm nhìn chiến lược về Biển Đông trong ngoại thương và khai thác sản vật ngoài đảo, nên đã thành lập đội Hoàng Sa. Chúa đã tuyển con em của Cù Lao Ré (tên cũ của đảo Lý Sơn) để đi Hoàng Sa do họ thạo đi biển và đây cũng là hòn đảo có vị trí gần với Hoàng Sa hơn so với đất liền. Đến thời Hoàng đế Gia Long và Minh Mạng, việc quản lý và thực thi chủ quyền được tổ chức bài bản hơn, thành lập các đội quân dưới sự quản lý của triều đình, việc tổ chức vẽ bản đồ, khảo sát các đảo thường xuyên hơn.

Ngôi mộ gió của Phạm Hữu Nhật (tư liệu Nhà trưng bày Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn). Ảnh: Trịnh Sinh

Lý Sơn là hòn đảo cách bờ biển chừng 25km. Từ cách đây hơn 2.000 năm, người cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã lập làng ở địa điểm Xóm Ốc và Suối Chình. Chỉ đến khi có làn sóng người Việt di cư theo chân chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) vào khai hoang thì làng xóm mới tấp nập. Gia phả của các dòng họ còn ghi lại: 6 vị “tiền hiền” khai cư làng An Vĩnh, trong đó có cụ tổ họ Phạm Văn là tổ tiên của Phạm Hữu Nhật. Các dòng họ khác cũng đều có con em đóng góp vào các chuyến đi ra đảo Hoàng Sa. Nhiều chuyến đi gặp bão tố, nhiều con thuyền chìm xuống biển khơi: “Hoàng Sa đi dễ khó về/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. Chuyến đi Hoàng Sa cuối cùng của Phạm Hữu Nhật là khi ông tròn 50 tuổi. Đó là vào năm 1854, thời vua Tự Đức.

Người dân Lý Sơn luôn nhớ tới ông theo một nét tâm linh khá đẹp, tưởng nhớ người chết mà không tìm thấy xác là đắp cho họ một “ngôi mộ gió”. Người ta chôn trong mộ hình nhân được nặn từ đất sét núi Thới Lới trên đảo, xương cốt là những cành dâu, họ coi ngày ra biển là ngày giỗ và thường xuyên chăm sóc hương khói. Ngôi mộ gió của Phạm Hữu Nhật cũng vậy, được xây cạnh mộ ông tổ họ Phạm Văn ở thôn Đông, xã An Vĩnh. Có lẽ, cái phong tục chôn mộ gió chỉ có ở đảo Lý Sơn, nơi có nhiều thanh niên đi Hoàng Sa gìn giữ chủ quyền mà chết ngoài biển khơi. Đó là cách tưởng nhớ thương cảm nhất, tưởng đâu đó, ông vẫn có mặt trong cộng đồng, “lá rụng về cội”. Linh vị của Phạm Hữu Nhật luôn luôn hiện diện trong các miếu thờ lính Hoàng Sa như Âm Linh Tự trên đảo hay trong các lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” được tổ chức vào ngày 20 tháng 2 âm lịch. Năm 2005, gia tộc họ Phạm Văn đã dựng bia cho Phạm Hữu Nhật. Tên ông đã được đặt cho một hòn đảo trong nhóm Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhiều phố mang tên Phạm Hữu Nhật như ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Một buổi cầu kinh cho những người lính Hoàng Sa ở chùa Hang, Lý Sơn. Ảnh: Trịnh Sinh

Để giữ gìn quần đảo Hoàng Sa, bao nhiêu thanh niên đảo Lý Sơn đã phải bỏ mình ngoài biển khơi. Biết là ra đi bảo vệ chủ quyền có thể không có ngày trở về đất mẹ, họ đã mang theo mình một bộ đồ hậu sự không gì đơn sơ hơn: một manh chiếu, vài thanh tre và dây thừng để bó thân xác, hy vọng có ngày trôi dạt đến bến bờ nào đó của Tổ quốc. Người ở nhà cũng đã chuẩn bị các ngôi mộ gió... Ôi, ở nơi đầu sóng ngọn gió mà lòng dũng cảm và tình người dạt dào biết bao!

Giáo sư Trịnh Sinh

Bình luận

ZALO