Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 10/09/2024 12:53 GMT+7

Thu hẹp khoảng cách giới

Biên phòng - 5 năm qua, thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã tăng gấp đôi và thu nhập của gia đình DTTS có chủ hộ là nữ luôn cao hơn so với chủ hộ là nam; tỷ lệ trẻ em gái đi học đúng tuổi tăng 15,9%; 86,4% phụ nữ DTTS trong độ tuổi sinh sản được sinh con tại cơ sở y tế đạt chuẩn; 93,5% phụ nữ DTTS tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ người DTTS tảo hôn đã giảm từ 26,6% xuống còn 21,9%...

Những con số trên là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em người DTTS.

Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cũng ghi nhận những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong các vùng DTTS và miền núi của Việt Nam, nơi sinh sống của gần 14 triệu người thuộc 53 DTTS. Nhiều chỉ số về tài sản, tiếp cận các dịch vụ cơ bản đã cải thiện đáng kể cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương trong vùng đạt bình quân 7%/năm.

Nỗ lực trên đặt trong bối cảnh vùng DTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước, hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, tỷ lệ hộ DTTS nghèo chiếm 57,16% tổng số hộ nghèo của cả nước. Đặc biệt, trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ.

Đây cũng là nguyên nhân khoảng cách giới trong đồng bào DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh vẫn tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Đáng lo ngại là tỷ lệ lao động người DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên chỉ khoảng 10% và chủ yếu là nam giới. Hạn chế này khiến phụ nữ DTTS khó tiếp cận thị trường lao động và nâng cao năng suất lao động tạo thu nhập. Hệ quả là phụ nữ DTTS làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương, lao động gia đình không hưởng lương chiếm đa số trong cơ cấu lao động vùng DTTS.

Các chuyên gia của UN Women quan ngại, với những phụ nữ DTTS yếu thế không đáp ứng được các điều kiện tuyển dụng của các nhà máy, doanh nghiệp đã tìm việc làm bất hợp pháp ngoài biên giới ngày càng phổ biến. Cùng với đó, tình trạng tảo hôn trong đồng bào DTTS giảm chưa đáng kể, thậm chí tiếp tục tăng trong một số dân tộc như Mông (51,5%), Cơ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%)... Trong đó, tỷ lệ tảo hôn của nữ DTTS luôn cao hơn nam giới, với tuổi kết hôn trung bình là 15,8 tuổi.

Theo các chuyên gia, những vấn đề giới nêu trên không chỉ kìm hãm sự phát triển phụ nữ, mà còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi nhiều người là nạn nhân bị mua bán, bị bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục.

Trên tinh thần tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều chuyên gia kỳ vọng việc triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 sẽ giúp phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, để giải quyết một cách toàn diện những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ DTTS, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường cơ hội cho phụ nữ DTTS được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế, thị trường lao động, nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ.

Muốn vậy, các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới phải được lồng ghép một cách nghiêm túc trong các kế hoạch của ngành và địa phương, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo nguồn lực tài chính cho bình đẳng giới.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO