Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 31/05/2023 05:13 GMT+7

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của CANDVT

Biên phòng - Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay gọi Bộ đội Biên phòng, sinh năm 1917, quê quán xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Ông sinh ra trong một gia đình yêu nước, trưởng thành ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, sớm giác ngộ, hoạt động trong phong trào Dân chủ, được kết nạp vào Đảng năm 1934.

56ce603967400cd7bf0001a7
Từ trái sang, các đồng chí: Phan Trọng Tuệ, Hoàng Quốc Việt và Trần Tử Bình tại Đại hội Đảng lần thứ II - 2/1951. Ảnh: Tư liệu

Những năm 1940, đồng chí tham gia lớp huấn luyện lý luận cách mạng và hoạt động ở vùng Quảng Tây, Trung Quốc. Đến tháng 1-1942, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Phan Trọng Tuệ được tổ chức cử phụ trách Ban Binh vận của Thường vụ Trung ương Đảng. Năm 1943, sau khi trở về nước, đồng chí được cử vào Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách Liên Tỉnh A (gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình). Sau một cuộc họp, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giải về Phủ Lý nhưng không khai thác được gì, thực dân Pháp đưa đồng chí ra tòa kết án 27 năm tù giam, đưa đi nhà tù Sơn La rồi bị đầy ra Côn Đảo.

Tháng 9-1945, đồng chí Phan Trọng Tuệ được tổ chức bố trí vượt ngục và đón về, sau đó được cử làm Tư lệnh Quân khu 9. Ông đã tham gia tổ chức các chi đội vũ trang; các đơn vị vệ quốc đoàn chống chọi với lực lượng thiện chiến của thực dân Pháp. Nhân dân miền Tây Nam Bộ vẫn nhớ những trận đánh oai hùng của quân ta trên miền sông nước, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch.

Năm 1954, đồng chí cùng các lực lượng vũ trang ta tập kết ra Bắc, góp phần công sức xây dựng QĐND Việt Nam lớn mạnh. Sau đó đồng chí được phong cấp Thiếu tướng, giữ chức Phó Tổng thanh tra Quân đội. Đầu năm 1958, đồng chí được Nhà nước ra Quyết định giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an và ngày 11-2-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 106/TTg bổ nhiệm đồng chí giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Ba người bạn tâm giao chí cốt

Ông Trần Kiến Quốc, con trai của cố Thiếu tướng Trần Tử Bình cho biết, trong số tư liệu cha ông để lại có một tấm ảnh cỡ 4 x 6, phía sau còn rõ nét chữ của cha ông: "Ngày 6-5-1943, mật thám Nam Định vây bắt ở huyện Bình Lục, Hà Nam. Tuệ bị bắt. Bình và Cang chạy thoát. Sau gặp nhau ở Đại hội Đảng đổi tên và ra công khai. Tháng 2-1951".     

Tư liệu của Thiếu tướng Trần Tử Bình kể lại, hôm ấy ngày 6-5-1943, đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) chủ trì Hội nghị Bắc Kỳ để phổ biến Nghị quyết Thường vụ Trung ương về củng cố cơ sở tại các địa phương quanh khu vực Hà Nam. Hai Xứ ủy viên Phan Trọng Tuệ và Phạm Văn Phu (Trần Tử Bình) được báo về họp tại gia đình ông Nguyễn Hữu Quyền ở xã Hưng Công, huyện Bình Lục theo mật hiệu thống nhất đã được quy định.

Cuộc họp khẩn trương, nhanh gọn, buổi chiều kết thúc, các đại biểu ra về. Riêng ba cán bộ Xứ ủy được cơ sở bí mật bố trí nghỉ ở một trang trại giữa cánh đồng của ông Trần Ngọc Châu thôn Thưa, xã Sơn Lâm. Ba anh em trò chuyện cùng nhau đến khuya mới đi ngủ. Quá nửa đêm, do Hồ Sĩ Trừ (một Xứ ủy viên Bắc Kỳ) phản bội báo mật thám Nam Định tổ chức vây bắt. Ông Hạ Bá Cang và Phạm Văn Phu chạy thoát. Riêng ông Phan Trọng Tuệ bị bắt.

Đồng chí Hạ Bá Cang, sinh năm 1905 tại Đáp Cầu, Võ Giang, Bắc Ninh trong một gia đình thợ thuyền. Đồng chí hoạt động ở mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) rồi về Hải Phòng. Năm 1928, tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và được vào hoạt động ở Nam Kỳ. Năm 1930, trên đường ra Bắc dự hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thì bị địch bắt tra tấn què chân và bị đầy ra Côn Đảo. Năm 1936, mãn hạn tù, đồng chí về hoạt động ở Hà Nội.

Đồng chí Phạm Văn Phu, sinh năm 1907 trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo thiên chúa ở Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam. Từng vào học tại Chủng viện Hoàng Nguyên, rồi bị đuổi học vì tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh. Đồng chí sau đó vào làm phu cao su Phú Riềng. Tại đây đồng chí tham gia Hội Thanh niên rồi trở thành đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng. Vào dịp 3-2-1930, là Bí thư chi bộ, đồng chí đã cùng 6 đảng viên lãnh đạo 5.000 phu cao su Phú Riềng nổi dậy đấu tranh giành quyền làm chủ đồn điền trong một tuần. Sau đó, đồng chí bị địch bắt và bị đầy ra Côn Đảo, đến năm 1936 mới được trả về đất liền.

Trẻ nhất là đồng chí Phan Trọng Tuệ, sinh năm 1917, tại Viêng Chăn, sau đó cùng gia đình trở về Sài Sơn, Quốc Oai. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, tuy tuổi tác khác nhau, nhưng ba đồng chí Cang, Phu, Tuệ gắn bó với nhau như tình ruột thịt, cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, chung nhau đói rét ngủ hầm, chung một lời thề sống chết vì cách mạng, vì sự nghiệp đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc.

Cuộc hội ngộ cảm động ở Đại hội II

Theo tự thuật của đồng chí Trần Tử Bình do ông Trần Kiến Quốc kể lại: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Tại Đại hội lần này, có nhiều đại biểu qua hoạt động trong hoàn cảnh bí mật gian nan sống chết, gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, nước mắt rưng rưng, cảm động không sao kể xiết.

Trong đó, ba đồng chí Hoàng Quốc Việt, Phan Trọng Tuệ và Trần Tử Bình hết sức xúc động, bất ngờ gặp lại nhau ở Đại hội, họ ôm chầm lấy nhau và kéo nhau ra trước tượng đài Tổ quốc ghi công trò chuyện và chụp bức ảnh kỷ niệm. Lúc đó, đồng chí Tuệ hỏi: "Lần đó, bị vây, các anh chạy nhanh quá, sao anh Bình không gọi tôi". Đồng chí Bình nghe vậy phá lên cười: "Thật ra đang ngủ, nghe tiếng chó sủa từ đầu làng; chó sủa ngày một rát. Thấy không ổn, tôi đánh thức "thượng cấp", đồng thời giật võng báo Tuệ: Trốn, có mật thám! Sau đó, tôi vạch liếp dẫn "cụ" vòng ra vườn sau, chui rào vượt qua bụi cây rậm luồn ra cánh đồng; chần chừ là bị tóm cả lũ?".

Nghe xong, đồng chí Tuệ mới nói: "Thấy bị rơi xuống đất, tưởng mình nằm mơ, tôi lại trèo lên võng ngủ tiếp. Ai ngờ...". Khi đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt vui vẻ xen vào: "Tại ngày ấy, chú Tuệ còn trẻ quá, mới có 26, đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Nhưng nghe nói tụi nó tra tấn nhưng Tuệ không khai, bọn địch khen: "Thằng này trắng trẻo, đẹp trai như Tây lai mà lỳ lợm quá; phải không ?". Tất cả lại ôm lưng nhau cười ngất, vang cả một góc rừng.

Tại Đại hội Đảng II, đồng chí Hoàng Quốc Việt là đại biểu Bắc Bộ. Đồng chí Phan Trọng Tuệ được cử ra dự với tư cách đại biểu Nam Bộ. Còn đồng chí Trần Tử Bình là đại biểu Quân đội. Tình đồng chí, tình bạn thân thân thiết từ những ngày hoạt động bí mật gắn kết ba đồng chí đến những năm cuối đời. Đồng chí Bình mất năm 1967; đồng chí Tuệ mất năm 1991 và đồng chí Việt mất năm 1992.

Vị Tư lệnh tài trí đức độ đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang

Năm 1958, được Bác Hồ, Tổng Quân ủy, Đảng đoàn Bộ Công an tin tưởng giao nhiệm vụ lập Đề án tổ chức một lực lượng vũ trang mới; đảm bảo trong sạch về chính trị, tinh thông về quân sự và nghiệp vụ để bảo vệ lãnh tụ, cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước; chống lại mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Đồng chí Phan Trọng Tuệ trong thời điểm gấp rút, chẳng những đã tranh thủ được ý kiến của các cấp, các ngành Trung ương mà còn chọn lọc, tập trung được những cán bộ có chuyên môn sâu để nghiên cứu Đề án bằng tài năng và nhân cách của mình trong bối cảnh rất phức tạp.

Ông và các đồng chí trong Ban dự thảo đã dày công nghiên cứu các loại hình tổ chức lực lượng bảo vệ của một số nước trên thế giới, nhưng không tìm thấy ở đâu có một đội quân tổng hợp bao gồm được các yếu tố lành mạnh về mặt chính trị, giỏi quân sự và nghiệp vụ "chìm" trong tác chiến với đối phương. Như vậy là không có tiền lệ nào để tham khảo.

Căn cứ vào tính chất đặc thù của Việt Nam, cần phải tìm ra được một mô hình thích hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua khảo sát trên thực tế địa bàn đặc điểm biên cương, biển đảo Việt Nam; địa hình, địa vật, thời tiết, khí hậu, giao thông, vận chuyển, đặc điểm các dân tộc; thực trạng bảo vệ hiện thời; âm mưu và phương thức hoạt động của địch và các loại đối tượng... đã tổng hợp được một khối lượng tài liệu phong phú khả dĩ có thể sáng tạo được một mô hình mới. Với năng lực quân sự thiên bẩm và kinh nghiệm đấu tranh bí mật với địch nhiều năm cộng với khả năng tổ chức, giàu trí sáng tạo, xây dựng các đơn vị vũ trang ngay những ngày đầu kháng chiến; ông đã chỉ đạo bộ phận nghiên cứu xây dựng được một Đề án để báo cáo lên trên.

Qua nhiều ý kiến bổ sung của Ban Bí thư, Tổng Quân ủy, Đảng đoàn Bộ Công an; qua nhiều cuộc hội thảo... cuối cùng bản Đề án đã được Bác Hồ và Bộ Chính trị cho thêm ý kiến và được phê duyệt thông qua.

Bản đề án: "Xây dựng lực lượng bảo vệ nội địa và biên cương" do đồng chí Phan Trọng Tuệ chủ trì soạn thảo chẳng những xây dựng được lực lượng Công an nhân dân vũ trang đáp ứng được tình hình lúc bấy giờ, mà còn có giá trị thực tiễn áp dụng cho đến tận ngày nay.

Có thể nói đồng chí Phan Trọng Tuệ chẳng những là nhà kiến trúc sư xuất sắc trong xây dựng mô hình tổ chức ba cấp của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng, mà còn là một cán bộ chỉ huy có tư duy sắc bén về chiến lược và sách lược bảo vệ nội địa và biên giới; đối sách và cách đánh của Công an nhân dân vũ trang đầy nhạy bén và sáng tạo. Chính ông là người khởi xướng phương châm "Vừa tổ chức xây dựng vừa chiến đấu" trong thời điểm lực lượng còn trứng nước, mới hình thành tổ chức. Ông đã cùng tập thể Đảng ủy chỉ đạo bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, đồng thời tiến hành chỉ đạo mặt trận chiến đấu tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc và cả miền Tây Nghệ An, Thanh Hóa... thắng lợi. Dẹp tan các tổ chức phản động và gián điệp "nằm vùng" ở dọc tuyến biển và xây dựng "lá chắn thép" ở vĩ tuyến 17, đập tan ý đồ mưu toan của bè lũ Mỹ - Diệm đòi "lấp sông Bến Hải - Bắc tiến!" trong những năm tháng ác liệt.

Hình ảnh Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, vị Tư lệnh đầu tiên của lực lượng sẽ còn sống mãi trong tâm trí của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng.

Phan Trọng Bằng (Tổng hợp)

Bình luận

ZALO