Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 12:46 GMT+7

Thổ cẩm Việt Nam, nét đường chỉ, khuôn dáng người

Biên phòng - Lễ hội thổ cẩm Việt Nam lần thứ II, năm 2020 diễn ra từ ngày 24 đến ngày 29-11 tại Đắk Nông một lần nữa tôn vinh giá trị của thổ cẩm Việt Nam trong đời sống hiện đại. Đặc sắc của trang phục trong văn hóa đại đồng các dân tộc Việt Nam có vai trò rất lớn trong việc giữ gìn truyền thống và xây dựng lên hình ảnh con người Việt Nam mới.

Người phụ nữ Cơ Tu ở làng Canool, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam dệt thổ cẩm để may mặc hàng ngày. Ảnh: TTH

Tiếp nối thành công Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, tỉnh Đắk Nông tiếp tục tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II. Hơn thế nữa, thực hiện nhiệm vụ quảng bá tiềm năng, thế mạnh để phát triển vùng đất phía Nam Tây Nguyên gắn với Công viên địa chất toàn cầu vừa được UNESCO công nhận, Đắk Nông muốn nới rộng thêm quy mô của sự kiện văn hóa - du lịch đặc sắc: Lễ hội thổ cẩm.

Trong khuôn khổ sự kiện này, sau lễ công bố, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông cũng chính thức được ra mắt và đưa vào kế hoạch khai thác, bảo tồn, phát triển khi gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.

Đã nói đến thổ cẩm là nói đến bề dày truyền thống của các dân tộc bản địa lâu đời đã sinh sống trên đất Mẹ Việt Nam. Người Việt Nam không chỉ có nền sản xuất, có phong tục tập quán lâu đời, lịch sử cư trú mà còn là cộng đồng có đặc tính nhân học tỉ mỉ, tháo vát, khéo léo làm ra các loại trang phục, vật dụng từ dệt may thổ cẩm thủ công.

Trên thế giới, khi dệt may công nghiệp phát triển vượt trội với vải công nghiệp và màu sắc hóa học đến điểm bão hòa, người ta có xu hướng quay trở lại với trào lưu thuận tự nhiên, hòa hợp với môi trường thì thổ cẩm cũng tái trở lại đời sống với các giá trị vốn có như được làm từ sợi vải tự nhiên, màu sắc thân thiện và đề cao, tôn vinh tính cá nhân, bàn tay tài hoa của con người.

Thổ cẩm phù hợp với xu hướng của tương lai khi không sử dụng chất tạo màu hóa học tổn hại cho môi trường, không dùng sợi hóa học tổng hợp và công nghệ xử lý dệt may nhiều hóa chất.

Lễ hội thổ cẩm thực chất là một kỳ cuộc phát huy thế mạnh của truyền thống, lan tỏa sự chú ý của công chúng dành cho một lát cắt của đời sống văn hóa. Điều may mắn là thổ cẩm của Việt Nam có tính ứng dụng rất cao.

Điều này tạo cơ hội để sản phẩm thương mại trên nền thổ cẩm được tự do sáng tạo, ứng dụng và phục hồi lại nghề thủ công, giúp nghệ nhân có thể làm giàu từ sản xuất đồ thổ cẩm. Tạo điều kiện cho họ lấy lại lửa nghề, thôi thúc họ truyền dạy kỹ thuật và hơn hết, lễ hội nhằm nhân lên tình yêu vốn có của công chúng với thổ cẩm. Những người trẻ dễ trở thành nhân tố mới, phát huy truyền thống, khởi nghiệp bằng vốn văn hóa của dân tộc mình, vừa tạo ra sản phẩm tại địa phương, vừa trở thành sứ giả văn hóa của thổ cẩm.

Mỗi kỳ lễ hội, Ban tổ chức đều cố gắng tìm ra các con đường đi và liên kết nhiều lĩnh vực, loại hình du lịch, tạo nên sự phong phú, hấp dẫn, thu hút du khách trải nghiệm và khám phá. Lễ hội không chỉ giới thiệu vùng đất - con người Đắk Nông với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống phong phú, nhiều màu sắc mà còn có vai trò tiếp tục bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam, tạo không gian giao lưu văn hóa các dân tộc, các vùng, miền trong cả nước.

Lễ hội thổ cẩm 2020 có đại sứ thương hiệu là các người mẫu có khuôn mặt và dáng người phù hợp với nét tinh tế, đa sắc và tính ước lệ, triết lý, khái quát cao của hoa văn thổ cẩm. Điều thú vị là thổ cẩm có được sự hài hòa gần như tuyệt đối với vóc dáng và con người Việt Nam.

Sự bài trí của không gian lễ hội cũng được các kiến trúc sư kỳ công dựng lên đầy màu sắc của Tây Nguyên, của rừng núi Việt Nam nhằm tạo nên sự tràn ngập màu sắc và tái hiện không khí lễ hội văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Điều đáng nói là hầu như các dân tộc thiểu số Việt Nam đều duy trì và nuôi dưỡng niềm tự hào với thổ cẩm. Họ trân quý chính bộ trang phục truyền thống mà mình đang mặc. Đa số các dân tộc đều mặc trang phục dân tộc thường ngày, một số ít hơn chỉ dành mặc những ngày lễ Tết, còn lại là các dân tộc đang phải có kế hoạch phục hồi lại nếp ăn, ở, mặc truyền thống, trong đó giữ lại nguyên bản bộ trang phục gồm quần áo, mũ giày, trang sức...

Các dân tộc đều có cách phục sức riêng và không giống nhau. Có loại thổ cẩm dệt, có thổ cẩm thêu. Trăm sắc áo đa màu sắc dệt nên tấm vải thổ cẩm hồn cốt của dân tộc - đó là niềm tự hào to lớn nhất.

Từ ngày 24 đến ngày 29-11-2020, các hoạt động chính của Lễ hội thổ cẩm gồm: Đêm khai mạc Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II và Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông,Triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm, Thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam, Trình diễn “Fashion Show - thổ cẩm”, Đêm Bế mạc Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II năm 2020, Hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch năm 2020, Bán kết và chung kết Cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020 tại tỉnh Đắk Nông, Lễ hội ánh sáng và khinh khí cầu, Hoạt động từ thiện xã hội tại Đắk Nông.

Nói về cơ hội tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm thổ cẩm, định hướng để thổ cẩm phát triển thành làng nghề, tăng thu nhập cho người dân và hướng đến tạo sản phẩm du lịch thương hiệu cho thổ cẩm vẫn là một bài toán khó đối với các địa phương.

Đắk Nông là tỉnh có nghề thủ công truyền thống của người Ba Na, Xê Đăng, S’tiêng... được phát triển rất sớm, rộng khắp trong các bon, buôn.

Hiện nay, tại Đắk Nông, các hoạt động dệt thổ cẩm vẫn được duy trì để phục vụ cuộc sống hàng ngày và thu hút khách du lịch khám phá, tìm hiểu. Một số bon làm du lịch tạo cơ hội cho thổ cẩm phát triển trở lại.

Sự đa dạng hóa và sự phát triển nhanh chóng của xã hội thông tin đã làm cho văn hóa trang phục thổ cẩm chọn lọc tự nhiên, dần loại bỏ các chi tiết khó ứng dụng. Công chúng cũng đã có thời gian kiểm nghiệm, nhận ra các loại hàng hóa trà trộn dệt công nghiệp thấp cấp, đại trà dạng thổ cẩm của Trung Quốc bán ở nông thôn miền núi và không xếp chúng vào chỗ danh dự dành cho thổ cẩm truyền thống của Việt Nam.

Các nhà thiết kế thời trang chính là những nhân tố làm mới thổ cẩm, đưa trào lưu hoa văn thổ cẩm vào trang phục và khiến cho thổ cẩm càng ngày càng có sức hút, có dấu ấn trong đời sống.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO