Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 08:13 GMT+7

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Lực lượng Công an nhân dân vũ trang

Biên phòng - LTS: Trải qua gần 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân vũ trang trước đây, Bộ đội Biên phòng ngày nay luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó. Toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng đã hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (lần thứ nhất - 1979, lần thứ hai - 2009) và được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, ba Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Độc lập hạng Nhì, hai Huân chương Quân công hạng Nhất, một Huân chương Quân công hạng Ba, ba Huân chương Lao động; nhiều đơn vị, cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được nhận nhiều phần thưởng cao quí của Đảng và Nhà nước.

Có được những thành tích đó là do có một phần đóng góp quan trọng của các vị Tướng - những người chỉ huy chủ chốt của lực lượng Công an nhân dân vũ trang trước đây và Bộ đội Biên phòng ngày nay. Cuộc đời và sự nghiệp của các đồng chí cũng là một phần lịch sử truyền thống của lực lượng.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2024), Báo Biên phòng xin trân trọng giới thiệu các bài viết về chân dung một số vị Tướng Biên phòng, nhằm tôn vinh những cống hiến và hy sinh của các vị Tướng từ ngày thành lập lực lượng đến nay, đồng thời ghi lại những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo của các đồng chí trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và xây dựng Bộ đội Biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Các bài viết được lấy từ cuốn “Những vị tướng Biên phòng” (1959-2016) do Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo biên soạn, xuất bản.

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Lực lượng Công an nhân dân vũ trang

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ sinh năm 1917, quê ông ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Ông là lớp cán bộ cách mạng trưởng thành trong cuộc vận động thành lập Đảng và cao trào cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ông là lớp người được Bác Hồ trực tiếp giáo dục, rèn luyện.

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Phó Thủ tướng Chính phủ (1974-1976), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy CANDVT (1959-1961). Ảnh: Tư liệu

Trong cuộc đời làm báo và nghiên cứu biên soạn lịch sử, tôi đã nhiều lần gặp Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, nhất là sau ngày ông nghỉ hưu sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông có vóc người tầm thước, vầng trán cao thông minh, đôi mắt lúc nào cũng mở to trong sáng. Ông rất ít nói về mình, nhưng qua người thân và những người hoạt động cùng thời kể lại, tôi hiểu thêm về ông, một con người kiên định vững vàng, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào vẫn tìm ra con đường sáng.

Năm 1940, khi đó ông đang là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây thì bị thực dân Pháp bắt. Sau nhiều lần dùng cực hình tra tấn dã man, thực dân Pháp vẫn không thu được bí mật gì, chúng kết án ông 27 năm tù khổ sai và đầy ra nhà tù Côn Đảo. Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Nhà nước đưa tàu ra đón ông cùng đồng đội trở về đất liền và giao cho ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy khu 9.

Năm 1948, tình hình Sài Gòn-Gia Định có nhiều biến cố phức tạp, Đảng, quân đội lại điều ông lên làm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1952, ông lại được Đảng phân công làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Phân khu miền Tây cho đến ngày tập kết ra Bắc. Trong câu chuyện của ông, tôi nhớ nhất việc ông được Bác Hồ cũng như Tổng Quân ủy và Đảng đoàn Bộ Công an giao nhiệm vụ soạn thảo Đề án "Thành lập lực lượng Công an bảo vệ biên cương và nội địa" (sau là Công an nhân dân vũ trang) và ông đã trở thành vị Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng này...

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã có lãnh thổ riêng. Vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia được đặt ra cấp thiết. Từ năm 1954 đến năm 1958, các đơn vị bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu trọng yếu ở nội địa miền Bắc tồn tại hai lực lượng, thuộc hai hệ thống chỉ huy và hai hệ thống tổ chức Đảng của ngành Công an và Quân đội. Hai lực lượng này về cơ bản đã có sự phối hợp với nhau, lập nhiều chiến công trong thực hiện nhiệm vụ. Song hai lực lượng này thuộc hai ngành khác nhau, hai hệ thống tổ chức khác nhau, nên công tác chỉ huy, chỉ đạo khó khăn, không thống nhất, thiếu nhịp nhàng, đồng bộ, tạo nên những sơ hở trong thực hiện nhiệm vụ. Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu của Đảng và Nhà nước đòi hỏi phải có một lực lượng chuyên trách, nòng cốt, có trình độ nghiệp vụ, nắm vững đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đồng thời có khả năng hoạt động vũ trang ở mức độ cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ.

Xuất phát từ những yêu cầu đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng giao cho Tổng Quân ủy và Đảng đoàn Bộ Công an nghiên cứu đề xuất phương án tổ chức một lực lượng vũ trang thống nhất, chuyên trách bảo vệ biên cương và nội địa cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Đảng đoàn Bộ Công an đã thống nhất thành lập Ban soạn thảo "Đề án tổ chức lực lượng bảo vệ Nội địa và Biên cương", gồm 7 đồng chí, do đồng chí Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách.

Sau một thời gian làm việc khẩn trương, ông cùng 7 đồng chí: Huỳnh Thủ, Chí, Lâm, Tiến, Ngoạn, Thái, Linh tham khảo một số mô hình bảo vệ biên giới và nội địa của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các nước trong khu vực, kết hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam, đã cho ra đời bản "Đề án xây dựng lực lượng Công an bảo vệ Biên phòng và Nội địa" gồm 5 phần. Phần thứ nhất, nói về tình hình hoạt động của địch và công tác bảo vệ của ta ở các tuyến biên giới Việt - Lào, Việt - Trung, tuyến biển, đảo, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu quan trọng ở nội địa. Phần thứ 2, quy định rõ nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể của Công an bảo vệ Biên phòng và Nội địa. Phần thứ 3, nói về công tác tổ chức chỉ huy và bố trí lực lượng của Công an bảo vệ Biên phòng và Nội địa. Phần thứ 4, quy định chế độ chính sách và phần thứ 5, là kế hoạch tiến hành xây dựng lực lượng Công an bảo vệ Biên phòng và Nội địa.

Ngày 25-8-1958, Quân ủy Trung ương và Đảng đoàn Bộ Công an, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, đồng chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào "Đề án xây dựng lực lượng Công an Biên phòng và Nội địa". Sau khi đồng chí Phan Trọng Tuệ trình bày xong bản đề án, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Hoàng Anh, Lê Quang Đạo, Trần Sâm, Trần Quốc Hoàn, Ngô Du... đều có nhiều ý kiến tham gia sâu sắc. Hội nghị cũng đề nghị Ban soạn thảo Đề án cân nhắc về tên gọi Công an bảo vệ Biên phòng và Nội địa hay Bộ đội công an, Công an bảo vệ, Cảnh vệ... sao cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ.

Kết thúc hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kết luận: Về nhiệm vụ, đồng ý như Đề án. Hướng vào nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh. Về tính chất, đây là lực lượng vũ trang của Bộ Công an, do Bộ Công an chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức, biên chế, tiêu chuẩn, chế độ phải nghiên cứu cho thích hợp với Công an. Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ giúp Bộ Công an tổ chức lực lượng vũ trang nói trên. Các đơn vị Quốc phòng có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Công an bảo vệ đất nước. Lực lượng vũ trang của Công an gồm có: Lực lượng bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời và nội địa. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ mà tổ chức thành các đơn vị cho phù hợp. Về lãnh đạo, thống nhất lãnh đạo vào Bộ Công an, đồng thời đề nghị giao cho cấp ủy và chính quyền địa phương lãnh đạo lực lượng bảo vệ ở địa phương mình.

Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận, ông chỉ đạo bộ phận soạn thảo bổ sung các kết luận này vào Đề án và gửi lên Bộ Chính trị mỗi người một bản. Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị... đã có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể vào Đề án. Ngày 27-9-1958, Đảng đoàn Bộ Công an gửi Đề án lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù bận rất nhiều công việc, ngày 3-10-1958, Bác cũng đọc xong và có ý kiến chỉ đạo ngay bên lề Đề án.

Sau một thời gian cân nhắc kỹ các tên gọi như Bộ đội Công an, Công an bảo vệ, cảnh vệ... Đảng đoàn Bộ Công an thấy chỉ có tên gọi cảnh vệ là thích hợp, phản ánh đúng tính chất và nhiệm vụ của lực lượng này. Vì thế, ngày 27-10-1958, Đảng đoàn Bộ Công an đã thống nhất gửi Công văn số 64/ĐĐ lên Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép gọi lực lượng vũ trang bảo vệ Nội địa và Biên phòng là "Lực lượng cảnh vệ Nội địa và Biên cương". Ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết số 58/NQ-TƯ về việc tổ chức "Xây dựng lực lượng Cảnh vệ Nội địa và Biên cương".

Sau khi có Nghị quyết Bộ Chính trị, ông tổ chức nhiều đoàn cán bộ đi phổ biến Nghị quyết 58 ở các Khu ủy, Thành ủy và các ngành, các giới. Qua học tập Nghị quyết có nhiều ý kiến của các cấp ủy đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ đổi tên lực lượng Cảnh vệ Nội địa và Biên cương bằng một cái tên khác cho phù hợp hơn với chức năng, nhiệm vụ của nó. Ngày 4-2-1959, căn cứ vào đề nghị của các cấp ủy, Đảng đoàn Bộ Công an đã gửi công văn lên Ban Bí thư Trung ương và Chính phủ xin đổi tên lực lượng Cảnh vệ Nội địa và Biên cương thành lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Trung ương chuẩn y việc đổi tên. Ngày 11-2-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 106/TTg bổ nhiệm Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Công an giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg, về việc thống nhất các lực lượng bảo vệ biên giới và nội địa, thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Sau đó, Chính phủ ra Nghị định quy định quân hàm, phù hiệu cho Công an nhân dân vũ trang, với nền màu xanh lá cây, màu của đồng lúa, núi rừng biên cương Tổ quốc.

Hai ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 100/TTg (tức ngày 5-3), Bác nói với đồng chí thư ký Vũ Kỳ gọi điện mời ông sang làm việc. Khác với lần trước, lần này tâm trạng ông rất vui. Ông nhẩm tính trong đầu những cơ sở khoa học để sát nhập ba lực lượng Công an biên phòng, Cảnh sát vũ trang, Bộ đội bảo vệ biên giới, giới tuyến, bờ biển thành một lực lượng Công an nhân dân vũ trang, chuyên trách, nòng cốt, bảo vệ biên giới và nội địa. Nhưng khi gặp ông, Bác không nói về Đề án mà lại hỏi han tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ khi chuyển sang lực lượng vũ trang mới. Ông báo cáo: "Thưa Bác, bước đầu do nhận thức về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang mới chưa được rõ ràng, sâu sắc, nên một số cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện thiếu an tâm, phấn khởi; so sánh, đắn đo về sự vinh quang giữa quân đội và công an; băn khoăn về chế độ, chính sách, quyền lợi hưởng thụ; số khác thì ngại khó, ngại khổ vì ở biên phòng xa xôi; các đồng chí ở Công an chuyển sang thì suy nghĩ về lương bổng, chức vụ, ngại điều lệnh gò bó. Những điều đó đang là những mặt hạn chế. Bác không hỏi gì thêm, chỉ dặn ông: "Chú Tuệ này, sắp tới, chú phải làm sao cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng hiểu cặn kẽ về biên giới, hải đảo của chúng ta có từ lúc nào. Cha ông ta phải đấu tranh về quân sự, ngoại giao như thế nào mới có được. Các dân tộc đang cư trú ở đó, ai là dân bản địa, ai mới đến cư trú. Phong tục tập quán, làm ăn, qua lại biên giới... phải khéo léo sưu tầm tài liệu từ sắc phong thành hoàng, tới văn tự ruộng đất qua các đời vua trước đây, vì đó là chứng lý đất mình".

Ngừng một lát, như suy nghĩ điều gì, rồi Bác nói tiếp: "Biên giới có lúc bình, lúc biến, lúc hữu nghị, lúc cam go, vì vậy, lúc bình phải chuẩn bị cho lúc biến. Chú Tuệ phải nhớ là, đất nước của người, thì dù là núi vàng, núi bạc, ta cũng không ham. Nhưng là của ta thì dù là cát, là sỏi vẫn kiên quyết giữ lấy. Vì đó là xương máu mà cha ông ta đã đổ ra mới có được".

Bác còn căn dặn ông rằng, phải bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng có kiến thức toàn diện, không chỉ hiểu biết sâu sắc về chính trị, quân sự, nghiệp vụ công an, mà còn phải am hiểu về pháp luật trong nước và quốc tế, về ngoại giao, y tế và kinh tế. Bác nói: "Cán bộ, chiến sĩ ta đều là lính bộ binh, trình độ văn hóa có hạn nên phải vừa học, vừa làm. Cần phải liên hệ với các trường đại học như Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp, Đại học Nông nghiệp, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Ngoại giao... để họ giúp về tri thức và cùng họ nghiên cứu các đề tài khoa học về biên giới, hải đảo". Bác nhắc nhở ông, ngay từ bây giờ, phải suy nghĩ đến kế hoạch khi đất nước thống nhất, vấn đề biên giới, hải đảo, vùng trời, vùng biển là rất phức tạp và khó khăn.

Sau khi tổ chức, biên chế cơ bản ổn định, cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền biên cương Tổ quốc, náo nức hướng về Thủ đô Hà Nội, chờ đón ngày lễ tổ chức thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Chiều ngày 28-3-1959, tại Câu lạc bộ Quân nhân Hà Nội, hơn 600 đại biểu thay mặt cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đang nắm chắc tay súng ở biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, đã về dự lễ khai sinh lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang, đến dự lễ và huấn thị cho toàn lực lượng.

Trước khi đến dự lễ thành lập lực lượng, Bác đã được nghe phản ánh về tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Họ vẫn còn nhiều băn khoăn: Sang lực lượng mới về chế độ, chính sách liệu có còn như quân đội nhân dân nữa không? Để giải đáp những băn khoăn thắc mắc ấy, Bác không giải thích nhiều về lý luận mà lấy hình ảnh thực tế để chứng minh cho dễ hiểu. Bác chỉ vào Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh kiêm Chính ủy ngồi hàng ghế đầu, nói: "Chú Tuệ đứng dậy"!. Với bộ lễ phục màu trắng, cấp hiệu, phù hiệu màu xanh lá cây, đội mũ kê pi trắng, gắn quân hiệu màu xanh lá cây, viền quanh là hình bông lúa, giữa có ngôi sao vàng năm cánh, phía dưới có hai chữ "CA" thay cho hình bánh xe, ông nghiêm trang đứng dậy, gương mặt phấn khởi nhìn Bác. Bác nói tiếp: "Chú Tuệ quay mặt lại phía sau". Sau khi ông quay mặt về phía sau, Bác hỏi mọi người trong hội trường: "Nhìn vị Tướng này, các chú thấy có gì phải băn khoăn, thắc mắc nào"? Lúc này, mọi người trong hội trường nhìn nhau và hiểu ra. Ý Bác đã rõ, Công an nhân dân vũ trang và Quân đội nhân dân đều là lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước, như vậy thì các chế độ, chính sách cũng vẫn như Quân đội nhân dân. Mọi người hiểu ý Bác cùng cười lên vui vẻ làm cả hội trường sôi động hẳn lên. Bác cũng cười với một tình cảm âu yếm và hỏi lại: "Các chú còn thắc mắc gì nữa không"?. Tất cả đều đồng thanh đáp: "Thưa Bác, không ạ"!. Bác cười. Mọi người cùng cười rất thoải mái.

Sau khi nói chuyện và giao nhiệm vụ cho lực lượng xong, Bác tóm tắt những ý chính thành một bài thơ. Khi đọc đến câu "Dũng cảm trước địch, phấn bất cố thân", Bác dừng lại nói: "Bác vội, dùng câu: Phấn bất cố thân là ý muốn nói: Vì nước không nghĩ đến tấm thân mình. Chú nào có ý hay, sửa cho gọn". Ở giữa hội trường có đồng chí đứng lên thưa với Bác: "Dạ! Thưa Bác, xin lấy lời Bác. Vì nước quên thân là hay ạ"!. Bác lắng nghe rồi nói tiếp: "Vì nước quên thân thay cho phấn bất cố thân được không"?. "Dạ! Thưa Bác, được ạ"!. Cả hội trường lại vang lên tiếng cười vui phấn khởi. Bác cũng cười vui vẻ và nói: "Cho hay, việc đánh giặc cũng như làm thơ, có ý kiến của quần chúng tham gia vào là tốt thực".

Từ đó, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (Bộ đội Biên phòng ngày nay) có bài thơ Bác tặng, đó là: "Đoàn kết, cảnh giác/Liêm chính, kiệm cần/Hoàn thành nhiệm vụ/Khắc phục khó khăn/Dũng cảm trước địch/Vì nước quên thân/Trung thành với Đảng/Tận tụy với dân". Lời căn dặn và bài thơ của Bác tặng đã ghi sâu vào tâm trí của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Kết thúc bài nói của Bác, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ thay mặt toàn thể cán bộ, chiến sĩ bày tỏ lòng biết ơn trước sự chăm sóc ân cần của Bác Hồ, của Trung ương Đảng, Chính phủ đối với lực lượng Công an nhân dân vũ trang còn non trẻ và hứa thực hiện nghiêm chính lời dạy quý báu của Người, cùng nhau đoàn kết nhất trí, gắn bó máu thịt với nhân dân, khắc phục khó khăn, nhanh chóng xây dựng lực lượng trưởng thành về mọi mặt, làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân tin tưởng giao phó. Các đại biểu cũng mang theo lời dạy ân cần của Bác và lời hứa trang nghiêm của Tư lệnh kiêm Chính ủy về với cán bộ, chiến sĩ đang chắc tay súng bảo vệ biên cương, bờ biển, hải đảo, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu quan trọng ở nội địa của Tổ quốc.

"Vạn sự khởi đầu nan" - Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ thường nhắc lại câu ấy. Ngày đầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang khó muôn bề. Ở biên giới Việt - Trung, bọn đặc vụ, bọn phản cách mạng từ Trung Quốc sang cấu kết với bọn phản động trong tầng lớp trên ở vùng đồng bào các dân tộc, bọn phỉ cũ ở miền núi "xưng vua", nổi phỉ, gây bạo loạn, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Chúng đã gây bạo loạn ở Hồ Thầu, Giào San (Lai Châu), A Lung, A Mú Sung (Lào Cai), Thanh y (Hải Ninh), Đồng Văn (Hà Giang)... gây ra nhiều thiệt hại về người và của, làm cho quần chúng hoang mang, tình hình an ninh rất phức tạp. Còn ở biên giới Việt - Lào, đế quốc Mỹ thực hiện kiểu "Chiến tranh đặc biệt", bằng cách tăng cường chi viện vũ khí, tiền bạc cho bọn phản động "Phái hữu", chống lại cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Lào. Chúng lợi dụng địa bàn Lào để tung gián điệp, biệt kích và bọn phản động Thái, Mèo lưu vong vào các tỉnh biên giới miền Bắc tổ chức nổi phỉ, gây bạo loạn, phá hoại nước ta. Được Mỹ hỗ trợ vũ khí, tiền bạc, bọn "Phái hữu" tăng cường các hoạt động vũ trang dọc biên giới, đóng thêm đồn bốt trên tuyến Việt-Lào. Đáng chú ý là lực lượng Thái lưu vong của Đèo Văn Long và Lò Khăm Thi chỉ huy, gồm 10 đại đội, hoạt động dọc theo biên giới Việt - Lào. Ở giới tuyến quân sự Vinh Linh, Mỹ - ngụy tăng cường quân số trên đường số 9 và các toán tình báo, gián điệp, xâm nhập ở vùng núi. Khu phi quân sự phía Nam, chúng tổ chức huấn luyện người nhái, hải phỉ tập kết ở Cửa Việt để thường xuyên tung ra bờ Bắc hoạt động. Ở tuyến biển, Mỹ - Diệm dùng tàu chiến ngoài khơi hoặc dùng thuyền bí mật tung gián điệp, biệt kích người nhái vào các vùng ven biển miền Bắc.

Ngoài ra, địch còn liều lĩnh dùng bọn biệt kích người nhái, đột nhập bất ngờ, đánh phá các mục tiêu kinh tế, chính trị quan trọng, các đồn Biên phòng, đài quan sát ở khu vực cửa biển và các cầu dọc quốc lộ I. Chúng còn cấu kết với bọn phản cách mạng, nhất là bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa để gây bạo loạn, phá hoại rồi chạy trốn vào Nam. Ở nội địa miền Bắc sau ngày giải phóng, bọn gián điệp Pháp, Mỹ và các thế lực phản động khác đã cài cắm cơ sở, tiếp tục lén lút hoạt động, móc nối với bọn phản động, đế quốc bên ngoài, chống phá chế độ ta trước mắt và lâu dài. Miền Bắc thời kỳ này vẫn còn 181.821 ngụy quân, 67.834 ngụy quyền, trên 3 vạn gián điệp, chỉ điểm, phản động, cùng hàng ngàn đối tượng lợi dụng đạo Thiên chúa và dân tộc ở miền núi hoạt động chống phá cách mạng. Trong khi đó, lực lượng Công an nhân dân vũ trang vừa mới được triển khai thành lập. Ngành Công an chuyển sang 1.200 người, Quân đội chuyển qua 12.682 người, chỉ đạt 70% quân số, vì vậy, quân số trên các đồn biên giới và các đơn vị bảo vệ mục tiêu nội địa quân số còn thiếu nhiều. Để đảm bảo cho các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ chỉ đạo, tuyển 5.000 thanh niên trẻ, khỏe, có lý lịch trong sạch vào làm nghĩa vụ quân sự trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang; đồng thời, tập huấn nghiệp vụ cho 135 cán bộ sơ cấp, điều động bổ sung tăng cường về các đồn, trạm biên phòng Việt - Trung, Việt - Lào và giới tuyến quân sự tạm thời. Để có cán bộ phục vụ lâu dài trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã chỉ đạo cơ quan Cán bộ rà soát lại số cán bộ có trình độ văn hóa cao, gửi đi đào tạo tại các trường Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và các trường đại học bên ngoài.

Ông cho biết, lực lượng Công an nhân dân vũ trang gian nan nhất là ở thời kỳ đầu, vừa phải củng cố xây dựng đồn, trạm biên phòng, vừa phải triển khai tiễu phỉ, đánh gián điệp, biệt kích bảo vệ biên giới, giới tuyến thực hiện phương châm "vừa xây dựng, vừa chiến đấu". Cuối năm 1959, tình hình khu vực biên giới Hà Giang trở nên rất phức tạp. Cuộc cải cách dân chủ ở đây đang bước vào giai đoạn mới: Giai đoạn đánh đổ uy thế và ảnh hưởng của bọn phong kiến thổ ty, xóa bỏ vĩnh viễn giai cấp bóc lột và những phần tử phản động, chỗ dựa cuối cùng của chủ nghĩa đế quốc. Vì vậy, bọn phản cách mạng đã tập hợp cấu kết với nhau gây bạo loạn ở hai huyện biên giới Đồng Văn và Hoàng Su Phì. Sau khi cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh phân tích đánh giá tình hình, ông đã phái các Đoàn công tác Tham mưu, Chính trị, Trinh sát cùng với Công an nhân dân vũ trang Hà Giang xuống các địa bàn Đồng Văn, Hoàng Su Phì để nắm tình hình và đề ra phương án chiến đấu. Nhiều lần ông trực tiếp cùng với các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Việt Bắc, Tỉnh ủy Hà Giang họp phân tích đánh giá các sự kiện đang xảy ra. Ông và lãnh đạo địa phương thống nhất quan điểm là, kiên quyết lãnh đạo quần chúng đẩy mạnh cải cách dân chủ, phát động nhân dân cùng với Công an nhân dân vũ trang truy quét bọn đặc vụ, bọn tàn quân phỉ, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và các lực lượng công an, dân quân, đảm bảo đời sống yên vui hạnh phúc cho nhân dân. Ông đến từng đồn Biên phòng thăm hỏi, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào. Trước mắt, ông yêu cầu các đồn bàn với địa phương giải quyết nạn đói giáp hạt cho bà con. Các đội công tác kiên trì tuyên truyền, giáo dục quần chúng, phân hóa tầng lớp trên, cô lập những phần tử xấu, kiên quyết trừng trị những tên chủ mưu, chủ ác chống lại chính quyền cách mạng. Đồng thời, Bộ Tư lệnh điều tăng cường Tiểu đoàn 12, Công an nhân dân vũ trang, Tiểu đoàn 55, Biên phòng Cao Bằng lên Hà Giang phối hợp với Trung đoàn 246 Việt Bắc và lực lượng vũ trang của Bạn để trấn áp phỉ.

Trong một cuộc họp Đảng đoàn Bộ Công an, ông phân tích tình hình Đồng Văn, Hoàng Su Phì và đề nghị Bộ Chính trị cho giải quyết vấn đề phỉ Đồng Văn bằng phương pháp quân sự kết hợp với chính trị, nghiệp vụ.

Ngày 30-11-1959, bọn phản động đã đóng cửa Cổng Trời, gây bạo loạn ở 15 trong số 22 xã của huyện Đồng Văn. Chúng đuổi cán bộ Công an nhân dân vũ trang đang công tác ở các xã, đồng thời, chia lực lượng tấn công vào thị trấn Đồng Văn. Sau đó, chúng đánh vào xã Lũng Phin, chiếm Mèo Vạc, Na Khô, Ngàn Sơn rồi đánh xuống các xã Đông Hà, phía Nam Cổng Trời. Đi đến đâu, bọn phỉ cũng tìm bắt cán bộ, cướp thóc gạo, hàng hóa, bắt ép nhân dân theo chúng, chống lại chính quyền. Bọn phỉ đã giết 42 cán bộ, bộ đội và ép 16 người dân theo phỉ, phá kế hoạch sản xuất và kinh tế của địa phương.

Để tiếp tay cho bọn phỉ nổi lên, gây bạo loạn ở Đồng Văn, bọn Mỹ - Diệm đã sử dụng Đài Gươm thiêng ái quốc", tuyên truyền kích động và hứa hỗ trợ cho bọn phỉ. Thấy đây là cơ hội tốt để đánh người vào nội bộ chúng, Thiếu tướng Phan Trong Tuệ xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ đưa Trần Tuấn Nghĩa, người giàu kinh nghiệm đánh địch, trong vai "Trung tướng đặc phái viên của Diệm", ra hỗ trợ cho bọn phỉ. Trần Tuấn Nghĩa đã nhanh chóng gây được uy tín với tên chỉ huy phỉ Vàng Chúng Dình và xây dựng được một số cơ sở mật, thu thập nhiều tin tức quan trọng, gửi về Ban chỉ đạo. Sau này, chính Trần Tuấn Nghĩa và phân đội Công an nhân dân vũ trang đã bắt sống Vàng Chúng Dình, Vù Mí Na và một số tên cầm đầu phỉ khác.

Trong suốt thời kỳ mở chiến dịch truy quét phỉ ở Đồng Văn, nhiều hôm ông phải thức trắng đêm để vạch kế hoạch tác chiến, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị Công an nhân dân vũ trang phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 2 tiêu diệt từng cụm phỉ. Ngày 24-12-1959, quân ta giải vây ở Đồng Văn, tiến hành truy quét phỉ ở nhiều xã trong huyện. Ngày 31-1-1960, ta bao vây Cổng Trời. Dưới sự chỉ đạo của ông, Công an nhân dân vũ trang phối hợp với các lực lượng khác, tổ chức bao vây, từ ngoài đánh vào, kết hợp với trinh sát nội tuyến từ trong đánh ra, bắt và tiêu diệt số phỉ còn lại. Trong trận đánh này, nhiều chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đã chiến đấu dũng cảm lập nhiều thành tích như: Thượng sĩ Mai Xuân Hùng, Nguyễn Văn Hướng, Giàng Mí Quả, Hầu Mí Chơ...

Vụ bạo loạn của bọn phản động ở Đồng Văn có 1.112 tên tham gia, trong đó có 65 tên trước đây là cán bộ xã bị thoái hóa, 188 tên phản động từ Trung Quốc chạy sang. Ta tiêu diệt 91 tên, bắt sống 100 tên (ngoài Vương Chí Sình còn có nhiều tên cầm đầu khác như: Vàng Chúng Dình, Vàng Chỉn Cáo, Giàng Vạn Sùng, Lý Nhè Lùng, Vàng Vạn Sinh...), thu 355 súng và nhiều tài liệu quan trọng khác.

Thiếu tướng Huỳnh Thủ, người gắn bó với ông trong những năm tháng ở Quân khu 9 của những ngày đánh Pháp và cũng là người cộng sự đắc lực với ông trong xây dựng "Đề án tổ chức lực lượng Công an bảo vệ Biên phòng và Nội địa", đã cho biết: Những ngày đầu đối với lực lượng Công an nhân dân vũ trang thật là gian khó đồng thời là những thử thách lớn đối với vị chỉ huy đầu tiên của lực lượng. Ở đâu có phỉ là ở đó có mặt Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy. Hết tiễu phỉ ở Đồng Văn, Hoàng Su Phì (Hà Giang) lại sang Pha Long (Lào Cai).

Giữa năm 1959, ở khu vực Pha Long, bọn địa chủ, phỉ cũ chưa chịu cải tạo, có tư tưởng phục thù, đã móc nối với bọn đặc vụ Tưởng Giới Thạch, tập hợp lực lượng, hòng lật đổ chính quyền cách mạng ở Pha Long. Chúng tuyên truyền tư tưởng phản động và phao tin Mỹ - Diệm đang "Bắc tiến", phỉ sắp nổi lên chiếm tỉnh Lào Cai. Chúng đã tập hợp được 63 tên, trong đó có cả số dân quân, công an bản biến chất. Cầm đầu bọn này là Lý Seo Tả, Liu Sin Siêu, Vàng Dìn Sầu...

Ngày 4-9-1960, bọn phản động tấn công vào cửa hàng mậu dịch Pha Long, cướp tài sản của nhà nước, sau đó chiếm các cơ quan Dân chính đảng ở thị trấn. Tư lệnh Phan Trọng Tuệ đã chỉ đạo các đơn vị Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lào Cai phối hợp với lực lượng cơ động chi viện của Bộ Tư lệnh, tổ chức tấn công quân địch ở đồi Lao Táo và Đồi Thông. Bọn phản động bị bao vây cô lập, chúng hoang mang, dao động, số ra đầu hàng, số ngoan cố chạy trốn qua biên giới, lực lượng tan rã dần. Ngày 5-9-1960, ông chỉ đạo đánh chiếm lại thị trấn Pha Long, bắt 29 tên ngoan cố. Số tàn quân do Lý Sẻo Tả, Vàng Dìn Sầu chỉ huy, đã chạy thục mạng qua biên giới. Nhưng chúng cũng không thoát khỏi vòng vây của Công an Biên phòng Trung Quốc.

Trong chiến đấu chống phỉ, ông thường căn dặn cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang: Vấn đề gây phỉ, gây bạo loạn vũ trang ở biên giới, thực chất là âm mưu thâm độc và lâu dài của địch nhằm phá hoại chính quyền cách mạng. Trong đấu tranh phải biết kết hợp giữa công tác đấu tranh để vạch trần âm mưu của địch, với việc tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, kết hợp với công tác xây dựng, cải thiện đời sống cho đồng bào. Chúng ta không đơn thuần dùng biện pháp vũ trang, mà phải kết hợp chặt chẽ với công tác vận động quần chúng, huy động lực lượng địa phương cùng tham gia đánh địch mới có hiệu quả. Trong khi thực hiện chính sách trấn áp, phải biết kết hợp tốt giữa nghiêm trị với khoan hồng. Kiên quyết trừng trị những tên cầm đầu ngoan cố, mở rộng, khoan hồng với những người lầm đường, bị ép buộc. Mạnh dạn "tha, bắt nhiều lần" đối với số đối tượng cầm đầu; lôi kéo; sử dụng số đối tượng đầu hàng, đầu thú, để kêu gọi đồng bọn của chúng về với cách mạng, với nhân dân. Trong đấu tranh phải biết dựa vào quần chúng cơ bản, nắm khâu then chốt và kiên trì giáo dục, phân hóa, tranh thủ tầng lớp trên tiến bộ, tạo sự đồng thuận của quần chúng, từ đó vạch trần âm mưu thâm độc của bọn đế quốc. Về công tác nghiệp vụ, lực lượng Công an nhân dân vũ trang phải kết hợp giữa việc truy lùng, bao vây, gọi hàng, trấn áp với việc tăng cường công tác Trinh sát để điều tra, khám phá, dùng địch để đánh địch; phải điều tra, nghiên cứu, nắm vững tình hình địch một cách thường xuyên, với thái độ kiên trì, nhẫn nại, luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và đồng bào các dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tướng Huỳnh Thủ kể tiếp: Giữa năm 1959, trong khi Đảng ủy và Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương đang chỉ đạo các đơn vị trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung và Đoàn Công an nhân dân vũ trang Thanh Xuyên, chiến đấu tiễu phỉ ở Bát Đại Sơn, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, thì thấy máy bay địch xâm phạm vùng trời của ta. Chúng bay cả ban ngày lẫn ban đêm, cường độ ngày một tăng. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã chỉ đạo các đơn vị Công an nhân dân vũ trang theo dõi, ghi chép đầy đủ ngày, giờ, địa điểm, đường bay của máy bay địch. Trong một cuộc họp của lãnh đạo Bộ Công an, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ đã báo cáo hiện tượng lạ trên. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ đạo: Tình báo của ta đã nắm được thông tin, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh triển khai chiến dịch "Chiến tranh bí mật", hòng phá hoại miền Bắc Việt Nam. Mục đích của Mỹ trong chiến dịch này là làm cho ta mất ổn định về chính trị, suy yếu về kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, thực hiện cái mà chúng gọi là "đánh vào nguồn gốc xâm lược" từ Bắc Việt Nam. Vì vậy, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang cần nâng cao cảnh giác, chủ động đề phòng địch thả gián điệp, biệt kích.

Quán triệt sự chỉ đạo của Bộ trưởng, ngày 22-9-1959, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã triệu tập Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Trung ương họp bất thường. Trên cơ sở phân tích tài liệu mà trinh sát thu thập được, kết hợp với ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Đảng ủy thống nhất nhận định tình hình, đồng thời giao cho cơ quan Tham mưu, chỉ thị ngay cho các đơn vị Công an nhân dân vũ trang: Tiếp tục theo dõi hướng máy bay địch xâm nhập, dự kiến những điểm chúng có thể thả gián điệp, biệt kích, để bố trí lực lượng lùng sục, vây bắt; phối hợp với công an xã, dân quân địa phương, giám sát các hoạt động của bọn đối tượng hiềm nghi đã sưu tra ở khu vực biên giới; vận động quần chúng nâng cao cảnh giác, chống âm mưu mới của Mỹ - Diệm.

Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương cũng nhận định: Tuyến biên giới Việt - Lào và tuyến biển là hướng trọng điểm, xung yếu nhất, cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị phòng chống gián điệp, biệt kích, hải phỉ, người nhái của địch. Trước mắt, đồng chí Tư lệnh chỉ đạo các đồn Công an nhân dân vũ trang tuyến biển, mỗi đơn vị thành lập thêm một trung đội hay đội cơ động thuyền mặt nước. Xác định tuyến biên giới Việt - Lào là địa bàn chiến lược quan trọng, ông chỉ đạo các đơn vị khẩn trương chọn những chiến sĩ ưu tú, có kinh nghiệm chiến đấu trong tiễu phỉ, đưa sang giúp bạn Lào ở các xã dọc biên giới. Đội công tác này được Tướng Tuệ đặt tên "Đội công tác 3 mặt (nắm tình hình địch, xây dựng cơ sở nhân cốt, phát động quần chúng và chiến đấu).

Đúng như nhận định, mùa hè năm 1960, dấu hiệu hoạt động gián điệp, biệt kích đã xuất hiện ở tuyến biên giới Việt - Lào và giới tuyến quân sự tạm thời Vĩnh Linh. Thám báo của các sư đoàn Ngụy, ở Nam giới tuyến, bọn gián điệp ở Tiểu khu Quảng Trị, Huế, bọn gián điệp của Sở nghiên cứu Chính trị - xã hội (cơ quan tình báo chiến lược của Mỹ - Diệm), được tung ra miền Bắc, thâm nhập theo hai khu vực: Giới tuyến quân sự tạm thời (vĩ tuyến 17) và biên giới Việt - Lào. Bọn gián điệp, biệt kích của lực lượng Vàng Pao ở Loong Chẹng, núp dưới danh nghĩa quan hệ dân tộc, thân tộc hai bên biên giới, cũng lén lút xâm nhập hoạt động ở miền Tây Nghệ An.

Theo Thiếu tướng Huỳnh Thủ, Tư lệnh kiêm Chính ủy Phan Trọng Tuệ là người rất cẩn trọng trong chỉ đạo tác chiến. Ông thường nhắc chúng tôi, khi chỉ đạo đánh gián điệp, biệt kích phải nắm chắc phương châm công tác của Ngành: "Đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, kết hợp giữa đấu tranh công khai với đấu tranh bí mật, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu". Quán triệt phương châm công tác này, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang đã vận dụng các cách đánh nghiệp vụ linh hoạt, sáng tạo, lần lượt "cất vó" nhiều toán gián điệp, biệt kích. Chỉ tính từ giữa năm 1960 đến đầu năm 1961, Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh đã bắt được 22 tên gián điệp, trong đó có những tên thuộc cơ quan tình báo chiến lược của Mỹ - Diệm. Ở miền Tây Nghệ An, bọn gián điệp, tình báo, phản động Lào như các tên Lương Thống Xây, Lầu Bá Chay, Uông Bằng Vàng, Ga Giê... lần lượt sa lưới Công an nhân dân vũ trang. Đáng chú ý nhất ở địa bàn Nậm Cắn, tổ tuần tra Công an nhân dân vũ trang đã phát hiện tên biệt kích Đê Lung Chi, dân tộc Hrê, quê ở Sơn Hà, Quảng Ngãi, được cơ quan tình báo chiến lược Mỹ - Diệm phái ra Bắc theo một vòng cung Buôn Ma Thuột - Viêng Chăn - Nghệ An. Ở địa bàn Đồn biên phòng Na Loi (Nghệ An), ta còn bắt được tên gián điệp Đậu Trọng Phúc, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, chạy vào Nam theo địch, được chúng huấn luyện, rồi tung về với nhiệm vụ điều tra tình hình Khu 4.

Thắng lợi của Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh, Tiểu khu 78, Công an nhân dân vũ trang Nghệ An trên mặt trận chống gián điệp Mỹ - Diệm - Vàng Pao đã mở màn cho những cuộc chạm trán quyết liệt giữa ta và địch. Thắng lợi đó thể hiện sự nhận định đúng đắn, kịp thời của Đảng ủy và sự chỉ đạo, chỉ huy chuyển hướng nhanh, nhạy trong "Cuộc vận động thường trực chiến đấu chống gián điệp", biệt kích của Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương, trong đó có vai trò chỉ đạo của Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh kiêm Chính ủy.

Đại tá Trần Liêu, nguyên Tổng Biên tập báo Công an nhân dân, là một trong những người có mặt đầu tiên kể từ ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Ông là người đã tham gia hoặc chứng kiến một số sự kiện có ý nghĩa quan trọng của lực lượng và có nhiều kỷ niệm với Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ. Ông kể, đầu năm 1959, một đoạn Quốc lộ số 1, ở đầu cầu bờ Bắc Hiền Lương (cây cầu bắc qua giới tuyến quân sự tạm thời), bị hỏng nặng. Công ty giao thông đường bộ cho 2 xe vận tải chở đá dăm đổ bên lề đường để chuẩn bị sửa chữa. Nghe tiếng động cơ ô tô, cảnh sát ngụy ở bờ Nam lao ra ranh giới giữa cầu nhòm ngó, nhưng tình hình vẫn bình yên. Bất ngờ hôm đó, một lái xe bất mãn đổ đá xong, vội rú ga, giơ "cờ trắng" đâm đầu chạy vọt qua cầu, sang phía bờ Nam. Lính ngụy nhốn nháo xô ra áp tải chiếc xe này chạy khuất vào phía trong. Tối hôm sau, chúng đưa tên lái xe phản bội ra "Trạm tâm lý chiến", nơi có loa phóng thanh của bờ Nam chõ sang bờ Bắc, hỗn láo xuyên tạc, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc, kích động nhân dân hai bên bờ sông giới tuyến.

Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh báo cáo Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương vụ vượt tuyến lịch sử này và xin phương hướng giải quyết. Tham mưu trưởng Huỳnh Thủ và cả cơ quan Bộ Tư lệnh như ngồi trên đồng lửa, hết cuộc họp này đến cuộc họp khác bàn phương án khắc phục sự cố đầu tiên.

Sáng sớm hôm sau, mới đầu giờ làm việc, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã sang phòng làm việc của Cục Tham mưu, ông hỏi: "Đồng chí Huỳnh Thủ đâu"? Từ phòng làm việc bên trong, Tham mưu trưởng Huỳnh Thủ lên tiếng: "Đạ, báo cáo anh, tôi đây". Rồi Tham mưu trưởng bước ra nói tiếp, nhưng có phần dè dặt: "Báo cáo Tư lệnh, Cục Tham mưu đã dự thảo chỉ thị bảo vệ Giới tuyến quân sự xong, nhưng chưa đạt. Tôi đang sửa chữa, xin Tư lệnh đến sáng mai sẽ có văn bản đánh máy hoàn chỉnh, trình Tư lệnh". Ông nổi giận: "Còn chờ... chờ gì nữa? 24 tiếng đồng hồ rồi. Trong chiến đấu, qua 24 tiếng đồng hồ, cơ quan Tham mưu các anh có ai đoán biết được những việc gì đã xảy ra không. Anh đưa tài liệu đây cho tôi. Sau một giờ nữa, cho một thư ký đánh máy tin cậy sang phòng làm việc của tôi". Nói xong, ông đi luôn về phòng làm việc.

Biết tính Tư lệnh, tham mưu trưởng Huỳnh Thủ vội giao ngay nhiệm vụ cho ông Trần Liêu mang chiếc máy chữ mới nhất, nhãn hiệu Portatif, sang phòng làm việc của Tư lệnh. Vừa đi, Đại tá Trần Liêu vừa lo. Lo là trình độ đánh máy của ông không đến nỗi "lộc cộc" như gà mổ thóc, nhưng cũng chưa phải là điêu luyện, gõ được cả 10 đầu ngón tay. Bước vào phòng làm việc của Tư lệnh, ông trấn tĩnh lại, tìm chỗ đặt máy và chờ Tư lệnh đưa tài liệu. Nhưng không, Tư lệnh cứ chắp tay sau lưng, đi đi lại lại, làm ông thấy sợ. Rồi bất ngờ Tư lệnh đọc lớn "Việt Nam dân chủ... đánh đi - đánh ở giữa dòng.... Mệnh lệnh..". Cứ thế Tư lệnh đọc từng từ, từng câu, dấu chấm câu, đề mục, tiểu mục... không lặp nội dung, ý tứ.. cả những số thứ tự cũng rành mạch, rõ ràng, làm ông thấy ngạc nhiên đến khâm phục. Thỉnh thoảng Tư lệnh bảo ông đọc lại từng đoạn cho Tư lệnh nghe để cân nhắc, sửa chữa những vấn đề mà Tư lệnh cảm thấy chưa vừa ý. Qua phong cách làm việc này, Đại tá Trần Liêu thầm nghĩ: Tư lệnh đúng là một vị tướng tài ba, có trình độ chính trị, nghiệp vụ cao, nhạy bén, quyết đoán, xử trí tình huống xảy ra trên các địa bàn rất cụ thể và linh hoạt.

Tư lệnh làm việc quên cả ăn cơm trưa, quên uống nước, đến một giờ chiều đã hoàn thành xong hai văn bản: "Mệnh lệnh hỏa tốc" gửi các đơn vị Đặc nhiệm và "Mệnh lệnh điều chỉnh lực lượng bố phòng Giới tuyến quân sự tạm thời trong tình hình mới". Tư lệnh ký ngay tại chỗ và giao cho Văn phòng Bộ Tư lệnh gửi bằng đường công văn hỏa tốc.

Trong công việc, Tư lệnh là người rất nghiêm khắc. Nhưng hết giờ làm việc, trong sinh hoạt, ông như người bạn, người anh gần gũi, chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ như người thân của mình. Ông rất thích vẽ truyền thần, chụp ảnh, đặc biệt là rất mê bóng đá. Chiều nào cũng vậy, cứ hết giờ làm việc, ông lại cùng anh em ra sân bóng đá của cơ quan Bộ Tư lệnh. Lúc đá bóng hay khi ngồi ngoài động viên hai đội, ông cũng hò hét cười vui ầm ĩ. Một buổi chiều, không ai biết ông ra sân, từ khi nào, cao hứng lên ông nói lớn: "Cho tớ tham gia với". Nói xong, Tư lệnh cởi áo chạy theo quả bóng đá luôn. Hóa ra nãy giờ, ông đứng ngoài động viên và biết một bên còn thiếu người nên tự bổ sung mình vào bên ấy. Xem ra "vị cầu thủ" này cũng tầm cỡ, chạy khá nhanh, dắt bóng rất điệu nghệ, lại có "động tác giả" đánh lừa đối phương. Mặc dù vậy, cầu thủ nhà có lúc e dè, không dám tranh cướp bóng, sợ chạm vào chân ông nhỡ có bề gì thì gay go to. Có lần, ông tỏ ra bực mình, dừng bóng lại bảo: "Các cậu phải xáp vào chứ, tranh bóng thật lực vào, cứ láng cháng chạy theo để mình tớ đá, còn ra làm sao nữa". Được Tư lệnh bật đèn xanh, mọi người trong sân bạo dạn hơn. Tiền đạo Bảy (Đồ bản), Huyền (Quân lực), nhiều lần tranh được bóng của ông, đi bóng lắt léo, chạy băng băng rồi bất ngờ đưa bóng quay lại làm ông suýt ngã... còn Lê Kỳ Lộc, Trưởng trạm Quân bưu, người ngắn một mẩu, nhưng tả xung hữu đột, nhiều lần đã lấy được bóng trong chân Tư lệnh, khi ông chuẩn bị sút vào khung thành đối phương. Ông quay lại cười và khen: "Tay này chơi được"!

Vào một buổi chiều đầu xuân, anh em ở cơ quan nhất trí chơi một trận mở màn mừng xuân thật "máu lửa" để lấy hên cho cả năm. Ông đồng tình và cũng tham gia. Cán bộ, chiến sĩ ra sân rất đông để cổ vũ hai đội, trong đó có cả phu nhân Tư lệnh. Đang ngồi bên này sân, thấy nắng chói, bà chạy ngang qua sân sang phía bên có hàng cây nhãn tỏa bóng mát. Cùng lúc đó, Tư lệnh đang dẫn bóng lao đến. Không biết vô tình hay hữu ý, ông chạm bóng vào người bà, làm bà ngồi khuỵu xuống sân... Tư lệnh xử trí rất nhanh, bế ngay bà lên, chạy vào nơi có hàng cây nhãn và bảo: "Xin "thương binh" ngồi đây nghỉ mát, chút nữa đá bóng xong sẽ đưa đi nhà thương"!. Cả bà và ông cùng cười, làm cho sân bóng đá náo nhiệt hẳn lên, mọi người vỗ tay tán thưởng rào rào.

Trước cửa nhà làm việc của cơ quan Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương còn có hàng sấu cổ thụ, cành lá sum suê tỏa bóng mát rượi. Đến mùa quả chín, những chùm sấu vàng mọng đung đưa trên cành cao trông đến ngon mắt. Để đề phòng xảy ra tai nạn, cơ quan có quy định cấm cán bộ, chiến sĩ trèo cây hái sấu. Mặc dù vậy, nhưng mấy anh em trong cơ quan vẫn rình chọn thời cơ "đánh lén". Hết quả ở những cây sấu "ngoại vi", các chiến sĩ lại đánh lần vào khu "trung tâm", trước cửa phòng làm việc của Tư lệnh. Một hôm vào trưa chủ nhật, doanh trại vắng vẻ, Lê Kỳ Lộc trèo lên cây. Anh mặc chiếc quần đùi bộ đội rộng thùng thình, dây rút dài lê thê. Hái được quả sấu nào, anh cho vào lưng quần cuộn lại thành cái bao tượng quanh người. Còn Trần Liêu và ông Tạo thì chọn vị trí có lợi để quan sát, cảnh giới.

Trong lúc anh Lộc đang say sưa bò ra cành ngang "thu chiến lợi phẩm" thì bất ngờ, Tư lệnh xuất hiện ở bậc tam cấp, trước cửa ra vào. Dáng chừng ông đang thư giãn giữa giờ làm việc, nên vươn vai, hít thở vài cái rồi trở vào phòng ngay. Ai ngờ, chủ nhật mà Tư lệnh cũng làm việc cả buổi trưa. Từ vị trí cảnh giới ở góc tường bên ngoài, ông Tạo ra hiệu báo động cho Lộc rời vị trí, rút xuống đất.

Khi anh Lộc vừa chạm chân xuống đất thì Tư lệnh cũng vừa bước đến. Ông nói nhanh: "A, lại là cậu. Đá bóng chạy cũng nhanh, mà trèo cây cũng bợm đấy chứ". Rồi bất ngờ, ông nhặt quả sấu dưới đất lên, hỏi anh Lộc: "Cậu thấy quả sấu này thế nào"? Anh Lộc nhanh nhảu trả lời: "Dạ, quả ấy bị rơi nên dập nát rồi ạ" đồng thời hồn nhiên sờ tay vào cái "bao tượng", đựng sấu chín quanh người, nói: "Dạ, những quả này còn tươi nguyên". Ông nghiêm nét mặt: "Không phải tôi xin sấu, mà muốn nói, quả sấu nhỏ như thế, rơi từ cành cao xuống đất còn bị dập nát; huống chi con người to lớn thế kia, ngộ nhỡ sấy tay, sẩy chân rơi xuống đất thì còn gì nữa? Cành sấu nó giòn lắm, lần này tha, lần sau sẽ kỷ luật nghiêm. Rõ chưa"? Anh Lê Kỳ Lộc đáp lí nhí: "Báo cáo Tư lệnh, rõ rồi ạ"! Tư lệnh quay vào phòng làm việc, còn anh Lộc vắt chân lên cổ chạy một mạch, quên cả hai người bạn đang đứng ở vị trí cảnh giới sợ hết hồn.

Thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Đảng ta xác định: Củng cố, xây dựng và phát triển Ngành Giao thông vận tải là nhiệm vụ trọng yếu, là mục tiêu ưu tiên số 1 trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc của thời kỳ này. Lúc này, ngành Giao thông vận tải rất cần có một vị "Tư lệnh" đảm lược để gánh vác trọng trách này. Đảng và Nhà nước lại chọn ông - Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ; dẫu biết rằng ông đang giữ cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang, một lực lượng mới được thành lập, còn rất non trẻ, cũng rất cần ông là người chủ trì, chỉ huy để tổ chức xây dựng lực lượng trưởng thành và phát triển. Tháng 3 năm 1961, ông nhận quyết định của Chính phủ bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang xúc động kể lại cho chúng tôi về buổi chia tay Tư lệnh đi nhận nhiệm vụ mới. Trong buổi chia tay ấy, Tư lệnh vẫn không quên nhắc lại những lời Bác đã căn dặn để nhắn gửi cho người ở lại: “Công an Biên phòng đóng quân ở vùng rừng núi, hải đảo phải biết dựa vào nhân dân; được nhân dân tin yêu, giúp đỡ, như vậy công tác mới có kết quả. Những đơn vị đóng quân ở nơi hẻo lánh, gian khổ, đi một bước và phải trèo núi, băng đèo.. cấp trên phải quan tâm nhiều hơn so với những đơn vị đóng ở thành phố. Cấp trên phải chú ý đến đời sống tinh thần, vật chất cho chiến sĩ, nhưng chiến sĩ cũng phải có sáng kiến để cải thiện đời sống của bản thân... Công tác chống gián điệp, biệt kích, phải do cấp ủy thống nhất lãnh đạo; cần huy động và phối hợp chất chẽ giữa các lực lượng quần chúng với các ngành, nhất là lực lượng công an, quân đội, dân quân, du kích địa phương; với phương châm đấu tranh chính trị kết hợp với đấu trang vũ trang, trong đó lấy đấu tranh chính trị là chủ yếu".

Dù ở lĩnh vực công tác nào, ông vẫn tỏ ra là một cán bộ tài năng, thể hiện một tầm tư duy, tri tuệ sáng tạo, sâu sắc. Trước những nhiệm vụ mới, những vấn đề khó khăn, nóng bỏng của đất nước, Đảng và Bác Hồ lại tin tưởng giao trọng trách đó cho ông. Năm 1965, tình hình cách mạng miền Nam có những bước tiến mới rất cần sự chi viện sức người, sức của cho chiến trường, Đảng, quân đội lại điều ông sang làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559 và ông đã trở thành Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại này. Sau chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), ông lại được Đảng, Nhà nước cử làm Tư lệnh đảm bảo giao thông vận tải khu Bốn. Cuối năm 1974, để chuẩn bị mọi nguồn lực cho chiến dịch cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông được Quốc hội bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Thường trực Hội đồng Chi viện giải phóng miền Nam. Khi Tổ quốc hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất (1976), ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho đến ngày nghỉ hưu. Có thể nói, bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân giao phó, ông luôn tận tâm, tận lực vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành một cách xuất sắc.

Tuy chỉ có 2 năm gắn bó với lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nhưng vấn đề biên giới, chủ quyền lãnh thổ và người chiến sĩ Biên phòng vẫn luôn được ông quan tâm đặc biệt. Trong thời gian rời xa lực lượng Công an nhân dân vũ trang để nhận nhiệm vụ khác do Đảng, Nhà nước phân công, hay khi đã về với cuộc sống đời thường, lúc nào ông cũng luôn trăn trở, suy nghĩ về công tác quản lý, bảo vệ biên giới và lo lắng đến đời sống tinh thần, vật chất của người chiến sĩ ngoài biên cương, hải đảo.

Tôi nhớ một lần, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, hôm đó, tôi đang nghỉ trưa ở Tổ Phóng viên Thường trú báo Biên phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nghe có tiếng gõ cửa, tôi bật dậy đi ra đã thấy ông đứng ở đó. Nhìn thấy tôi, ông nói ngay: "Mấy hôm nay không thấy Văn phòng chuyển báo Biên phòng cho mình, chẳng biết tình hình biên giới thế nào? Nhưng đọc bài thơ của anh Lê Đức Thọ đăng trên báo Nhân dân, thấy chiến sĩ ở ngoài biên giới thường trực chiến đấu căng thẳng 24/24 giờ trong ngày, mà ăn cơm gạo hẩm, "cá mục", "canh toàn quốc", "nước chấm đại dương" thì thương quá. Bộ Tư lệnh đã có cách gì chưa"?

Tôi vội lấy tờ báo Biên phòng mới nhất có bài "Công tác hậu cần ở tuyến biên giới phía Bắc" đưa cho ông xem. Ông đọc nhanh dòng tít, mắt như sáng lên và nói: "Tớ về nhà đọc ngay, có gì sẽ gọi điện trao đổi với anh Tuy" (lúc đó, Trung tướng Đinh Văn Tuy đang làm Tư lệnh Bộ đội Biên phòng).

Nhớ về ông, vị Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (sau này là Bộ đội Biên phòng), trong lòng các thế hệ người lính Biên phòng luôn cảm nhận được chân dung về một vị Tướng dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu; thông minh, nhạy bén, khôn khéo trong xử lý các tình huống xảy ra ở biên giới, giới tuyến; chặt chẽ, lịch lãm trong công tác đối ngoại biên phòng; đồng thời là một vị Tướng gần dân, thương lính - ông chính là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, một người con của quê hương xứ Đoài huyền thoại.

Vũ Mạnh Tường

Bình luận

ZALO