Biên phòng - Ngày 28-5, Đảng ủy BĐBP tổ chức thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII nhằm kịp thời thông tin định hướng nhận thức, tư tưởng, giúp cán bộ, đảng viên có cơ sở nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết, kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa quyết nghị.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP chủ trì và trực tiếp thông báo kết quả tới toàn thể đảng viên.
Dự nghe thông báo có Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP, các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tư lệnh, các đồng chí nguyên là thủ trưởng Bộ Tư lệnh, các đồng chí thủ trưởng Bộ Tham mưu, các Cục, Văn phòng Bộ Tư lệnh và cán bộ sỹ quan Cơ quan Bộ Tư lệnh từ cấp thiếu tá trở lên.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết: Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra từ ngày 7 đến 12-5-2018, tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ các nội dung chương trình đề ra.
Dự Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có 226 đại biểu, gồm 177 ủy viên Trung ương Đảng chính thức, 20 đại biểu dự khuyết và 29 khách mời.
Hội nghị đã thảo luận cho ý kiến về các nội dung quan trọng gồm: Đề án về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Đề án về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, Hội nghị còn cho ý kiến về báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; Báo cáo các công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017; một số vấn đề về công tác cán bộ.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến đã thông báo các kết quả chính, tập trung vào 4 vấn đề cơ bản gồm: Đề án về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án Cải cách tiền lương; Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và một số vấn đề về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Ban chấp hành Trung ương.
Trong đó, đối với Nghị quyết “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Trung ương xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 2 trọng tâm và 5 đột phá.
2 trọng tâm bao gồm: Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Thứ hai là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Về Đề án: “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, thay đổi lớn nhất là ban hành hệ thống bảng lương mới đối với khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường. Hệ thống bảng lương mới sẽ được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở.
Trong đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Vấn đề cải cách chính sách bảo hiểm được cụ thể hóa qua nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 với mục tiêu tổng quát là: Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Bích Nguyên