Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:08 GMT+7

Thông điệp từ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu

Biên phòng - Cuối tuần qua, người dân các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đi bỏ phiếu để bầu ra những người đại diện cho quốc gia họ tại Nghị viện châu Âu. Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử cho thấy, đã có sự dịch chuyển lớn trong nội bộ Nghị viện châu Âu.

dv3u_11a
Người dân bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu tại một điểm bỏ phiếu miền Tây Bắc nước Pháp, ngày 26-5. Ảnh: AFP

Theo đó, khối đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Liên minh Chủ nghĩa xã hội và dân chủ (S&D) vẫn giành đa số ghế lần lượt là 179 ghế và 150 ghế. Liên minh Tự do và Dân chủ cho châu Âu (ALDE) giành 107 ghế; đảng Xanh/Liên minh tự do châu Âu (Greens/EFA) giành 70 ghế; đảng Bảo thủ và cải cách châu Âu (ECR) có 58 ghế; đảng châu Âu vì tự do và dân chủ trực tiếp (EFDD) giành 56 ghế; đảng Cánh tả thống nhất châu Âu/Cánh tả xanh Bắc Âu (GUE/NGL) có 38 ghế; đảng châu Âu của các quốc gia và người tự do (ENF) giành 58 ghế; 35 ghế còn lại thuộc về các nghị sĩ trung lập và không liên kết đảng. Tổng số ghế trong Nghị viện châu Âu là 751 ghế.

Kết thúc cuộc bầu cử, khối đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Liên minh Chủ nghĩa xã hội và dân chủ (S&D) truyền thống đã mất một số ghế đáng kể trong Nghị viện châu Âu, trong khi liên minh các đảng Xanh và đảng Tự do (khối đảng muốn cải cách, đổi mới châu Âu) đã vươn lên mạnh mẽ, chiếm đến 9,32% số phiếu bầu, hầu hết số phiếu giành được là từ nước Đức - mức tăng rất lớn so với năm 2014 khi chỉ chiếm được 50 ghế. Tại Vương quốc Anh - quốc gia chuẩn bị rời khỏi EU, đảng Dân chủ tự do thân EU cũng giành được kết quả vượt trội trong cuộc bầu cử. 

Bên cạnh đó, các đảng theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy cũng đã giành được số ghế cao hơn kỳ bầu cử trước, nhất là tại Pháp và Italy. Liên đoàn cực hữu do Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvili dẫn đầu cùng với đảng cực hữu của bà Marine Le Pen tại Pháp và đảng dân túy của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã giành được số phiếu cao đáng kể. Trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, ông Viktor Orban đã công khai tuyên bố kế hoạch xây dựng một liên minh cánh hữu châu Âu với mục đích cải tổ EU.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này cho thấy tiếng nói mạnh mẽ hơn của các cử tri châu Âu. Theo số liệu thống kê của EU, số cử tri tham gia bỏ phiếu lên tới 50,95% - con số cao nhất kể từ năm 1994. Nhiều nhà quan sát nhận định, con số chứng tỏ mức độ phổ biến của xu hướng chống nhập cư, hoài nghi châu Âu... Điều này cũng cho thấy thông điệp rõ ràng duy nhất dành cho Brussels đó là Liên minh châu Âu cần phải cải cách nếu muốn tồn tại. Nhưng việc cải cách như thế nào sẽ lại trở thành một trận chiến ngầm trong nội khối.

Nghị viện châu Âu được hình thành từ những nghị sĩ thuộc các quốc gia EU khác nhau. Trong những tuần tới đây, việc tập hợp, liên kết các đảng phái có cùng chí hướng trong Nghị viện châu Âu sẽ trở nên rất quan trọng, quyết định tương lai của lục địa trong bối cảnh chính trị châu Âu đang bị chia rẽ nặng nề. Trước tiên, với bộ máy mới, Nghị viện châu Âu sẽ cần phải bầu ra Chủ tịch Ủy ban châu Âu mới. Ngoài ra, ngày 31-10 tới - thời hạn cuối cho Anh rời EU, Nghị viện châu Âu cũng sẽ phải đưa ra quyết định lớn về thỏa thuận Brexit.

Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu lần này cũng đã phần nào phản ánh chính xác sự chia rẽ không chỉ giữa 28 quốc gia thành viên EU, mà còn cả sự chia rẽ trong nội bộ từng quốc gia, khi người dân EU đi bỏ phiếu như một cách để phản đối chính sách của quốc gia họ.

Liên minh châu Âu đang đứng trước nhiều ngã rẽ, con đường phía trước dường như mù mờ hơn, bởi người dân EU không hào hứng đồng ý với những quyết sách của EU. Từ kết quả trên cho thấy, EU cần khỏa lấp khoảng trống lãnh đạo đang chệch hướng trong thời gian qua.

Hà Thu

Bình luận

ZALO