Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 03:09 GMT+7

Thông điệp chuyến đi châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Biên phòng - Trong bối cảnh tình hình Biển Đông “nóng” lên do các hành động đơn phương của Trung Quốc, chuyến thăm Ấn Độ và Phi-líp-pin của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A-xtơn Ca-tơ được xem là một thông điệp đầy ý nghĩa của Mỹ. Tại hai điểm dừng chân này, người đứng đầu Lầu Năm Góc và lãnh đạo nước sở tại đều tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh, tự do hàng hải và các chuyến bay trên khắp khu vực, trong đó có Biển Đông.

e8ixvpj1hy-47561_b86c6678-faaa-72ee-6adb-194bcac23d3e@yahoo.com_160415DDT527448
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ca-tơ (thứ 2 từ trái sang) và người đồng cấp Phi-líp-pin Vôn-te Ga-dơ-min (thứ 2 từ phải sang) thăm tàu tàu sân bay USS John C. Stennis đang neo đậu trên Biển Đông. Ảnh: AFP

Củng cố quan hệ quân sự

Đây là chuyến công du Ấn Độ lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Ca-tơ đã tới thăm căn cứ hải quân Karwar, tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ và siêu hạm USS Blue Ridge, tàu chỉ huy của Hạm đội 7 của Mỹ vừa đến thăm cảng Goa của Ấn Độ hồi đầu tháng này. Ông khẳng định Mỹ ủng hộ Ấn Độ tăng cường số lượng tàu chiến và cho rằng Ấn Độ sẽ trở thành nhân tố đảm bảo cho an ninh khu vực.

Ông chủ Lầu Năm Góc cũng tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao nhằm củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ. Với địa thế quan trọng nằm ở cửa ngõ của Ấn Độ Dương, Ấn Độ là quốc gia có thể giúp Mỹ kết nối xuyên đại dương với các đồng minh như Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, thúc đẩy chính sách tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Ma-ni-la, ông Ca-tơ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên quan sát cuộc tập trận chung hàng năm mang tên “Balikatan” (Vai kề vai) có sự tham gia của khoảng 8.000 nhân viên quân sự Mỹ, Phi-líp-pin và Ô-xtrây-li-a. Cuộc tập trận năm nay bao gồm cả tập trận giữa các lực lượng hải quân chung, thủy quân lục chiến và một mô phỏng liên quan đến việc đánh chiếm lại một hòn đảo ở Biển Đông bị xâm chiếm bởi một quốc gia giấu tên.

Ông Ca-tơ cũng đến thăm hai trong số 5 căn cứ quân sự tại Phi-líp-pin, trong đó có một căn cứ giáp với Biển Đông, và dẫn đầu nhóm quan chức an ninh Mỹ và Phi-líp-pin lên tàu sân bay USS John C. Stennis chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ đang triển khai ở Biển Đông.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng tuyên bố các lực lượng của Mỹ và Phi-líp-pin đã tiến hành tuần tra chung trên biển từ tháng 3 vừa qua và sẽ sớm bắt đầu triển khai hoạt động tuần tra trên không ở khu vực Biển Đông. Mỹ sẽ duy trì gần 300 binh sĩ, bao gồm cả lính đặc công của lực lượng không quân được trang bị máy bay chiến đấu và trực thăng tại Phi-líp-pin đến cuối tháng này, đồng thời thành lập một Trung tâm Chỉ huy tác chiến ở Phi-líp-pin để điều phối các hoạt động chung. Mỹ cũng tăng cường luân chuyển quân đội tại đây với tần suất thường xuyên hơn để thúc đẩy huấn luyện và hỗ trợ các hoạt động quân sự trong khu vực.

Đây là lần đầu tiên Mỹ công khai khẳng định tàu chiến Mỹ đã tiến hành tuần tra trên Biển Đông với Phi-líp-pin, một hoạt động hiếm hoi mà Mỹ ít khi thực hiện với các đối tác khác trong khu vực. Sự hiện diện của lực lượng Mỹ ngày càng tăng ở Phi-líp-pin là một phần trong chiến dịch mở rộng của Mỹ nhằm tăng cường sự hỗ trợ cho Ma-ni-la cũng như thúc đẩy trợ giúp các đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông. Ông Ca-tơ cho rằng việc phối hợp tuần tra sẽ cải thiện năng lực cho hải quân Phi-líp-pin, đóng góp cho sự an toàn và an ninh của khu vực và mục đích của Mỹ là cố gắng giảm căng thẳng trong khu vực mà không hề có ý định khiêu khích quốc gia nào.

Thông điệp cứng rắn?

Chuyến thăm của ông Ca-tơ tới Ấn Độ và Phi-líp-pin diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng. Trước chuyến thăm này, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với kênh CNN rằng chuyến thăm của ông Ca-tơ chính là “một thông điệp về cam kết của Mỹ đối với hòa bình và ổn định tại khu vực này”, và “Biển Đông là mối quan tâm an ninh cốt lõi của Mỹ”, với cam kết mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho các đồng minh ở châu Á, nhất là Phi-líp-pin. Oa-sinh-tơn ngầm khẳng định rằng sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt về an ninh ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đề cập chuyến thăm châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trang tin “Globalresearch” (Mỹ) đăng bài viết của tác giả Pi-tơ Xai-mân, trong đó nhấn mạnh chuyến thăm Ma-ni-la của ông Ca-tơ lần này nhằm “gây dựng và củng cố các tiền đồn ở khu vực, đặt nền tảng cho hành động quân sự mới của Mỹ để đối phó với Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp ở khu vực”.

Nhằm thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á, chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma mới đây đã ký một thỏa thuận mới với Phi-líp-pin, theo đó viện trợ 40 triệu USD để tăng cường bảo vệ bờ biển của nước này và ủng hộ những vụ kiện của Phi-líp-pin về yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay, Hà Lan.

Thời gian qua, Trung Quốc không ngừng có các hoạt động bành trướng bằng các hành động xây dựng đảo nhân tạo và đưa các phương tiện quân sự đến Biển Đông. Ông Gre-go-ri Pâu-linh, Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là áp đặt cái giá phải trả cho bất cứ máy bay, tàu thuyền nào muốn ra vào Biển Đông. Và đó là điều không nước nào trên thế giới có thể chấp nhận.

Năm 2015, Mỹ đã lên án gay gắt các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay việc “khai hoang” và quân sự hóa khu vực này. Đến nay, Hải quân Mỹ đã hai lần cho tàu khu trục di chuyển trong giới hạn lãnh hải 12 hải lý xung quanh một hòn đảo mà Trung Quốc nói rằng họ có quyền chiếm giữ với lý do… đảm bảo tự do hàng hải.

Mới đây, Oa-sinh-tơn đã gây áp lực mạnh với Bắc Kinh bằng cách củng cố tuyên bố cứng rắn tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) ở Nhật Bản, trong đó bày tỏ phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động hăm dọa, cưỡng chế hay khiêu khích đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia ngừng ngay các hoạt động cải tạo đất và xây dựng tiền đồn cho mục đích quân sự. Đây là lần đầu tiên nhóm G-7 đưa ra một tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông.

Trong bài viết trên tờ “Thời báo Tài chính” (Mỹ), Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Giôn Mác Kên tuyên bố Trung Quốc đã hành động “không giống với một bên liên quan có trách nhiệm” theo luật tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh “nếu Trung Quốc tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông thì Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng để thách thức tuyên bố này ngay lập tức bằng cách triển khai bay máy bay quân sự trong khu vực bị ảnh hưởng theo các thông lệ quốc tế”.

Như Trung

Bình luận

ZALO