Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 04:09 GMT+7

Thổi linh hồn vào những tảng đá vô tri

Biên phòng - Đến với nghề tạc tượng rất tình cờ, thế nhưng, chị Lê Thị Hòa Bình (trú tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) đã khổ luyện thành tài, trở thành một trong những thợ lành nghề ở làng đá mỹ nghệ Non Nước. Và dường như, tuổi ngày càng lớn thì niềm đam mê gắn bó với đá trong chị Bình ngày càng cháy bỏng.

Đối với chị Lê Thị Hòa Bình, công đoạn khó nhất là thể hiện được “cái hồn” của bức tượng. Ảnh: Trúc Hà

Bén duyên với nghề

Làng đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) là làng nghề truyền thống nổi tiếng có tuổi đời hơn 300 năm. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nơi đây, những khối đá vô tri trở thành các tác phẩm nghệ thuật đầy tinh xảo. Những tác phẩm ấy không chỉ theo chân du khách đi khắp cả nước, mà còn ra thế giới.

Các sản phẩm từ đá ở làng nghề Non Nước rất đa dạng và phong phú. Từ những đồ dùng thông dụng trong đời thường như cái chày, cái cối..., đến những đồ trang sức tinh xảo, đủ các màu sắc như những chiếc vòng, chiếc nhẫn, chuỗi hạt, những con cóc chặn giấy...

Đặc biệt, du khách khi đến làng nghề còn được chiêm ngưỡng những pho tượng đá cực kỳ ấn tượng. Đó là tượng đức Phật, Thiên chúa giáo, tượng các vị thần, chân dung của những người nổi tiếng... được các nghệ nhân chạm trổ rất tỉ mỉ. Và khi nhắc đến những thợ đá lành nghề, người ta không thể không nhắc đến chị Lê Thị Hòa Bình, bởi chị là một trong số ít ỏi phụ nữ gắn bó với công việc tạc tượng ở đây.

Hôm chúng tôi đến, chị Bình tay đang cầm máy cặm cụi hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của bức tượng Phật Quan Âm Bồ Tát để kịp giao đơn hàng, thế nhưng chị vẫn niềm nở tiếp khách. Chị Bình quê ở Quảng Nam, ra thành phố Đà Nẵng học nghề may rồi quen biết và kết hôn với anh Lê Văn Thắng. Khi ấy, gia đình chồng chị Bình làm nghề điêu khắc đá ở làng đá mỹ nghệ Non Nước. Thấy công việc của chồng vất vả nên những lúc rảnh rỗi, chị thường phụ chồng đánh bóng những pho tượng.

Lúc làm công việc này, chị Bình luôn tò mò không hiểu sao từ khối đá to khổng lồ, chồng chị cũng như người thợ ở đây có thể tạo thành những bức tượng đẹp, có hồn như thế. Cảm thấy thích thú nên chị Bình rất muốn được học để theo nghề. Ngày chị Bình quyết định học nghề tạc tượng, nhà chồng ai cũng can ngăn, bởi công việc vất vả, nặng nhọc ấy vốn chỉ dành riêng cho đàn ông. Thế nhưng, chị vẫn nhất quyết đeo đuổi học nghề. Biết không thể ngăn cản được vợ nên chồng chị trực tiếp cầm tay, chỉ việc cho vợ.

Khổ luyện thành tài

Ngày đầu mới học việc, chị Bình không tránh khỏi việc máy, đục va quẹt vào tay làm cho bị thương. Tượng chị làm ra bị khách chê xấu, trả lại hoặc trả giá “bèo”. Vậy mà, mê tượng quá nên chị Bình nhất quyết không chịu bỏ nghề. Chị chịu khó học ngày, học đêm, không nản chí. Lúc thợ nghỉ ăn cơm trưa, ăn cơm tối thì chị vẫn cặm cụi ở xưởng. Dần dần, tay nghề của chị Bình được nâng lên và trở nên thành thục. Chị cẩn thận dựng được hình sao cho thật chuẩn, tỉ mỉ đẽo đường nét sắc sảo. Công đoạn khó nhất làm nên bức tượng là tạo được “cái hồn” của tượng chị cũng đã làm thành công.

Đến nay, chị Bình đã gắn bó với công việc tạc tượng được 22 năm và sức làm việc cũng như niềm đam mê với nghề luôn khiến nhiều người phải nể phục. Các tác phẩm của chị Bình chủ yếu là tượng trừu tượng. Tùy vào kích cỡ của mỗi bức tượng, để hoàn thành mỗi tác phẩm, chị Bình cần thời gian từ 10 - 15 ngày nhưng cũng có khi mất 2 - 3 tháng trời. “Mỗi khi hoàn thành một tác phẩm, tôi đều rất vui vì thành quả lao động của mình sau bao ngày cực khổ đã có kết quả. Đặc biệt, khi khối đá vô tri, vô hình bỗng trở thành một tác phẩm nghệ thuật thì niềm vui càng nhân đôi” - chị Bình chia sẻ.

Xưởng đá mỹ nghệ của vợ chồng chị Bình chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của khách. Các bức tượng của cơ sở chị Bình được khách hàng khắp nơi trong và ngoài nước đặt mua. Chị Bình kể, có lần, có 2 vợ chồng Việt kiều Mỹ đến xưởng nhà chị đặt mua tượng. Khi được biết, những bức tượng ở đây do chính bàn tay của chị Bình tạc, họ rất ngạc nhiên. Quá bất ngờ vì người tạc tượng là phụ nữ, vợ chồng Việt kiều nọ xin ở lại trong nhà để xem chị Bình cầm máy, đục đẽo làm tượng suốt nửa tháng trời.

Khi 2 bức tượng mà vợ chồng Việt kiều đặt mua được hoàn thành, họ đề nghị chị Bình khắc tên mình bên dưới bức tượng, bởi có đam mê với đồ đá đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên họ có được bức tượng từ bàn tay của người phụ nữ. “Tôi rất vui vì năng lực của mình được công nhận, tác phẩm của mình được trân trọng. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với nghề” - chị Bình xúc động bày tỏ.

Nhận xét về kĩ năng tạc tượng, nhiều người không tiếc lời khen ngợi dành cho chị Bình. Anh Lê Văn Thắng, chồng chị Bình, cũng là “người thầy đầu tiên” của chị cho biết, vợ anh là người có năng khiếu tạc tượng và học nhanh. Hiện nay, công việc tạc tượng tại xưởng chủ yếu do chị Bình phụ trách và có thêm thợ, còn anh lo công việc giao dịch bên ngoài, lúc nào rảnh, anh mới tham gia làm nghề.

Còn ông Trần Văn Xuất, chủ cơ sở đá mỹ nghệ Xuất Ánh (làng đá mỹ nghệ Non Nước) nhận xét: “Ở làng đá mỹ nghệ Non Nước cũng có nhiều phụ nữ làm đá, nhưng họ chủ yếu đánh bóng, làm các vật dụng đơn giản như: cối, chày hoặc làm các đồ trang sức đơn giản. Còn tạc tượng phải nhắc đến chị Bình. Chị Bình là một phụ nữ có tay nghề cao, không người phụ nữ nào trong làng có thể vượt qua được chị Bình”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO