Biên phòng - Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long hiện sinh sống ở hầu khắp các tỉnh Nam bộ: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và Bến Tre. Ngày Tết Chol Chnam Thmay vào ngày trăng tròn tháng 4 dương lịch hằng năm mở đầu cho năm mới theo lịch Khmer là dịp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng nhất của họ. Năm nay, dịp Tết Chol Chnam Thmay buộc phải điều chỉnh quy mô và cách tổ chức để phòng tránh dịch Covid-19.
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang có thông báo các huyện, thành phố, doanh nghiệp, cơ sở đối tác kinh doanh không được tổ chức các đoàn đi chúc Tết Chol Chnam Thmay năm 2020 sang các tỉnh, thành tại Campuchia. Mặt khác, tỉnh Kiên Giang quyết định tạm dừng tổ chức các lễ hội, các hoạt động đông người, để chào đón dịp lễ, tết này, giảm quy mô việc tổ chức tết, kể cả ở dòng họ, gia đình. Các thân nhân, đối tác và đơn vị kết nghĩa gửi thư ngoại giao thay vì chung vui tận nơi.
Không chỉ Kiên Giang, toàn bộ các tỉnh Nam bộ đã hủy kế hoạch dự lễ Chol Chnam Thmay vào giữa tháng 4 này. Như vậy, lần đầu tiên, lối sống tín ngưỡng văn hóa của rất nhiều các dân tộc thiểu số, điển hình là lễ Chol Chnam Thmay bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Các địa phương có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đều tuyên truyền đến các vị sư sãi trụ trì các chùa Khmer và khuyến cáo họ có biện pháp hướng dẫn phật tử tham gia phòng chống dịch. Đáp ứng chủ chương chống dịch toàn dân, các ngôi chùa Khmer thường vẫn đóng vai trò quy tụ các phật tử, đoàn kết tôn giáo đã tiến hành vận động, tuyên truyền các tín đồ, tăng ni, phật tử và nhân dân hiểu rõ về dịch bệnh, đưa ra các biện pháp phòng bệnh hợp lý.
Các ngôi chùa thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang nơi công cộng có tập trung đông người, nơi thờ tự. Trong đó, trước mắt là việc tạm dừng hoặc hạn chế tổ chức đại hội, hội nghị, lễ hội tôn giáo thường niên. Nếu có thể thì thay đổi sinh hoạt tôn giáo thuyết pháp trực tuyến qua internet. Đây cũng là dịp để các lực lượng chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ trương chống dịch của Nhà nước. Về cơ bản, đó cũng là một mục tiêu của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đối với tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc, các đơn vị BĐBP đóng quân trên địa bàn không quên chia vui với đồng bào Khmer mỗi dịp tết Chol Chnam Thmay hằng năm. Hằng năm, các đơn vị tổ chức đoàn thăm hỏi chúc mừng đơn vị bảo vệ biên giới và tặng quà, dự lễ, chung vui với bà con Khmer trên địa bàn. Tuy nhiên, mọi hoạt động tập trung đông người trong dịp Tết Chol Chnam Thmay 2020 sẽ buộc phải dừng lại để tập trung phòng, chống dịch bệnh.
Theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu xã hội, khi trong xã hội càng xảy ra những điều không mong muốn như thiên tai, dịch bệnh thì con người càng có nhu cầu đặt niềm tin vào tôn giáo để có thêm sức mạnh. Vì vậy, với số đông dân chúng, cần thiết phải có sự hướng dẫn phòng dịch và tuân thủ nguyên tắc phòng dịch mới tránh được những hậu quả không mong muốn.
Với cộng đồng người Khmer Nam bộ, đặc điểm tình hình thời tiết nắng nóng và khô, người dân rất ít khi phải đối mặt với dịch bệnh viêm đường hô hấp nên sự chủ quan là không tránh khỏi. Lúc này, vai trò của lực lượng y tế địa phương và BĐBP ở các vùng biên càng phải phát huy cao nhất. Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3, của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại sẽ tạm thời đóng cửa từ 0 giờ, ngày 1-4. Nhiệm vụ của các đơn vị Biên phòng càng thêm nặng nề, ngoài kiểm soát chặt chẽ các đường mòn qua biên giới, còn tăng cường tuyên truyền cho nhân dân đồng thuận và chấp hành nghiêm. Bắt đầu ngay từ bây giờ, các cộng đồng người Khmer phải tự giới hạn tụ tập đông người và thực hiện cách ly toàn xã hội.
Thụy Văn