Biên phòng - Những ngày đầu tháng 3, sau khi thất thế tại chiến trường tỉnh Idlib, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng sức ép với Liên minh châu Âu (EU) bằng việc mở cửa biên giới cho người tị nạn Syria tràn sang những nước EU. Dường như Thổ Nhĩ Kỳ đã “châm ngòi” cho một cuộc khủng hoảng di cư mới của EU, điều đã từng là nỗi ám ảnh của EU vào năm 2015 với khoảng 1 triệu người “chạy trốn khỏi chiến tranh và đói nghèo” đến từ khu vực Trung Đông - Bắc Phi.

Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, sơ bộ trong 3 ngày đầu tháng 3, đã có khoảng 80.000 người di cư tràn qua biên giới Tây Bắc nước này để vào châu Âu. Trong những ngày tới, con số sẽ không ngừng tăng lên nhanh chóng. Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ là châu Âu phải có trách nhiệm cùng gồng gánh trước cuộc khủng hoảng nhân đạo xuất phát từ chiến trường Syria. Chiến tranh tại tỉnh Idlib đã khiến người dân tại khu vực mất nhà cửa và việc hỗ trợ người dân tị nạn là trách nhiệm chung của cả thế giới.
Truyền thông quốc tế chỉ ra rằng, làn sóng di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu cả trên đường bộ và đường biển thông qua Hy Lạp và Bulgaria – 2 quốc gia tuyến đầu của EU tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Dòng người tị nạn không chỉ có người Syria mà còn cả Iraq, Iran, Pakistan... Dù 2 quốc gia đã điều động tăng cường lực lượng an ninh tới biên giới, song, làn sóng di cư dồn dập đang đẩy tình hình trở nên mất kiểm soát. Riêng tại Hy Lạp, hàng loạt cuộc đụng độ liên tiếp nổ ra giữa lực lượng an ninh với hàng chục nghìn người.
Thổ Nhĩ Kỳ phát động cuộc chiến tại tỉnh Idlib, Syria vào tháng 9 năm ngoái và đến nay đang gặp nhiều thất bại tại chiến trường này. Trong đó, đồng minh Mỹ và cả Nga đều không còn ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ khiến chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan buộc phải quay sang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây.
Giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận, việc sử dụng “con át chủ bài” người di cư của Thổ Nhĩ Kỳ là động thái gây áp lực đối với EU, buộc khối này phải “sát cánh” với mình. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng đi “nước cờ” chiến lược này với EU vào năm 2016, buộc EU phải nhượng bộ và ký thỏa thuận di cư với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn dòng người tị nạn. Cũng theo phân tích của giới chuyên gia, mối quan hệ hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang không mấy tốt đẹp khi tồn tại nhiều khúc mắc khó giải quyết, nổi bật như vấn đề EU cấp thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ; các khoản hỗ trợ tài chính cho người tị nạn; hỗ trợ quân sự...
Dù đang suy yếu nhưng EU vẫn có tiềm lực rất mạnh và có thể là “điểm tựa” cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, EU có tham gia vào tiến trình hòa bình tại “điểm nóng” chiến trường tỉnh Idlib, Syria cũng như đối phó với các hệ lụy từ cuộc chiến, song, EU thực chất không có tầm ảnh hưởng cũng như lợi ích đáng kể. Đổi lại, EU cũng không có nhiều rủi ro trong cuộc chiến khốc liệt này, nhưng vẫn thể hiện được “tiếng nói” nhất định của mình. Tuy nhiên, động thái gây sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra rủi ro rất nghiêm trọng đối với EU, khiến khối này trong lằn ranh buộc phải tham gia tích cực hơn tại Syria.
Tình thế hiểm hóc mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đang khiến EU rối bời trong việc tìm ra lời giải thỏa đáng, hài hòa lợi ích giữa các bên và với bản thân khối. Bờ vực của một cuộc khủng hoảng di cư mới đã rất gần, trong bối cảnh EU đang phải vật lộn củng cố lại sự hưng thịnh của khối, sau khi Vương quốc Anh rời EU và khối này đang phải gồng mình ứng phó với dịch Covid-19 đang lan rộng chưa thể kiểm soát. Làn sóng di cư mới trong bối cảnh này sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với trước đây.
Thanh Trúc