Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 01:57 GMT+7

Thói quen khởi đầu kinh tế tuần hoàn

Biên phòng - Cùng với gia tăng dân số, phát triển kinh tế, tiêu dùng tăng cao kéo theo phát sinh một lượng chất thải lớn. Quản lý chất thải trở thành áp lực lớn đối với quá trình phát triển. Để giải quyết vấn đề này cần sự chung tay của các bên, đặc biệt, sự góp sức của mỗi người dân đến từ những hành động đơn giản nhất.

Thống kê cho thấy, lượng chất thải hàng ngày ở Việt Nam là 50.000 tấn, riêng tại các khu đô thị là 35.000 tấn/ngày. Đáng chú ý là 80% khối lượng rác này được xử lý chủ yếu bằng chôn lấp. Nếu không chuyển đổi sang mô hình hiệu quả hơn, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ không còn đất để chôn lấp rác.

Trong khi số lượng rác thải tăng nhanh thì việc thu gom và xử lý đang là thách thức lớn. Rất nhiều vùng nông thôn, ven đô thị, chất thải hiện chưa được thu gom, tự do thải ra ven đường, đồng ruộng, sông biển hoặc người dân tự ý gom đốt mỗi ngày. Đây có thể xem là một ẩn họa đối với môi trường và sức khỏe của những người sống xung quanh.

Với mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện các cam kết với quốc tế, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực từ chính sách đến thực tiễn trong quản lý chất thải. Trong đó, quan trọng nhất là quản lý chất thải theo hướng coi chất thải là tài nguyên; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong các hoạt động tái chế, xử lý chất thải; thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải đi đôi với hạn chế sử dụng các chất độc hại, khó tái chế, khó phân hủy tự nhiên.

Thực tế, nhiều loại phế phẩm nông nghiệp đang được rao bán với mức giá cao bất ngờ trên các trang thương mại điện tử trong nước. Đây đều là những phế phẩm nông nghiệp tưởng chừng bỏ đi không ai lấy như: trấu tươi có giá 8.000 đồng/kg; rơm khô 23.000 đồng/kg; vỏ trứng gà 25.000 đồng/kg... Trong khi đó, chỉ tính riêng lượng rơm rạ sau khi thu hoạch lúa ở nước ta đang bị đốt bỏ rất lãng phí lên tới 42,3 triệu tấn mỗi năm.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 quy định, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Nhiều nhà hoạt động môi trường kỳ vọng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, sẽ định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Song để có thể xây dựng thành công nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm chất thải, người dân cần tích cực hưởng ứng các hoạt động triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bền vững.

Thế nhưng, ngay từ hành động nhỏ nhất đối với việc quản lý chất thải chính là thay đổi hành vi xả thải và phân loại rác tại nguồn đang gặp rất nhiều trở ngại, chưa nhận được sự đồng hành của người dân.

Đến thời điểm này, hầu hết người dân ở các đô thị vẫn chưa phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nhiều người đang quan niệm cái gì không xài được thì vứt đi mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống. Thậm chí, nhiều người còn nhận thức sai về việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện, khiến việc xử lý rác thải càng khó khăn hơn.

Đã đến lúc phải biến lời nói thành hành động và mỗi người cần thực hiện vai trò của mình để góp phần bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung vào thay đổi nhận thức và hành vi của thế hệ trẻ là những người tiên phong mang đến sự thay đổi tích cực cho cộng đồng thông qua sự sáng tạo và tinh thần chủ động của họ.

Thực tế, đại dịch Covid-19 là một cơ hội để tái thiết những cộng đồng của chúng ta theo các mô hình bền vững nhằm tạo dựng một tương lai xanh hơn và tốt đẹp hơn cho tất cả. Và một trong những cách tiếp cận để đạt được điều này đó là việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn và xây dựng ý thức hệ sống xanh bền vững.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO