Biên phòng - Những năm qua, BĐBP Lai Châu đã triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ người dân phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nổi bật là việc đỡ đầu và nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP phát động năm 2016. Những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn đó đã lan tỏa yêu thương, thổi bùng lên khát vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em thiếu may mắn vùng biên cương. Phóng viên Báo Biên phòng (BP) đã phỏng vấn Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy BĐBP Lai Châu để hiểu rõ hơn những việc làm ý nghĩa của những người lính quân hàm xanh nơi đây.

- Thưa đồng chí, xuất phát từ nguyên nhân nào mà BĐBP Lai Châu triển khai các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em khu vực biên giới?
- Trong những năm qua, khu vực biên giới của tỉnh Lai Châu được quan tâm, đầu tư về phát triển KT-XH, văn hóa, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, có tới hơn 62% là hộ nghèo và cận nghèo. Cơ sở hạ tầng, KT-XH chậm phát triển, đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa; phong tục, tập quán của một số dân tộc còn lạc hậu, có nơi nhận thức của người dân về công tác giáo dục còn hạn chế, thiếu sự quan tâm đến việc học tập của con cái... Những khó khăn đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác giáo dục ở địa bàn biên giới tỉnh Lai Châu.
Xuất phát từ thực trạng trên, năm 2008, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu triển khai Chương trình “Hũ gạo tình thương”, phát động mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) BĐBP mỗi ngày bớt một phần khẩu phần ăn của mình để hỗ trợ các cháu học sinh khó khăn trên địa bàn xã biên giới. Từ các “Hũ gạo tình thương”, chúng tôi đã giúp đỡ được nhiều trẻ em tiếp tục được đến trường học tập, phấn đấu và trở thành cán bộ của địa phương.
Xuất phát từ thực tế địa phương, năm 2014, các đồn BP đã nhận nuôi, đỡ đầu 29 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Khi Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP phát động và triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường”, tiếp đó là mô hình “Con nuôi đồn BP”, các CBCS đều đồng lòng hưởng ứng và tích cực thực hiện.
- Đồng chí có thể cho biết những kết quả của Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn BP” do BĐBP Lai Châu thực hiện?
- Từ năm 2016 đến nay, BĐBP Lai Châu đã nhận đỡ đầu 86 cháu học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Các cháu được hỗ trợ kinh phí học tập hàng tháng cho đến khi học hết lớp 12. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận nuôi 9 cháu học sinh tại các đồn BP từ năm 2019 đến nay. Nguồn kinh phí hỗ trợ, nuôi dưỡng các cháu do CBCS tự nguyện đóng góp và các nguồn xã hội hóa.
Đến nay, chúng tôi đã huy động hơn 1,8 tỷ đồng cho Chương trình “Nâng bước em tới trường”, trong đó, CBCS đóng góp hơn 1,3 tỷ đồng. Các CBCS cũng đóng góp hơn 300 triệu đồng cho mô hình “Con nuôi đồn BP”. Bên cạnh đó, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức xã hội ủng hộ kinh phí xây dựng 45 phòng ở bán trú, phòng học; bể nước sạch, sân chơi cho các trường trên khu vực biên giới trị giá 8,7 tỷ đồng và tặng đồ dùng học tập, chăn ấm, quần, áo... trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Sau khi được đỡ đầu, các cháu học sinh đều có cố gắng trong học tập, rèn luyện. Gia đình các cháu yên tâm, phấn khởi, sẵn sàng cùng với bộ đội nuôi dạy các cháu và tham gia cùng với BĐBP bảo vệ chủ quyền biên giới. Theo đánh giá, có khoảng 70% số cháu được đỡ đầu có thành tích khá, giỏi trong học tập, rèn luyện, hàng năm đều đạt tốt. Hiện có 6 cháu tốt nghiệp lớp 12.
- Theo đồng chí, Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn BP” có ý nghĩa như thế nào đối với việc tạo nguồn nhân lực cho khu vực biên giới Lai Châu nói chung và tương lai của các cháu học sinh nói riêng?
- Tôi cho rằng, việc triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn BP” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp tăng cường tình đoàn kết quân dân, tạo tiền đề vững chắc để BĐBP phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (BGQG), xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng nền BP toàn dân, thế trận BP toàn dân có ý nghĩa rất quan trọng. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG đã xác định rõ: Quản lý, bảo vệ BGQG là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”. Để xây dựng thế trận BP toàn dân, chúng ta phải đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Việc thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn BP” góp phần thể hiện vai trò, trách nhiệm của BĐBP trong việc chung tay, góp sức cùng với chính quyền địa phương, ngành giáo dục phát triển, nâng cao nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
Với sự giúp đỡ của BĐBP Lai Châu, tôi tin rằng, học sinh ở khu vực biên giới sẽ có thêm động lực phấn đấu học tập, rèn luyện, xây dựng được tương lai tốt đẹp, trở thành người có ích cho xã hội.
- Đồng chí có thể cho biết, trong thời gian tới, BĐBP Lai Châu sẽ thực hiện các giải pháp gì để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn BP”?
- Trước hết, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giúp nhân dân phát triển kinh tế thông qua việc xây dựng mới và duy trì có hiệu quả các mô hình giúp dân phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo. Kinh tế gia đình phát triển bền vững chính là tiền đề để người dân có điều kiện chăm lo cho con em được học tập, phát triển.
Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục huy động các nguồn lực từ xã hội, đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển KT-XH ở địa phương; triển khai có hiệu quả các chương trình phối hợp với các ngành, các địa phương như: Chương trình kết nghĩa giữa BĐBP Lai Châu với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giữa BĐBP Lai Châu với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu, thành phố Hải Phòng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... để kết nối hỗ trợ được nhiều học sinh hơn. Khi các cháu học tập, rèn luyện tốt, chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, ngành giáo dục tạo điều kiện cho các cháu đi học cử tuyển tại các trường trong và ngoài quân đội...
Sau khi các cháu tốt nghiệp, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương tạo điều kiện tuyển dụng con em đồng bào các dân tộc nói chung và các cháu được BĐBP đỡ đầu nói riêng vào làm việc, bồi dưỡng để trở thành cán bộ nòng cốt, cốt cán của địa phương.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Bích Nguyên (Thực hiện)