Biên phòng - Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Australia bất ngờ căng thẳng sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhận định rằng vụ xả súng ở Christchurch (New Zealand) hôm 18-3 là một phần của cuộc tấn công nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và đạo Hồi. Phát biểu trên ngay lập tức gây phản ứng mạnh ở Australia, buộc Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phải đứng ra “chữa cháy”.

Trong nội dung đăng tải trên Twitter, Giám đốc truyền thông của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Fahrettin Altun nêu rõ, phát biểu của Tổng thống Erdogan không may đã bị trích dẫn ra khỏi bối cảnh. Theo Giám đốc truyền thông Antun, một trợ lý cấp cao của Tổng thống Erdogan, phát biểu của Tổng thống được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 104 năm chiến dịch Galopoli, “trong ngữ cảnh lịch sử đề cập các vụ tấn công chống Thổ Nhĩ Kỳ, trong quá khứ cũng như hiện tại”. Ông Altun nhấn mạnh, người dân Thổ Nhĩ Kỳ luôn chào đón nồng nhiệt những cựu chiến binh người Australia và New Zealand cũng như thân nhân của họ đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, phát biểu trong một cuộc vận động bầu cử địa phương ngày 18-3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng vụ xả súng ở Christchurch là một phần của cuộc tấn công nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và đạo Hồi, đồng thời cảnh báo những người Australia và New Zealand mang tư tưởng bài Hồi giáo đến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hứng chịu số phận tương tự các binh sĩ ở Galipoli, một trận chiến đẫm máu trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong cuộc chiến này, hơn 8.000 người Australia đã thiệt mạng khi giao tranh với quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 20-3 đã chỉ trích phát biểu trên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là “khinh suất” ở thời điểm hết sức nhạy cảm và “đả kích” người dân Australia. Ông Scott Morrison đồng thời cảnh báo sẽ cân nhắc “mọi lựa chọn” trong việc xem lại các mối quan hệ. Nhà lãnh đạo Australia bày tỏ hy vọng những phát biểu của ông Erdogan sẽ được đính chính trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Ankara, sau khi triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ và bác bỏ “những lời biện hộ” được đưa ra. Australia cũng khuyến cáo những người đến thăm các địa điểm chiến trường Galipoli vào dịp tưởng niệm trận chiến trong tháng tới “cần thận trọng”.
Trong một diễn biến liên quan, vụ thảm sát kinh hoàng xảy ra tại New Zealand ngày 15-3 vừa qua cướp đi sinh mạng của 50 người tại thành phố Christchurch đã đưa luật kiểm soát súng đạn của New Zealand trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng chính những quy định lỏng lẻo về sở hữu súng đạn là một yếu tố khiến thủ phạm Taran quyết định tiến hành vụ thảm sát ở thành phố Christchurch. Theo các chuyên gia, luật quản lý súng đạn của New Zealand có tính phân cấp và khó xác định được là ủng hộ hay chống sở hữu súng. Ví dụ, súng trường bán tự động và các loại súng lục thì cần được cấp phép đặc biệt, mỗi người mỗi lần chỉ được mua một khẩu súng bán tự động và để mua nhiều hơn thì rất khó. Tuy nhiên, không khó để sở hữu rất nhiều vũ khí nếu nhiều người cùng mua.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 21-3 đã ban hành lệnh cấm ngay lập tức đối với việc bán tất cả các chủng loại súng bán tự động và súng trường tấn công. Ngoài ra, Thủ tướng New Zealand cũng công bố các biện pháp tạm thời nhằm chấm dứt ngay việc mua vũ khí ồ ạt trước khi đạo luật mới liên quan tới các biện pháp này có hiệu lực. Theo Thủ tướng Jacinda Ardern, ổ đạn công suất cao và các thiết bị nhằm tăng tốc độ hỏa lực cũng sẽ bị cấm. Bà nhấn mạnh, mọi vũ khí bán tự động được sử dụng trong vụ tấn công khủng bố ngày 15-3 sẽ bị cấm trên toàn lãnh thổ New Zealand.
Thu Uyên