Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 03:00 GMT+7

Thổn thức Dục - Nông

Biên phòng - Lá thư của cô bé ấy khiến tôi cứ thổn thức mãi về hành trình “gieo chữ” nơi vùng biên Dục - Nông của người lính Biên phòng: “Là một trong những hộ nghèo của xã, gia đình đông anh em, cơ hội đến trường của cháu rất ít. Nhưng chính nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các chú đã tạo cơ hội và tiếp thêm sức mạnh để cháu có thể đến trường và hoàn thành chương trình học phổ thông...”. Gần 30 năm trong sự trải nghiệm của người cầm bút, “xuôi - ngược” với đất rừng Tây Nguyên, Dục - Nông luôn hiện diện trong tôi những nét đẹp tình người.

Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy BĐBP Kon Tum trao quà cho học sinh nghèo trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Thái Kim Nga

Nhớ thời biên cương “thèm lắm một câu cười...”

Từ thị trấn Plei Kần của huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) xuôi ra hướng Bắc khoảng 30km là đến ngã 3 Đắk Dục, một khu thị tứ khá sầm uất nằm trên con đường huyền thoại mang tên Bác - đường Hồ Chí Minh. Như một lẽ tự nhiên, mỗi lần ngang qua đây, tôi lại nhớ về cái thời mới vào nghề báo, theo chân những người lính Biên phòng xuống các thôn làng người đồng bào dân tộc thiểu số Dẻ - Triêng dạy chữ.

Ngày đó, không riêng Dục - Nông (xã Đắk Dục và Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi) mà gần như cả vùng biên mông mênh nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ đều như vậy - bình yên, vắng lặng đến thèm nghe một câu cười của... người dưng. Chả thế mà trong lần đi thực tế sáng tác, bất chợt được nghe giọng ca của một người con gái, nhạc sĩ Vũ Thiết đã thổn thức: “Nghe câu quan họ trên cao nguyên, ngỡ con sông Cầu dập dềnh trước mắt, rừng đung đưa giọng em khoan nhặt, gió trên đồi như thực như mơ...”. Biên cương lúc bấy giờ vắng lặng vô cùng, chỉ có lính Biên phòng và một số ít giáo viên bám trụ để vừa “xới đất”, vừa “chọc lỗ”, vừa “tra hạt giống” gieo nên những “con chữ” đầu tiên trên dãy Trường Sơn kể từ sau ngày đất nước được giải phóng. Những con người ấy cứ như vậy, cần mẫn, dẻo dai và bé nhỏ trong một sứ mệnh lớn - chung tay “nhóm lửa” thắp sáng vùng biên.

Tôi luôn xem những “thầy giáo mang quân hàm xanh” một thời như Lê Minh Chính (hiện là Đại tá, Chính ủy BĐBP Kon Tum); Phạm Xuân Bốn, Đinh Thanh Kỳ, Nguyễn Văn Hội, Lê Thanh Toàn và nhiều người khác nữa là những người lính ngự lâm quân “chính hiệu” bởi tính bền bỉ, lòng quả cảm và trung thành giữa miền biên Bắc Tây Nguyên đầy thử thách. Họ chính là người thầy đầu tiên, mài dũa nên những “viên ngọc thô” như A Khẩu, Y Nghệ, Y Da, A Hà, A Mon, A Thái... từ những đứa trẻ không biết chữ trở thành cán bộ lãnh đạo xã biên giới có năng lực và đầy trách nhiệm. Cùng với đó là hàng chục sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng BĐBP Kon Tum, nhiều giáo viên, công chức xã đang miệt mài cống hiến cho đất rừng biên giới, tất cả đều có chung bước “xuất phát điểm”, đó là được tiếp cận “con chữ” đầu tiên từ những người lính Biên phòng.

Cái thời “biên cương thèm lắm một câu cười” hóa ra rất lãng mạn nhưng cũng đầy tính hiện thực. Cứ ngỡ mở lớp xóa mù cho dân đọc được chữ, làm được những phép tính đơn giản nhất, thế nhưng trong vòng tay yêu thương của “Thầy giáo quân hàm xanh”, những mầm non xưa ấy giờ đã trở thành trụ cột chính trong “mái nhà” biên giới.

“Gieo chữ” trong vai trò người đồng hành, sẻ chia

Đất nước phát triển, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác giáo dục trên địa bàn biên giới tỉnh Kon Tum được đầu tư xây dựng hoàn thiện, bài bản hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, những người lính Biên phòng trên miền biên giới Bắc Tây Nguyên không còn trực tiếp đứng lớp dạy chữ cho bà con nhân dân.

Mặc dù vậy, hành trình “gieo chữ” của người lính nơi đây vẫn tiếp diễn với vai trò là người đồng hành sẻ chia. Trước khi thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, những mô hình trợ giúp học đường như “Địa chỉ đỏ”, “Hũ gạo tình quân dân” đã được các đơn vị BĐBP Kon Tum triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo thêm cơ hội cho trẻ em nghèo trên biên giới được cắp sách đến trường.

Trở lại câu chuyện lá thư của Y Son, cô học trò nhỏ năm xưa ở thôn Tà Bók, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) hiện đã là tân cử nhân ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Liệu có muộn không khi phải chờ 4 năm hoàn thành chương trình học đại học cô gái ấy mới viết thư cảm ơn người lính Biên phòng? Bởi, nguồn hỗ trợ trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” chỉ duy trì cho các cháu học hết chương trình phổ thông.

“Không chú ạ, lòng biết ơn các chú BĐBP thì lúc nào cháu cũng ghi tạc. Điều cháu muốn đó là phải đáp ứng lòng mong mỏi của các chú, nó giống như sự báo hiếu của người con dành cho cha mẹ vậy. Cháu muốn báo công với các chú BĐBP bằng tấm bằng cử nhân loại giỏi như một lời tri ân sâu sắc nhất. Chương trình trợ giúp đầy tính nhân văn này của Đồn Biên phòng Dục Nông đâu phải dành riêng cho cháu mà còn có nhiều đứa trẻ nghèo trong làng, trong xã cần được tạo cơ hội để được cắp sách đến trường” - Y Son chia sẻ từ tận đáy lòng mình.

Tân cử nhân Y Son (bên trái) trò chuyện với cán bộ Đồn Biên phòng Dục Nông. Ảnh: Thái Kim Nga

Vâng, sự trợ giúp của lính Biên phòng quý hóa làm sao nhưng cũng chỉ mang tính thời điểm. Nó giống như công việc của người lái đò chuyên chở người qua khúc sông sâu, sau đó lại quay về bến cũ để tiếp tục chuyến đi khác. Y Son tâm sự với tôi rằng 500 ngàn đồng/tháng mà Đồn Biên phòng Dục Nông trợ giúp cho cô trong 3 năm học cấp 3 không chỉ giải quyết một số khó khăn gặp phải, mà còn là lời thúc giục động viên, gợi mở tinh thần hiếu học trong mỗi đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn như cô.

Tính từ năm 2016 đến nay, thông qua chương trình “Nâng bước em tới trường”, lực lượng BĐBP Kon Tum đã trích 1,340 tỷ đồng hỗ trợ 355 lượt học sinh nghèo trên địa bàn biên giới. Cùng với đó, Bộ chỉ huy BĐBP Kon Tum tiếp nhận số tiền 1,710 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, đơn vị kết nghĩa để trao tặng các xuất học bổng, tặng quà, đồ dùng học tập... cho các cháu trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Như vậy, đã có thể khẳng định mô hình trợ giúp học đường đầy tính nhân văn của người lính Biên phòng đang từng bước được nhân rộng, mang tính xã hội hóa ngày càng sâu hơn.

Từ câu chuyện của những người lính “gieo chữ” trên dãy Trường Sơn hùng vĩ thời biên cương còn thèm lắm một câu cười, đến lời tri ân sâu sắc như sự báo hiếu trong lá thư của cô học trò nhỏ Y Son - tân cử nhân ngành Giáo dục tiểu học, đó là hành trình rất dài, với những nét đẹp làm thổn thức lòng người.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin được trích nguyên văn lời cuối trong lá thư của Y Son: “... Trong niềm biết ơn sâu sắc, cháu kính chúc các chú BĐBP tỉnh và các chú bộ đội Đồn Biên phòng Dục Nông dồi dào sức khỏe, tràn đầy năng lượng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc đường biên giới của Tổ quốc và luôn có sức khỏe tốt, cùng với các cơ quan tổ chức khác phòng chống được dịch bệnh Covid-19. Chúc Đồn Biên phòng Dục Nông luôn phát triển, giữ vững niềm tin của nhân dân, giúp đỡ nhiều hơn nữa những học sinh nghèo như cháu”.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO