Biên phòng - Từ thị trấn Mường Xén, sau gần 2 giờ vượt qua 50km đường đèo núi bồng bềnh mây và gió, chúng tôi có mặt tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Nơi đây có độ cao gần 1.500m, thời tiết mát mẻ quanh năm, nhiệt độ không vượt quá 25 độ C. Các đỉnh núi luôn chìm trong mây mù, tạo nên một cảnh sắc vô cùng huyền ảo. Mường Lống hiện nay có 15 bản với hơn 600 hộ dân tộc Mông sinh sống, chỉ có một số ít gia đình người Kinh dưới xuôi lên sinh sống ở bản trung tâm của xã.

Địa chỉ chúng tôi đến là Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống tại bản Mường Lống 1. Trước mắt chúng tôi là những tốp công nhân dân tộc Mông đang chăm chỉ lao động trên các triền núi, trong những vườn cây dược liệu xanh mướt với đủ loại khác nhau. Tổng giám đốc (TGĐ) công ty - ông Lầu Chia Lồng vui vẻ tiếp khách và dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây dược liệu của công ty đang mùa thay lá. Ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe những thành quả cũng như những khó khăn mà bản thân ông, công ty, cũng như đồng bào nơi đây đã phải trải qua để có được như ngày hôm nay.
Là một người con dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, ông Lầu Chia Lồng thuộc làu từng ngọn núi, từng nóc nhà cũng như những tập tục trong sinh hoạt và lao động sản xuất. Ở bản Mường Lống, bà con hầu hết đều trong cùng dòng họ, là những người anh em của ông. Bản thân ông trước đây công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện. Trước thực trạng đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, do lúng túng trong việc "trồng cây gì, nuôi con gì", ông luôn trăn trở phải làm thế nào phát huy được thế mạnh của địa phương giúp đồng bào thoát khỏi đói nghèo, có thu nhập ổn định. Điều quan trọng hơn là tránh được tình trạng di cư tự do, xuất cảnh trái phép sang Lào hoặc tham gia vào các hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy, tái trồng cây thuốc phiện.
Ông nhớ lại, từ những năm 1990, nhắc đến Mường Lống là người ta nghĩ ngay đến thủ phủ của cây thuốc phiện, bởi hầu hết các gia đình trong xã có vườn trồng cây thuốc phiện. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn lợi dụng những khó khăn về cuộc sống và những hạn chế trong nhận thức của đồng bào để lừa phỉnh, tác động, lôi kéo vào những hoạt động vi phạm pháp luật, đặc biệt là hoạt động chống đối chính quyền, hòng phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, đi ngược lại với chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Trong thời gian công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ông Lồng có điều kiện nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng và điều kiện thời tiết tại đây rất phù hợp với sự phát triển của các loại cây dược liệu. Ông đã mạnh dạn báo cáo, đề xuất với cấp trên cho thành lập công ty chuyên phát triển các loại cây dược liệu quý ngay tại mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, đồng thời tạo việc làm ổn định cho bà con. Được sự đồng ý và giúp đỡ của các cấp lãnh đạo và chính quyền địa phương, đầu năm 2015, Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống do ông làm Tổng giám đốc được thành lập.
Đến nay, công ty đã cơ bản xây dựng xong cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động lao động sản xuất. Nhìn những vườn cây dược liệu phát triển xanh tốt ngay trên những mảnh đất mà trước đây là vườn cây thuốc phiện, ông Lồng cảm thấy vui mừng và nói, đây có lẽ là thành công lớn nhất của ông. Hiện, Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống quản lý 130ha đất rừng. Ngoài số lao động thường xuyên, hàng năm công ty còn giải quyết hàng trăm lượt lao động có thu nhập ổn định là bà con dân bản tại địa phương.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhân viên kỹ thuật của công ty - anh Vàng A Giờ, sinh năm 1985, chia sẻ: "Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, cũng như nhiều sinh viên khác, tôi mong muốn tìm cơ hội việc làm ở Thủ đô. Trong một lần về quê, tình cờ được gặp ông Lầu Chia Lồng - TGĐ Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống và đã được nhận vào làm việc tại đây. Được làm đúng chuyên ngành, lại được làm việc gần nhà, có thu nhập ổn định nên tôi có điều kiện chăm sóc gia đình. Bản thân rất phấn khởi, yên tâm công tác, hứa sẽ đem những kiến thức đã học được ở trường để xây dựng và phát triển công ty, phục vụ bà con, dân bản".
Theo ông Lầu Chia Lồng, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào những năm gần đây đã có những thay đổi và cải thiện vượt bậc. Đường ô tô được trải nhựa đã về tận trung tâm xã, đường bê tông và hệ thống điện lưới đã về tận thôn, bản. Công tác giáo dục, y tế, an sinh xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự trong những năm gần đây có những diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến một bộ phận không nhỏ đồng bào tại địa phương. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và cuộc sống khó khăn của đồng bào, số đối tượng xấu lừa gạt, kích động, xúi giục, lôi kéo đồng bào tại Mường Lống và nhiều xã khác ở huyện Kỳ Sơn bán nhà cửa, trâu bò để di cư trái phép sang Lào.
Tuy nhiên, cuộc sống ở trên đất Lào không như đồng bào mơ tưởng mà ngược lại, thật trớ trêu: Không nhà cửa, không nghề nghiệp, không đất sản xuất, tội phạm hoành hành và đủ các loại bệnh tật. Đã có nhiều hộ dân quay trở về Việt Nam được sự hỗ trợ của chính quyền và sự bao bọc của bà con dân bản. Ở tỉnh Xiêng Khoảng, Xây Xổm Bun và vùng phụ cận vẫn còn tồn tại những nhóm, cụm phỉ hoạt động khá ráo riết.
Thời gian qua, chúng thực hiện gây rối tình hình an ninh chính trị của Lào trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ X, bọn phản động và phỉ Lào đã tiến hành hàng loạt vụ phục kích, gài mìn gây nổ tại địa bàn tỉnh Xay Xổm Bun và Xiêng Khoảng, làm chết và bị thương nhiều người, gây tâm lý hoang mang cho một bộ phận đồng bào dân tộc Mông ở Lào và đồng bào dân tộc Mông ở Kỳ Sơn. Trong khi đó, số đối tượng xấu trong nước lợi dụng kích động, lôi kéo, xúi giục đồng bào vào các hoạt động chống Đảng, Nhà nước nhằm phục vụ ý đồ đen tối của chúng.
Trước tình hình đó, ông Lồng đã ra sức tuyên truyền cho đồng bào, trước hết là những người trong gia đình, dòng họ, cùng thôn bản, động viên bà con yên tâm sản xuất, không được nghe và làm theo lời kẻ xấu, không được di cư tự do, không được trồng cây thuốc phiện và mua bán, vận chuyển chất ma túy, cần phải giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc theo đúng chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ông Lầu Chia Lồng cho rằng, để giải quyết những khó khăn, phức tạp trên, chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể cần phải có giải pháp đồng bộ, đồng thời, phát huy vai trò tích cực của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Đặc biệt phải xây dựng được thế trận lòng dân, thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó, lực lượng BĐBP phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh, biên giới quốc gia, kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, để bản làng mãi được bình yên.
Lê Xuân Trình