Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:11 GMT+7

Thời cơ của ngành dệt may

Biên phòng - Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhu cầu tiêu thụ khẩu trang trên toàn cầu đã tăng mạnh, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng và giá tăng cao trong thời gian qua. Khẩu trang trở thành ngành công nghiệp bùng nổ tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam suy thoái nghiêm trọng do việc đứt nguồn cung nguyên liệu và bị tạm dừng các đơn hàng, mặt hàng khẩu trang đang thực sự là “cứu cánh” của nhiều doanh nghiệp dệt may trong khó khăn. Thực tế, từ đầu tháng 3 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang làm khẩu trang như một giải pháp để duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và giảm bớt thiệt hại.

Theo Bộ Công Thương, mỗi ngày, các doanh nghiệp dệt may trong nước sản xuất hơn 7 triệu chiếc khẩu trang y tế và hơn 6 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn, bình quân mỗi tháng có thể xuất khẩu khoảng 200 triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng khẩu trang lớn hơn rất nhiều. Là một nước xuất khẩu sản phẩm dệt may hàng đầu thế giới, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới.

Thậm chí, nhiều chuyên gia kinh tế ví sản xuất khẩu trang là “cỗ máy in tiền thời dịch bệnh” và đề nghị Chính phủ có chiến lược thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này.

Thực tế, ngoài hằng trăm triệu chiếc khẩu trang tiêu thụ trong nước, tính từ đầu năm đến ngày 19-4, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam hơn 415 triệu chiếc, trị giá hơn 63 triệu USD và 51 triệu chiếc không nhằm mục đích thương mại (biếu, tặng). Các sản phẩm khẩu trang của Việt Nam khá đa dạng, đáp ứng được hầu hết các phân khúc sản phẩm mà thị trường thế giới yêu cầu, trong đó có các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ... Nhu cầu tiêu thụ khẩu trang trên thế giới dự báo còn tăng cao, bởi số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đến thời điểm này đã trên ngưỡng 3,5 triệu người.

Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, nhiều chuyên gia khuyến cáo: Trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Vì vậy, công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh để người tiêu dùng quốc tế nhận biết được lợi ích và chuyển sang sử dụng khẩu trang vải, đồng thời biết đến năng lực sản xuất và chất lượng khẩu trang vải của Việt Nam.

Ngày 28-4, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, các thuốc điều trị Covid-19 và vật tư y tế; bỏ chế độ cấp giấy phép và cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu khẩu trang y tế không hạn chế số lượng, không bị ràng buộc về điều kiện xuất khẩu. Đây chính là “thời cơ” giúp ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn khẩu trang kháng khuẩn, nhất là tại thị trường châu Âu và châu Mỹ.

Thế nhưng, khẩu trang là mặt hàng có tính chất đặc biệt do liên quan tới sức khoẻ con người, nhất là trong dịch bệnh. Chất lượng, tiêu chuẩn không đảm bảo không những doanh nghiệp ảnh hưởng, mà còn hệ luỵ tới uy tín quốc gia. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế sẽ buộc phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng theo tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của EU, Mỹ... để tránh bài học một số quốc gia châu Âu kiện, đòi Trung Quốc bồi thường do nhập phải sản phẩm khẩu trang không đạt chất lượng.

Mặt khác, các doanh nghiệp dệt may không nên coi đây là mặt hàng chiến lược để đầu tư lớn, sản xuất ồ ạt. Bởi, dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu, song khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Cần xác định, khẩu trang là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao, thậm chí thị trường sẽ bão hoà khi thế giới chiến thắng đại dịch.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO