Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng triển khai quân sự ở Libya

Biên phòng - Một bản đề nghị gia hạn việc triển khai quân ở Libya thêm 18 tháng kể từ tháng 1-2021 vừa được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoðan ký đệ trình lên Quốc hội nước này. Trong đó nhấn mạnh, lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, hòa bình và tiến trình chính trị ở Libya có tầm quan trọng sống còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý, giới quan sát an ninh khu vực nhìn nhận, nhiều khả năng bản đề nghị này sẽ được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn. 

Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng triển khai quân sự ở Libya. Ảnh: AA

Theo bản đề nghị, những rủi ro và mối đe dọa đang đến từ Libya tới Thổ Nhĩ Kỳ và toàn khu vực. Trong trường hợp tái khởi động giao chiến giữa các lực lượng nội bộ Libya, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ cả ở lưu vực Địa Trung Hải và Bắc Phi sẽ bị ảnh hưởng bất lợi. Vì vậy, bản đề nghị này nhấn mạnh rằng mục đích của việc cử lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tới Libya là để bảo vệ lợi ích quốc gia và thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết trước những nguy cơ an ninh đến từ quốc gia Bắc Phi này.

Trong đó, cũng bổ sung rằng, để phù hợp với Bản ghi nhớ về Hợp tác An ninh và Quân sự được ký kết vào năm 2019 với chính quyền Libya được quốc tế công nhận (GNA), Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ đào tạo và tư vấn cho Libya. Biên bản ghi nhớ này được ký kết vào năm 2019 về hợp tác trong các lĩnh vực gồm thông tin kỹ thuật, hỗ trợ, phát triển, bảo trì, sửa chữa, lập kế hoạch và hỗ trợ vật chất, đào tạo và tư vấn liên quan đến việc sử dụng hệ thống và thiết bị vũ khí.

Libya - quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn nhất châu Phi đã trở thành một “điểm nóng” xung đột hàng đầu thế giới do nội chiến. Khởi đầu từ cuộc đảo chính năm 2011, nhiều năm trong vòng xoáy bất ổn, từ tháng 4-2019 đến nay, nội chiến ác liệt ở đỉnh điểm với sự phân định giữa 2 lực lượng đối địch chính gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận và Quân đội Quốc gia Libya tự xưng (LNA). Dù LNA được xem là lực lượng tự xưng, song, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng công nhận vai trò quan trọng của LNA trong việc chống khủng bố và đảm bảo nguồn dầu mỏ của Libya.

Giới quan sát đánh giá, chiến sự tại Libya vốn không chỉ là cuộc nội chiến giữa lực lượng trong nước mà còn hiện hữu cuộc chiến ủy nhiệm của nhiều quốc gia. Trong đó, GNA được Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Qatar hậu thuẫn, còn LNA được hậu thuẫn bởi Ai Cập, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Điều này đã dẫn tới thực trạng nước ngoài can thiệp sâu sắc vào nội chiến Libya với những hoạt động nổi cộm nhất là đưa lính đánh thuê và vận chuyển vũ khí vào nước này. Đây là hành vi bị Liên hợp quốc nghiêm cấm thông qua lệnh cấm vận vũ khí năm 2011 đối với Libya, song, các bên liên quan vẫn cố tình chống lại các biện pháp kiểm soát.

Đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga môi giới cho một lệnh ngừng bắn sau gần 1 năm giao tranh ác liệt. Tuy nhiên, xung đột vẫn tiếp tục xảy ra sau đó, đặc biệt là giao tranh chiếm đánh các thành phố chiến lược giữa GNA và LNA, tạo nên bất ổn an ninh không chỉ trong nước mà còn uy hiếp đến nhiều quốc gia láng giềng, thậm chí là sự đối địch giữa các quốc gia hậu thuẫn cho hai phe nội bộ Libya.

Theo nhận định của giới chuyên gia an ninh quốc tế, những yếu tố này cũng chính là động lực chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ đặt quyết tâm cao trong việc gia tăng sự hiện diện quân sự ở Libya. Điều này trái ngược với nỗ lực của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế khi đang ngăn chặn mọi nguồn hỗ trợ, can thiệp từ các quốc gia bên ngoài Libya, đồng thời tìm giải pháp chính trị giải quyết cuộc khủng hoảng nội bộ Libya.

Nhiều ý kiến đánh giá khác cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sự can thiệp vào Libya với mục tiêu gây dựng vị thế của mình nhằm kiểm soát, chi phối khu vực Địa Trung Hải, Bắc Phi có nguồn tài nguyên trù phú. Cùng với đó, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu nhiều sức ép do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ về kinh tế, chính trị, quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ càng thúc đẩy mạnh hơn nữa tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO