Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:14 GMT+7

Thiếu vốn thực hiện chính sách dân tộc

Biên phòng - Năm 2018, Ủy ban Dân tộc (UBDT) triển khai thực hiện 15 chương trình, chính sách, trong đó có 12 chương trình, chính sách được ngân sách Trung ương hỗ trợ, 3 chính sách do ngân sách địa phương tự cân đối, bố trí thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách theo kế hoạch năm 2018 là trên 7.139 tỉ đồng, trong đó, đã cấp trên 4.733 tỉ đồng (đạt 66,3% kế hoạch). Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc (CSDT) đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, xuất phát từ thiếu vốn, chưa có sự thống nhất trong cân đối, bố trí vốn giữa các bộ, ngành liên quan.

70zb_9a
Diện mạo vùng DTTS và miền núi đã có khởi sắc nhờ việc thực hiện các CSDT. Ảnh: Nguyễn Bích

Khu vực Đông Nam bộ có 9/9 tỉnh, thành phố được triển khai thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2017-2020.

Tuy nhiên, do các nguồn vốn không được cấp đồng bộ (vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn vay), nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Đến tháng 6-2018, mới có 4 tỉnh (Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang) được phân bổ vốn cho vay (50 tỉ đồng)... Vốn cấp không đồng bộ cũng là thực trạng chung trong việc thực hiện một số chương trình CSDT tại một số khu vực khác.

Theo UBDT, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay khi triển khai thực hiện các CSDT là nguồn lực từ ngân sách Nhà nước bố trí để thực hiện còn thấp so với kế hoạch. Các chính sách do UBDT quản lý, nguồn lực bố trí thường chỉ đáp ứng khoảng 40-60% kế hoạch.

Bố trí vốn cho các CSDT chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên, không chủ động về kinh phí, chưa đảm bảo cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt. Việc cấp phát vốn không đủ, hoặc chậm, không đồng bộ giữa vốn vay, vốn sự nghiệp và vốn đầu tư đối với một số CSDT đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.

Đơn cử như việc thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg. Cho đến nay, Quyết định này hầu như chưa được triển khai mặc dù UBND 43 tỉnh, thành đã có quyết định phê duyệt đề án thực hiện. Nguyên nhân là do nguồn lực của địa phương còn hạn chế, chưa bố trí được vốn đầu tư và vốn sự nghiệp.

Về nội dung hỗ trợ vốn vay tín dụng, từ tháng 2-2018, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phân bổ 280 tỉ đồng cho các địa phương triển khai thực hiện cho vay theo Quyết định 2085/QĐ-TTg. Tuy nhiên, các nguồn vốn không được cấp đồng bộ (vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn vay) nên các địa phương còn rất khó khăn trong triển khai thực hiện.

Việc thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách Hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025 cũng dậm chân tại chỗ do thiếu vốn. Kinh phí đề xuất từ ngân sách Trung ương năm 2018 để thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg là hơn 767,8 tỉ đồng. Nhu cầu kinh phí cả giai đoạn 2018-2020 là hơn 1.943 tỉ đồng, đến nay vẫn chưa được bố trí để thực hiện.

Cũng theo UBDT, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách khác đều có chủ trương ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhưng thực tế không đạt được như mong muốn. Trong khi đó, hỗ trợ từ nguồn vốn ODA, vốn đóng góp của doanh nghiệp và vốn đối ứng của các địa phương còn hạn chế, nhất là đối với địa bàn chưa tự cân đối được ngân sách.

Bên cạnh đó, việc lồng ghép nguồn lực của một số chính sách không khả thi, như chính sách thay thế hỗ trợ đất sản xuất bằng đào tạo nghề giải quyết việc làm và hỗ trợ nước sinh hoạt bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tổng hợp nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi gặp nhiều khó khăn, kinh phí thực hiện theo từng chương trình mục tiêu, chính sách của các bộ, ngành phần lớn không tổng hợp riêng cho vùng DTTS và miền núi, không tách riêng nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn vay, vốn ODA...

Vì vậy, nhiều chính sách đã hết hiệu lực, nhưng khả năng là không hoàn thành mục tiêu đề ra, trong khi đó, một số chính sách mới ban hành lại chưa được bố trí vốn để triển khai thực hiện như: Quyết định 162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Phương án sắp xếp, ổn định dân cư cho người dân di cư tự do từ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trở về nước”; Quyết định 2085; Quyết định 2086.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan chưa thống nhất trong việc cân đối, bố trí vốn để thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020; nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện CSDT ban hành chậm, không kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện CSDT của địa phương.

ye4v_9b
Đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang đi chợ phiên. Ảnh: Nguyễn Bích

Hiện, UBDT đang tích cực triển khai chuẩn bị Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào DTTS” các tỉnh duyên hải miền Trung gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là dự án cấp thiết được ADB xếp vào dự án ưu tiên và huy động nguồn vốn hỗn hợp (bao gồm vốn vay thông thường và vốn viện trợ không hoàn lại từ các quỹ của ADB) nhằm đảm bảo các điều kiện ưu đãi tương đương vốn ADF (vốn vay từ Quỹ phát triển châu Á).

UBDT, ADB và Chủ tịch UBND 5 tỉnh miền Trung đã ký Biên bản ghi nhớ ngày 27-2-2018 và đề ra kế hoạch chuẩn bị và đầu tư dự án, cụ thể: Giai đoạn chuẩn bị dự án 2018-2020, ADB sẽ hỗ trợ 800.000 đô-la Mỹ để chuẩn bị dự án PPTA (Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án) và giai đoạn đầu tư 2021-2025 với nguồn vốn ADB là 150 triệu USD.

Theo UBDT, phía ADB đang huy động tư vấn hỗ trợ UBDT chuẩn bị dự án với sự phối hợp rất tích cực và quyết tâm của các cấp chính quyền và đồng bào DTTS. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất là đề xuất dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên ADB không có cơ sở huy động các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cũng như giữ kế hoạch vốn cho dự án này.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, UBDT đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí vốn từ ngân sách Trung ương cho các địa phương thực hiện CSDT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa bố trí vốn thực hiện năm 2018 và cả giai đoạn 2018-2020. Đồng thời, phê duyệt đề xuất dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào DTTS”.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO